| Hotline: 0983.970.780

Rối như tơ vò khi xã đứng ra tích tụ đất cho doanh nghiệp thuê!

Thứ Sáu 09/03/2018 , 13:05 (GMT+7)

Sau đổ bể của một đơn vị thuộc Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn TH đang triển khai việc thuê đất của nông dân huyện Vũ Thư (Thái Bình) với diện tích lên tới hàng trăm ha. 

Huyện này cũng đã quy hoạch tích tụ một diện tích đất nông nghiệp khồng lồ với trên 3.100ha để đón đầu các DN đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý trong việc cho thuê đất đang khiến nông dân lẫn chính quyền cơ sở hết sức băn khoăn.
 

Cưỡi trên lưng hổ!

Năm 2017, Tập đoàn TH bắt đầu khởi động việc đầu tư làm dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình, trong đó Vũ Thư là huyện đầu tiên được nhắm tới.

16-30-07_1
Trong khi dân phải đi thuê ruộng SX, hàng trăm ha ruộng vẫn đang bỏ hoang ở xã Nguyên Xá

Sau khi Cty TNHH MTV Chăn nuôi Việt Hùng (Cty Việt Hùng, thuộc Tập đoàn Hòa Phát) rút đi, trả lại những bãi đất hoang cho 3 xã Hòa Bình, Song An và Nguyên Xá, đúng lúc chính quyền các địa phương như đang ngồi trên đống lửa thì Tập đoàn TH vào cuộc, triển khai việc thuê lại chính các diện tích đất bỏ hoang, đồng thời mở rộng thêm diện tích thuê đất thành vùng liền 3 xã với quy mô khoảng 100ha.

Theo chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Thái Bình, thay vì doanh nghiệp (DN) phải ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với từng hộ dân, UBND các xã sẽ được người dân ký ủy quyền đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất với Tập đoàn TH.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vũ Thư tâm tư rằng, đây là chương trình thí điểm tích tụ ruộng đất theo chủ trương của tỉnh, tỉnh giao thì phải làm, chứ bản thân huyện cũng đang vừa làm vừa lo. Bởi về quy định pháp luật thì UBND cấp xã liệu có đủ tư cách là chủ thể pháp lý trong việc thay mặt các hộ dân đứng ra cho Tập đoàn TH thuê đất hay không đang là câu hỏi chưa có trả lời.

Ở cấp xã, từ ngày triển khai chương trình tích tụ ruộng đất, công việc của UBND các xã cứ rối như tơ vò. Ông Lương Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Song An ngán ngẩm, xã tự dưng phải gánh lên vai một mớ công việc mà chẳng có thêm một đồng kinh phí nào để triển khai. Nào tổ chức tới 4 - 5 cuộc họp quán triệt, nào phổ biến, thuyết phục tuyên truyền cho dân, khổ nhất là phải giải quyết mấy trăm bộ hồ sơ ủy quyền cho thuê đất của dân.

Vị này trăn trở, mặc dù hiện tại, chưa chính thức ký hợp đồng cho thuê đất giữa UBND xã với Tập đoàn TH, tuy nhiên theo nội dung sơ bộ, thời hạn thuê đất sẽ là 25 năm. Trong 25 năm ấy, sẽ trải qua bao nhiêu đời chủ tịch xã, liệu họ có chịu trách nhiệm để giải quyết những vấn đề phát sinh sau này? Do thời gian thuê đất rất dài, mà người có ruộng lại đa số là những người cao tuổi, chẳng biết sống chết nay mai thế nào, nên UBND đang phải chịu trách nhiệm với một mớ thủ tục mở thừa kế, lấy chữ ký của rất nhiều thành viên gia đình các hộ có đất cho thuê.

“Hợp đồng là do xã ký với DN, chứ dân chẳng liên quan gì tới họ (DN) cả, nếu DN lại... bỏ của chạy lấy người một lần nữa, thì dân họ nắm tóc Uỷ ban xã đầu tiên”, ông Đỉnh lo lắng. Để chắc ăn, UBND xã này đang tính sẽ phải thu hồi tất cả những sổ đỏ của các hộ có đất cho thuê, phòng trường hợp người dân lấy sổ đỏ đi thế chấp các nơi. Tính là tính thế, nhưng khó mà thu được, vì dân họ cũng sợ nhỡ nay mai có chuyện gì, không còn mảnh sổ đỏ trong tay thì bấu víu vào đâu?

Ngoài Tập đoàn TH hiện đang triển khai thuê khoảng 100ha tại liên vùng 3 xã Hòa Bình, Song An và Nguyên Xá, một DN khác cũng đã thuê đất đầu tư với quy mô 31ha tại xã Việt Thuận (huyện Vũ Thư). Theo Ban chỉ đạo Tích tụ ruộng đất huyện Vũ Thư, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Vũ Thư hiện đã quy hoạch được 11 vùng liên xã với diện tích 3.142ha để đón đầu các DN đầu tư vào nông nghiệp. Với diện tích quy hoạch dự kiến này, sẽ có hàng vạn lao động không còn tham gia SX nông nghiệp, phải chuyển đổi nghề, trong đó có một lượng lớn lao động 55 - 60 tuổi, không thể chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, quá trình triển khai tích tụ, huyện này tuyệt nhiên không có một báo cáo đánh giá cụ thể nào về tác động tới KT-XH, giải quyết và chuyển dịch lao động, việc làm.

Cùng ái ngại như vị Chủ tịch xã, ông Đặng Xuân Thảo, trưởng thôn Lam Sơn (xã Song An) bảo: Chủ trương là chủ trương chung của tỉnh, của huyện, nhưng người đứng trước pháp luật lại là ông xã, dưới nữa ông cán bộ thôn phải đi vận động thuyết phục, trực tiếp lấy chữ ký ủy quyền cho xã cho thuê đất, có rủi ro gì, dân họ cứ nại ông thôn, ông xã ra mà xử! “Bây giờ ruộng đã bỏ hoang gần 3 năm, cho thuê được thì gánh vào mình đủ cái lo, mà không cho thuê được thì lại bỏ hoang, chuyện sẽ lại càng phức tạp. Thật đúng là ngồi trên lưng hổ”, ông Thảo lo lắng.
 

Cho thuê, rồi lại đi thuê!

Ủng hộ chủ trương tích tụ ruộng đất, tiến lên SX hàng hóa giá trị cao, nhưng ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư) cũng thẳng thắn cho rằng, việc tích tụ cần phải được thực hiện khi thời cơ chín muồi, bởi nhu cầu làm ruộng vẫn còn rất tha thiết đối với một bộ phận lớn người dân ở quê hương của cây lúa.

Ông Khảng bảo, Nguyên Xá cách TP Thái Bình chỉ khoảng trên dưới 10km, các KCN bây giờ đã mọc lên quanh huyện Vũ Thư rất nhiều. Làm ruộng dù chẳng lời lãi bao nhiêu, nhưng cũng không còn tốn thời gian và cực nhọc như xưa bởi đã cơ bản có máy móc làm thay. Vì vậy về cơ bản, các hộ là công nhân họ sáng đi chiều về, vẫn muốn tranh thủ trích ra dăm ba ngày công/vụ để làm ruộng lấy thóc ăn.

Bằng chứng là trong đợt vận động triển khai tích tụ đất cho Tập đoàn TH thuê vừa qua, bên cạnh những thôn có tỉ lệ số hộ đồng ý cho thuê đất khá cao trên 70 - 80%, thì vẫn có những thôn chỉ có khoảng 30% số hộ đồng ý. Vì vậy tới thời điểm này, Nguyên Xá chủ yếu chỉ thực hiện cho Tập đoàn TH thuê đất đối với số diện tích do Cty Việt Hùng trước đây bỏ lại.

Tại xã Song An, theo kế hoạch sẽ có khoảng 360 hộ dân trong xã có đất cho Tập đoàn TH thuê, với tổng diện tích gần 45ha ruộng và giá dự kiến cho Tập đoàn TH thuê là 780 nghìn đồng/sào/năm. Những hộ có nhiều ruộng cho thuê, dự kiến sẽ nhận khoảng 4 - 5 triệu đồng/năm.

Nông dân bảo giá thuê đất này là khá hời, cao hơn nhiều so với trồng lúa, nhưng đa số họ lại không mặn mà với hình thức trả tiền thuê đất 2 năm/lần. Những hộ cho thuê đất tuổi gần đất xa trời thì muốn nhận luôn tiền thuê đất “một cục” để phòng khi nhỡ nay mai có mệnh hệ gì để còn đỡ nuối tiếc. Trong khi đó, những hộ còn sức lao động lại muốn hoặc là giữ ruộng làm, hoặc là bán đứt luôn theo kiểu thu hồi đất, chứ chẳng muốn cho thuê.

16-30-07_2
Ảnh: Lê Bền

Vợ chồng ông Đặng Xuân Đính ở thôn Lam Sơn (xã Song An) năm nay đã cận kề tuổi 60. Nhà có 3 mụn con gái thì 2 đã lấy chồng, một đứa lo thân chưa xong.

Ông Đính bảo cứ nhìn trong xã thì biết, những hộ không còn nhu cầu làm ruộng đa số là còn sức lao động, còn đi làm công nhân được, chứ lớp người già trên 55 tuổi, nếu không làm ruộng nữa thì chỉ con đi làm ăn xa có điều kiện chu cấp, hoặc không thì cũng ở nhà bế cháu cho con, xem như con cái chi trả công lao động.

Những hộ còn lại, không dựa được vào con cái như gia đình ông, bây giờ không làm ruộng thì còn biết làm gì để sống? Thế nên vừa qua, nghe chủ trương của xã, của thôn vận động tích tụ đất cho Tập đoàn TH thuê, nhà có 6 sào ruộng ông cũng đành theo chủ trương mà cho thuê để họ liền vùng liền mảnh. Nhưng cho thuê xong ông lại phải đi thuê lại 5 sào ruộng của các hộ khác ở xóm bên để cấy, cứ 2 năm một lần, khi nào ông được trả tiền thuê đất thì lại gạt ngang trả tiền thuê ruộng cho những hộ kia.

“Hoặc là bán hẳn ruộng đi, rẻ cũng 50 triệu đồng/sào, 6 sào nhà tôi có 300 triệu đồng, đem gửi ngân hàng một cục cũng có lãi duy trì cuộc sống hoặc lấy vốn tính nước khác làm ăn. Chứ với số tiền thuê đất gần 800 nghìn đồng/sào/năm, 6 sào ruộng nhà tôi chưa nổi 5 triệu đồng/năm. Chừng đó đi vài cái đám ma, đám cưới hết vèo, chẳng giải quyết được cái gì, thà để ruộng cấy lúa, có cái ăn còn hơn”, lão nông Đặng Xuân Đính nói.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.