Đối diện nhiều khó khăn
Năm 2021, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giá cá tra nguyên liệu giảm thấp kéo dài từ năm 2019 làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất; đại dịch Covid-19 khiến chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra bị ảnh hưởng nhiều mặt.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do thời gian giãn cách xã hội kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9/2021, các hoạt động sản xuất, vận chuyển con giống, thức ăn, cá nguyên liệu bị ảnh hưởng; nhiều cơ sở nuôi thiếu người thu hoạch; một số nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến cá tra phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất; chi phí sản xuất tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu; hoạt động vận chuyển quốc tế bị gián đoạn.
Bất chấp khó khăn, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản kịp thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 đảm bảo duy trì mức tăng trưởng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm 2021 ước đạt 4,75 triệu tấn, tăng khoảng 4,17% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 1,5 tỷ USD.
Nhằm tiếp tục phát huy những giá trị tích lũy trong hơn 20 năm phát triển, xây dựng ngành hàng cá tra, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội nghị trực tuyến "Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022".
"Chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời để phát triển nuôi cá tra, vừa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng tháng cuối năm 2021, vừa đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến vào các tháng đầu năm 2022, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, kế hoạch phát triển của ngành", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị.
Cá tra là ngành hàng chủ lực, là sản phẩm đặc hữu của vùng ĐBSCL, có vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội của toàn vùng. Dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2021, ngành hàng cá tra vẫn đặt mục tiêu tham vọng cho năm sau. Cụ thể: Diện tích thả nuôi phát sinh trong năm đạt trên 5.200ha; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, từ thời điểm thời gian giãn cách xã hội, tỉnh chủ trương sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, Đồng Tháp đã tính toán và dành sự quan tâm nhiều hơn tới thị trường trong nước.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng nêu thực tế hiện sản phẩm chính của cá tra chủ yếu là phi lê. Ông đề nghị Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản có thêm những hướng dẫn, giúp địa phương tạo ra nhiều sản phẩm đa giá trị như colagen, dầu cá. Một vấn đề nữa, là nhiều cơ sở sản xuất giống trên địa bàn mới quan tâm đến số lượng, chứ chưa đảm bảo chất lượng đầu ra.
Kết thúc phát biểu, ông Đạt đề nghị Tổng cục Thủy sản làm đầu mối cho các địa phương và doanh nghiệp trong việc vẽ bản đồ quy hoạch cá tra vào thời gian tới.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng cá tra, thích ứng với tình hình mới trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra 6 giải pháp.
Một là, với UBND các tỉnh vùng ĐBSCL. Lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện nghiêm các nội dung quy định tại Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn có liên quan tới cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm (giống, cá tra thương phẩm, vật tư đầu vào...), cấp giấy chứng nhận, thống kê, tập huấn phổ biến thông tin, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm.
"Các tỉnh cần có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển các vùng nuôi liên kết với cơ sở chế biến, tiêu thụ để chia sẻ thông tin, điều tiết sản xuất theo yêu cầu từ thị trường", Thứ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh ĐBSCL tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”, đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp. Ông bày tỏ mong muốn, địa phương khẩn trương thực hiện các quy định của nhà nước về hỗ trợ người sản xuất bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như giảm giá điện, hỗ trợ vốn, lãi suất vay, thuế, phí, bảo hiểm; thống nhất phương án hướng dẫn các doanh nghiệp, người nuôi duy trì hoạt động sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến... để đảm bảo ổn định chuỗi sản xuất cá tra, kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm.
Hai là, Thứ trưởng giao Cục Thú y tăng cường kiểm soát dịch bệnh, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thủy sản và các địa phương ĐBSCL.
Ba là, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản & Thủy sản có trách nhiệm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm vùng nuôi cá tra, đặc biệt vùng nuôi cung cấp nguyên liệu xuất khẩu đi Mỹ; chia sẻ kết quả kiểm tra dư lượng với Tổng cục Thủy sản để phối hợp chỉ đạo nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Song song với đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục thực hiện các biện pháp cần thiết để mở cửa lại thị trường Ảrập Xêút với sản phẩm cá tra.
Bốn là, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản thường xuyên cập nhật diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu, chia sẻ thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở nuôi để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Năm là, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi ngành hàng cá tra chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh, dựa trên thông tin, hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời, xây dựng thương hiệu và chiến lược thích ứng, phát triển lâu dài, bền vững.
Sáu là, với doanh nghiệp, cơ sở nuôi, lãnh đạo Bộ NN-PTNT gợi mở một số định hướng như: Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tiện lợi cho tiêu dùng, trọng lượng phù hợp với bữa ăn gia đình và theo từng phân khúc thị trường; Đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc; Chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu cá tra sang thị trường EU, sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan có hiệu lực nhờ hiệp định EVFTA.
"Trong số các lĩnh vực, tôi lo nhất cho thủy sản, trong đó có ngành hàng cá tra, bởi đây là chuối sản xuất bị ảnh hưởng nhiều bậc nhất trong đợt dịch Covid-19. Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản, nhất là khu vực phía Nam phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong khoảng 2 - 3 tháng. Giờ là lúc chúng ta phải chuyển dịch mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, phải chủ động, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Tất cả phải trở thành một hệ sinh thái bền vững", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đề nghị địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cá tra tập trung giải quyết dứt điểm ba vấn đề, tạo sức bật cho tháng cuối năm 2021. Thứ nhất, là cần tạo ra nguồn giống chất lượng, ổn định từ đàn cá bố mẹ . Thứ hai, là tổ chức sản xuất, liên kết các chuỗi giá trị tại địa phương, thông qua các chi hội, hiệp hội ngành hàng để nhân rộng các mạng lưới. Thứ ba, là thông suốt thông tin, phản ánh kịp thời các vướng mắc khi triển Quyết định 128 trong thực tế.
"Ngành cá tra đã gặp nhiều khó khăn trong suốt năm 2021. Từ trung ương đến địa phương, tất cả đã tập trung trí tuệ, nguồn lực rà soát số lượng nguồn cung, trước khi đề ra các giải pháp kỹ thuật trong chế biến, xuất khẩu, giúp tăng lợi nhuận cho người nuôi", ông Luân cho biết.