Cuộc thi Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững năm 2024 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) phối hợp Vinamit và Trung Nguyên tổ chức. Đây là lần thứ 10 cuộc thi được tổ chức, giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm...
Vòng bán kết 1 tại Đồng Tháp diễn ra ngày 15/9 đã lựa chọn ra 13 dự án vào vòng chung kết. Trong đó, Đồng Tháp có 3 dự án: Sản xuất trà OolongSen (100% lá sen tươi); Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất và phát triển sản phẩm nấm Vân Chi đỏ; Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi và mãng cầu xiêm - Phát triển kinh tế xanh tuần hoàn bền vững - Thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ địa phương vì bình đẳng giới.
TP.HCM có 3 dự án: Nano bồ hòn sapin; Bánh củ mì nhân thịt lowcarb; Phytopharm - sản phẩm kháng khuẩn từ lá bàng kết hợp vỏ tỏi cho nông nghiệp hiệu suất cao và bền vững.
An Giang có 2 dự án: Bánh phồng nấm rơm; Nâng tầm giá trị của chiếc chiếu truyền thống thành những sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
Trà Vinh có 2 dự án: Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm; LucbinhGauze: băng gạc sinh học từ cây lục bình.
Ngoài ra, còn có dự án Thủ công mỹ nghệ từ cây dừa nước (Bến Tre); Chuỗi giá trị sản phẩm từ khoai lang (Vĩnh Long); Sản phẩm lưu niệm, décor sang trọng từ rác thải vỏ sò ốc (Vũng Tàu).
Vòng bán kết 2 diễn ra ngày 22/9 tại Đắk Lắk đã chọn ra 9 dự án vào vòng chung kết. Trong đó, Đắk Lắk có 2 dự án: Nâng cao giá trị quả bơ Tây Nguyên - mỹ phẩm thiên nhiên Pơ Lang; Sản xuất chén đĩa từ mo cau.
Bên cạnh đó, còn có các dự án Dalat Chicory Tea - trà sức khỏe từ cây bồ công anh tím canh tác hướng hữu cơ (Lâm Đồng); Măng tre bốn mùa ba sang đắk som (Đắk Nông); Bảo tồn và phát triển ẩm thực cộng đồng Kon Tum (Kon Tum); Mật mía miền xanh (Quảng Ngãi); Thực phẩm từ xương rồng - Leafking - tái sinh nguồn sống (Phú Yên); Snack NGOON làm từ bưởi non (Đà Nẵng); Than hoạt tính, bột đánh răng từ than hoạt tính, túi khử mùi (Bình Thuận).
Tiến sĩ Phan Văn Minh, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Môi trường - Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết, nội dung năm nay đa dạng hơn các năm trước, thí sinh đã tận dụng tài nguyên bản địa để phát triển cho dự án của mình. Có bạn tận dụng những sản phẩm như chuối, mo cau, hay những loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, như tre bốn mùa, cây xương rồng, bồ công tím… để tạo ra những sản phẩm ngày càng chất lượng phục vụ cho đời sống.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Minh, vẫn còn nhiều vấn đề mà các thí sinh cần phải thay đổi. Như trong các báo cáo còn vướng vào tính quảng cáo, thiếu đi tính thuyết phục, đó là số liệu, đồ thị, những con số…nhất là dự án đòi hỏi cơ sở khoa học. Ngoài ra, một số dự án dưới một năm vẫn còn thiếu tính pháp lý của sản phẩm.
Như vậy, qua 2 vòng bán kết tổ chức ở Đồng Tháp và Đắk Lắk, đã có 22 ý tưởng/dự án vào vòng chung kết. Hiện còn vòng Bán kết cuối cùng sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 10 tới đây, với sự tham gia của 49 ý tưởng/dự án.
Bà Vũ Kim Anh, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết, vòng chung kết sẽ có sự tham gia của các dự án từ khắp nơi trên cả nước. Đây là một sân chơi lớn, với nhiều dự án hay.