| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang rừng đảo Nhím

Thứ Năm 05/11/2015 , 09:15 (GMT+7)

Rừng SX trên đảo Nhím có nhiệm vụ chắn gió, giảm áp lực cho hệ thống bờ và cân bằng sinh thái khu vực. Vậy nhưng, khoảng 1/3 diện tích đang bị người dân “khai tử” bằng cách ken gốc, khoanh vỏ cho cây chết dần, dùng thuốc diệt cỏ 2.4D, thậm chí chặt sát gốc. Mục đích để lấy đất trồng mì (sắn).

Rừng vành đai loang lổ

Theo chân anh T., người dân trên đảo Nhím (nằm giữa hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), chúng tôi đi dọc theo những vạt rừng tiếp giáp với vùng đất bán ngập từ tổ 1 đến tổ 4 của đảo Nhím, thấy từng mảng rừng keo trồng xen cây sao, dầu có diện tích từ 0,5 ha đến hơn 1 ha bị “khai hoang”, nhường chỗ cho những đám mì mới trồng hoặc vừa thu hoạch xong, đang cày xới chuẩn bị cho vụ kế tiếp.

Anh T. cho biết, rừng này do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bắt đầu trồng và chăm sóc từ năm 2008. Đến cuối năm 2014 thì bàn giao lại cho UBND huyện Dương Minh Châu quản lý với tổng diện tích có rừng là hơn 240 ha, tỷ lệ cây sống 80%.

Là “thổ địa” trên đảo nên anh T. nắm rõ địa danh từng khu vực rừng bị phá như: bến đò C., bến đò lộ ủi Sáu Sùng, bến đò Năm Hồng, bến Bố Le, Bố Nhào… Đồng thời anh T. biết rõ tên tuổi, nơi cư ngụ những đối tượng phá rừng.

Điển hình như: Nguyễn Văn C., cha con ông sáu T., Chín C. (ngụ ấp Đồng Kèn - xã Tân Thành, huyện Tân Châu), hai cha con ông V., H., P. “rừng”, Nguyễn Văn Đ., Nguyễn Văn T… (ngụ thị trấn Dương Minh Châu và xã Suối Đá). “Họ phân chia khu vực “xóa sổ” cây rừng để trồng mì từ nhiều năm qua”, anh T. nói.

Cụ thể, Nguyễn Văn C. làm nghề chạy ghe máy đưa rước khách qua lại giữa đảo Nhím và xã Tân Thành, đã khoanh vùng, “khai hoang” hơn 2 ha rừng tại khu vực tổ 1, xã Suối Đá để trồng mì trong thời gian dài.

Mặc dù đã bị cơ quan chức năng huyện Dương Minh Châu lập biên bản cưỡng chế, xịt thuốc diệt cỏ 2.4D những đám mì này, tuy nhiên, C. không những không chấp hành mà vẫn tiếp tục mở rộng diện tích và đang cày đất để chuẩn bị trồng thêm mì.

17-07-34_nh-3
Rừng bị "tàn sát" để trồng mì

Hoặc ngay tại khu vực bến lộ ủi Sáu Sùng thì có cha con ông Hai V. và H. cũng “hô biến” cây rừng và trồng mì với tổng diện tích trên 3 ha. Các khu vực từ tổ 2 đến tổ 4 như Hóc xe tăng, Bố Le, Bố Nhào đến bến đò ông Năm Hồng… nhiều người khác như ông K., gia đình ông Chín C., B., cha con ông Sáu T., đều phá rừng chiếm đất từ 3 đến cả chục ha.

Trong đó, một diện tích lớn bị phá từ lâu, khoai mì trồng đã vài vụ, một số khoảnh khoai mì sắp thu hoạch, và những khoảnh mới khai phá, cây rừng bị cắt mới khô nhựa, đất vừa được cày xới, mới trồng hoặc đang chuẩn bị trồng mì.

17-07-34_nh-5
 Không bao lâu nữa, hàng keo bị ken vỏ gốc này sẽ chết

Trước sự việc người dân tự ý phá rừng và bao chiếm đất trồng mì trên đất công, trong thời gian vừa qua xã Suối Đá phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp huyện và các ban ngành chức năng của huyện Dương Minh Châu lập 65 biên bản kiểm tra vi phạm phá rừng và bao chiếm đất trái phép, trong số đó chỉ xử lý cưỡng chế được… 1 trường hợp của ông Nguyễn Văn Cu với tổng diện tích mì là 2,2 ha trong tổng số 87 ha đất rừng tiếp giáp vùng đất bán ngập.

Giữa rừng da beo

Có lẽ việc “khai tử” cây rừng tại những vùng tiếp giáp đất bán ngập tỏ ra “ngon ăn” nên các đối tượng này lại tiếp tục mở rộng phạm vi lấn lên đến ngay giữa khu rừng 49,5 ha cây keo trồng xen gỗ sao và dầu từ năm 1991.

Khi 49,5 ha rừng cây keo được phép thanh lý từ năm 2012 chỉ để lại những hàng sao dầu tiếp tục sinh trưởng, thì lợi dụng những khoảng trống này, các đối tượng tiến hành ken gốc, gọt vỏ và thậm chí chặt ngang sát mặt đất nhằm tạo khoảng trống trồng mì.

Ngày 6/10/2015, khi chuyến đò đưa đoàn cán bộ Phòng Nông nghiệp, Công an huyện Dương Minh Châu và UBND Suối Đá đi khảo sát tình hình phá rừng để trồng mì cập ngay tại bến đò của đối tượng Nguyễn Văn Cu thì các thành viên trong đoàn đều ngạc nhiên trước những đám mì có diện tích từ 1 - 2 ha đang xanh tốt giữa những hàng sao dầu thưa thớt.

17-07-34_nh-6
Hàng sao hơn 5 năm tuổi bị chặt sát mặt đất

Anh Hồ Quốc Thạch, công an viên của xã Suối Đá, được phân công làm nhiệm vụ trên đảo Nhím, cho biết những đám mì này là của Nguyễn Văn Cu và Nguyễn Văn Đen trồng cách nay hơn 6 tháng.

“Đây là hành vi xâm phạm, hủy hoại tài sản trên đất. Cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh làm căn cứ khởi tố hình sự để răn đe. Để tránh tái diễn tình trạng này và công tác quản lý, bảo vệ đất, bảo vệ rừng đạt hiệu quả, UBND huyện nên thành lập Ban quản lý rừng trên đảo Nhím”, ông Mang Văn Thới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh.

Theo các lối mòn giữa rừng, đoàn khảo sát lần theo vết bánh xe máy cày còn mới và phát hiện một vạt rừng diện tích khoảng hơn 1 ha với cả trăm gốc sao trên 5 năm tuổi được trồng xen giữa hàng keo đã bị chặt ngang sát mặt đất. Còn những cây keo thì bị ken vỏ dưới gốc, lá đang bắt đầu héo rũ.

Bức xúc trước tình trạng này, các thành viên trong đoàn thống nhất phương án là phải nhanh chóng tiến hành cưỡng chế bằng cách xịt thuốc diệt cỏ 2.4 D hoặc cày bỏ những đám mì này, đồng thời yêu cầu đối tượng phá rừng trồng lại cây rừng.

Do không có thời gian đi hết các khu rừng ngay trong buổi sáng nhưng trước những vụ việc này, đoàn khảo sát đã lập biên bản hiện trạng ngay tại giữa rừng dù số diện tích rừng bị “khai tử” được ghi nhận trong biên bản chỉ có hơn 2 ha.

Theo thông tin từ anh Hồ Quốc Thạch và nhận định của các thành viên trong đoàn thì tổng diện tích rừng trồng từ năm 1991 bị người dân phá để lấy đất trồng mì trong thời gian gần đây là rất nhiều, có thể lên đến hàng chục ha.

17-07-34_nh-7
Đoàn cán bộ huyện Dương Minh Châu và xã Suối Đá đi khảo sát tình hình

Trước thông tin về tình trạng rừng trồng trên đảo Nhím đã bị người dân “bức tử” gần 1/3 diện tích, ông Bùi Xuân Đại, PGĐ Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, nhận định, hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt và điều tiết thủy lợi cho hàng ngàn ha hoa màu của Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM.

Ngoài ra, sự an toàn của hệ thống bờ đập liên quan đến hàng triệu người của 3 địa phương này. Cho nên, việc phá rừng trên đảo Nhím ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu của khu vực hồ và các vấn đề nói trên.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng người dân ồ ạt phá rừng chiếm đất trồng mì trên đảo Nhím, ông Trần Văn To, Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, cho biết, sẽ chỉ đạo các ban ngành chức năng của huyện thành lập đoàn khảo sát, nắm tình hình ngay, xử lý nghiêm những trường hợp phá rừng. Sắp tới huyện sẽ thành lập tổ bảo vệ rừng trên đảo Nhím.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.