| Hotline: 0983.970.780

28 Tết Quý Mão: Chợ hoa nhộn nhịp, giá hoa 'mềm' để ai cũng vui Tết

Thứ Năm 19/01/2023 , 17:47 (GMT+7)

Chiều ngày 19/1 (nhằm 28 tháng Chạp) các chợ hoa Xuân trên địa bàn TP.HCM như công viên 23/9, Lê Văn Tám, Gia Định... nhộn nhịp hơn, giá hoa cũng không tăng đột biến.

Khác với khung cảnh hai ngày trước, không khí tại các chợ hoa Xuân hôm nay (19/1) đã tấp nập hơn, nhộn nhịp hơn hẳn. Dòng người đến tham quan, mua sắm mỗi lúc một đông hơn, hứa hẹn vụ Tết của các nhà vườn thêm phần "thắng lợi". Các nhà vườn ở TP.HCM hay từ miền Tây, miền Bắc đem đến thị trường TP.HCM nhiều loại hoa, cây cảnh, đồ thủ công mỹ nghệ, dưa hấu khắc chữ... với nhiều mức giá. 

Tại chợ hoa Xuân công viên 23/9, hoa đào của các nhà vườn Hải Dương, Hà Nội được trưng dọc bên phần đường Phạm Hồng Thái với nhiều hình dáng, thế đào đẹp khác nhau. Có cây vài trăm nghìn đồng và có cả những cây có giá lên đến vài chục triệu đồng. 

Năm nào cũng vậy, cứ sau ngày 23 Tháng Chạp là ông Hồ Như Nhật (ngụ Hải Dương) đều có những chuyến xe hàng chở đào Hải Dương vào Công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM) để bán. "Năm nay tôi xuất hơn 500 cây đào Hải Dương giống tốt để phục vụ cho nhu cầu chơi hoa Tết của người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Tôi chủ yếu bán đào tầm 700.000 - 800.000 đồng/cây, cũng có những cây nhỏ tầm 200.000-400.000 để mọi người chưng trên ban thờ, nhưng loại này chủ yếu là người Bắc mua nhiều hơn là người miền Nam", ông Nhật nói.

Theo ông Nhật, thời tiết năm nay không nóng như mọi năm nên hoa đào nở đẹp hơn. Trong khi giá vật tư đầu vào tăng, nhưng ông Nhật cho biết mình không tăng giá bán, mà vẫn giữ giá như mọi năm để mọi người cùng vui Tết. "Mình muốn tăng cũng không được, dịch bệnh ai cũng khó khăn, mình mà tăng cao người tiêu dùng họ cũng không mua. Hy vọng mùa Tết này chúng tôi bán hết được số hàng đem vào", ông Nhật cười nói.

Cây đào với giá 800.000 đồng đã được mua. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cây đào với giá 800.000 đồng đã được mua. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lựa mãi cuối cùng bà Nguyễn Thị Liên cũng chọn cho mình được cây đào ưng ý về chơi Tết với giá 800.000 đồng và 2 cành hoa đào để chưng ban thờ với giá 250.000 đồng/cành. "Tôi là người gốc Bắc, dù vào Nam sinh sống đã lâu, nhưng tôi vẫn thích chưng hoa đào. Nhìn những nụ hoa đào chớm nở khiến tôi nhớ đến những cái Tết ở miền Bắc, trong cái không khí rét căm", bà Liên nói.

Ở khu vực hoa cúc, hoa giấy, mào gà... cũng rực rỡ không kém. Các nhà vườn từ miền Tây đã đưa hàng về từ mấy ngày nay. Thường chợ hoa xuân này đông khách đến vào buổi chiều tối, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, từ trưa nắng cũng đã có khá đông người dân đến "rinh" về các chậu cúc vàng rực.

Anh Đào Anh Tuấn (ngụ Cần Giuộc, tỉnh Long An) cũng có nhiều năm kinh doanh các mặt hàng hoa cúc, hoa mào gà tại chợ hoa Xuân Công viên 23/9. "Tôi nhập hoa từ miền Tây lên đây bán. Mỗi ngày tôi nhập khoảng 2.000 chậu hoa cúc các loại và hoa mào gà. Cứ hết là xe lại chở lên. Hoa cúc có giá từ 200.000-400.000 đồng/cặp, hoa mào gà 180.000-200.000 đồng/cặp. Chỗ tôi bán sức mua có tăng hơn so với năm ngoái chút", anh Tuấn nói.

Người dân Sài Gòn và du khách lựa chọn các sản phẩm mây tre lá của làng nghề Vĩnh Phú Đông. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân Sài Gòn và du khách lựa chọn các sản phẩm mây tre lá của làng nghề Vĩnh Phú Đông. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Từ làng nghề đan lát truyền thống Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, mười mấy năm nay, năm nào chị Trương Ánh Tuyết cũng đem đến các sản phẩm mây tre lá để giới thiệu quảng bá với người dân TP.HCM cũng như khách du lịch. "Làng nghề chúng tôi phần lớn làm cần xé, thúng, rổ... dùng cho nông nghiệp, cho người đi biển, chỉ có dịp Tết mới làm nhiều sản phẩm phong phú để phục vụ bà con TP.HCM. Phần lớn khách thích mua hàng của làng nghề chúng tôi, họ cảm thấy hàng của chúng tôi là hàng tự nhiên, không có hóa chất. Một số người mua vì thích, vì chia sẻ giúp đỡ chứ nhiều khi họ cũng không có nhu cầu dùng", chị Tuyết nói.

Chị Tuyết chia sẻ thêm, năm nay chị vẫn giữ giá bán như mọi năm bởi khách hàng tại đây đa phần là những khách hàng quen tìm đến. 

Chậu mai mini với giá 300.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chậu mai mini với giá 300.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các chậu hoa mai từ nhỏ đến lớn, với nhiều thế mai độc lạ cũng được nhiều nhà vườn đem đến hội chợ Xuân. Bà Phạm Thị Huệ (60 tuổi, ngụ quận 3) lựa được cho mình chậu mai nhỏ xinh với giá 300.000 đồng để chưng trên bàn khách. "Nhà có hai vợ chồng già thôi, nên tôi mua cây này cho nó có chút xuân, hợp túi tiền", bà Huệ nói. 

Tại chợ hoa xuân Công viên Lê Văn Tám (quận 1), nhiều nhà vườn miền Tây cho biết, hiện thời tiết khá thuận lợi cho việc vận chuyển hoa lên TP.HCM. Theo khảo sát, giá các loại hoa được người bán chào hàng bằng hoặc thấp hơn giá năm ngoái. Người bán cho rằng, do tình hình kinh tế chung nên nhà vườn vẫn giữ giá hoặc hạ nhiệt chút đỉnh để người dân ai cũng có thể mua hoa chơi Tết. 

Một số hình ảnh PV ghi được tại chợ hoa Xuân:

Nhiều nhà, cơ sở, doanh nghiệp chọn mua hoa cúc để chưng ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều nhà, cơ sở, doanh nghiệp chọn mua hoa cúc để chưng ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hoa lan là một trong những loại hoa được ưa chuộng để làm quà Tết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hoa lan là một trong những loại hoa được ưa chuộng để làm quà Tết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các chậu hồng nhỏ đủ màu sắc với giá 150.000 đồng/chậu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các chậu hồng nhỏ đủ màu sắc với giá 150.000 đồng/chậu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hoa hồng chậu nhỏ được nhà vườn miền Tây đem lên với nhiều chủng loại, màu sắc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hoa hồng chậu nhỏ được nhà vườn miền Tây đem lên với nhiều chủng loại, màu sắc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hoa mào gà với giá 180.000 đồng/cặp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hoa mào gà với giá 180.000 đồng/cặp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dịch vụ giao hoa tận nhà cho khách. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dịch vụ giao hoa tận nhà cho khách. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.