![Đoàn của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đến động viên số công nhân mới trở lại làm việc sau Tết. Ảnh: Hồ Thảo.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/12/0826-z6310678451345_fb728962c32797e93d10fd386d206fa0-150802_579-182714.jpg)
Đoàn của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đến động viên số công nhân mới trở lại làm việc sau Tết. Ảnh: Hồ Thảo.
Nhiều bất cập với người lao động
Trước đó, theo phản ánh của công nhân, vào cuối năm 2024, lãnh đạo Công ty TNHH Giày Gia Định - Chi nhánh Trà Vinh (khóm 5, huyện Tiểu Cần) cam kết sẽ chi tiền thưởng (lương tháng 13) và tạm ứng lương tháng 1/2025 trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Cụ thể, công nhân có thâm niên từ một năm trở lên sẽ được thưởng tương đương một tháng lương cơ bản vùng (khoảng 3,4 triệu đồng), còn công nhân làm việc dưới một năm sẽ nhận thưởng theo tỷ lệ thời gian làm việc thực tế. Công ty cũng thông báo sáng 25/1, công nhân sẽ tập trung dọn dẹp khu sản xuất và nhận tiền thưởng, tạm ứng lương trước khi chính thức nghỉ trưa cùng ngày.
Tuy nhiên, sáng 25/1, ban lãnh đạo công ty bất ngờ yêu cầu công nhân làm việc đến 18h để đảm bảo sản lượng nhưng không đề cập đến việc chi trả tiền thưởng và tạm ứng lương. Khi công nhân thắc mắc, đại diện công ty (người nước ngoài) không đưa ra lời giải thích mà có thái độ thách thức, khiến 400 công nhân bức xúc, dẫn đến đình công và phản ánh lên chính quyền địa phương để can thiệp.
Ngày 12/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Châu Văn Hòa, trực tiếp đến công ty để gặp gỡ, động viên số công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Trong buổi làm việc với UBND huyện Tiểu Cần và lãnh đạo công ty, ông yêu cầu doanh nghiệp này giải thích rõ lý do chậm chi lương, thưởng cũng như việc chưa thực hiện đầy đủ các chính sách chăm lo đời sống người lao động.
Bà Trần Thị Hướng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gia Định, phân trần rằng do đơn hàng giảm vào thời điểm cuối năm, cùng với việc chi nhánh Trà Vinh là cơ sở xa nhất, công tác chỉ đạo chưa sát sao, dẫn đến cán bộ chưa giải thích rõ làm người lao động hiểu lầm về chế độ thưởng Tết.
Bên cạnh đó, khó khăn tài chính trong những ngày cuối năm khiến công ty không thể rút tiền kịp thời để chi trả. Đồng thời, Giám đốc chi nhánh Trà Vinh, bà Nguyễn Thị Huyền Nga, phải nhập viện đúng thời điểm xảy ra sự cố, khiến việc báo cáo và xử lý chậm trễ.
“Tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể công nhân và cam kết sẽ khắc phục, không để tình trạng tương tự tái diễn. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng thêm dây chuyền sản xuất, dự kiến tuyển dụng thêm 1.000 - 1.200 công nhân trong thời gian tới”, bà Hướng cho biết.
Ông Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh đề nghị công ty thực hiện đúng cam kết về chế độ thưởng Tết và tạm ứng lương cho người lao động. Theo ông, nhiều công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp này chưa được ký hợp đồng lao động.
Hiện tại, trong tổng số 401 công nhân của công ty, chỉ có 107 người đã ký hợp đồng lao động và được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong khi 294 công nhân còn lại vẫn chưa có hợp đồng. Điều này khiến họ không được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật Lao động, như chế độ ốm đau hay trợ cấp khi nghỉ việc.
“Hiện nay, nhiều công nhân đã nghỉ việc và chuyển sang các công ty khác do họ được ký hợp đồng ngay từ đầu, thay vì phải thử việc kéo dài mà không có hợp đồng như tại Công ty Gia Định. Vì vậy, công ty cần thay đổi để đảm bảo quyền lợi cho công nhân”, ông Hùng yêu cầu.
![ra-phap-ly-cong-ty-gia-dinh-sau-vu-400-cong-nhan-dinh-cong-151804_671.jpg Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh xác nhận doanh nghiệp còn chậm nộp tiền bảo hiểm. Ảnh: Hồ Thảo.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/12/ra-phap-ly-cong-ty-gia-dinh-sau-vu-400-cong-nhan-dinh-cong-151804_671-182714.jpg)
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh xác nhận doanh nghiệp còn chậm nộp tiền bảo hiểm. Ảnh: Hồ Thảo.
Còn theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh, doanh nghiệp này có nộp chậm 124 triệu đồng tiền bảo hiểm.
Bà Trần Thị Kim Chung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh, Công ty Gia Định là doanh nghiệp duy nhất xảy ra đình công và tình trạng này đã diễn ra liên tiếp trong hai năm. Công ty cũng chưa đóng đoàn phí và chưa nộp kinh phí công đoàn, khiến tổ chức công đoàn không có điều kiện hoạt động. Việc thiếu phối hợp với địa phương trong xây dựng kế hoạch đã dẫn đến tình trạng đình công tại huyện Tiểu Cần.
“Trong quá trình triển khai Kết luận số 3 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến chất lượng bữa ăn ca của người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nâng suất ăn cho công nhân từ 18.000 - 22.000 đồng/phần trở lên. Tuy nhiên, công ty Gia Định vẫn giữ mức suất ăn cũ là 15.000 đồng/phần, chưa đảm bảo theo quy định”, bà Chung nói.
Rà soát, xử phạt theo quy định
Kết luận tại buổi làm việc, ông Châu Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, giao Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra lại hoạt động của các tổ công đoàn, rà soát các chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân, đồng thời phối hợp với Công ty Gia Định để xây dựng kế hoạch hỗ trợ lao động.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ, hợp đồng lao động, đảm bảo sau thời gian thử việc, người lao động phải được ký hợp đồng chính thức. Nếu phát hiện sai phạm, xử phạt theo quy định và thông báo rộng rãi để các doanh nghiệp trên địa bàn rút kinh nghiệm.
![ra-phap-ly-cong-ty-gia-dinh-sau-vu-400-cong-nhan-dinh-cong-152554_657.jpg Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đang hỏi thăm, động viên công nhân. Ảnh: Hồ Thảo.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/12/ra-phap-ly-cong-ty-gia-dinh-sau-vu-400-cong-nhan-dinh-cong-152554_657-182715.jpg)
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đang hỏi thăm, động viên công nhân. Ảnh: Hồ Thảo.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh, việc thuê nhà xưởng, cũng như các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động. Đồng thời, sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để giám sát vấn đề an toàn vệ sinh lao động, vừa kiểm tra vừa hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hạn chế.
"Lãnh đạo công ty cần rút kinh nghiệm, tôn trọng quyền lợi người lao động, đặc biệt trong dịp Tết, theo quan điểm chung là không để ai bị bỏ lại phía sau. Các cơ quan liên quan phải nhanh chóng rà soát, xử lý nếu sai phạm. Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định, góp phần ổn định sản xuất và bảo vệ quyền lợi người lao động", ông Hòa nhắc lại.