| Hotline: 0983.970.780

Kỹ năng thuyết phục người khác bằng ngôn ngữ đơn giản

Thứ Sáu 06/12/2024 , 20:05 (GMT+7)

Kỹ năng thuyết phục rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại đang đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, cho nên ‘đơn giản mà nói’ là một chọn lựa khôn ngoan.

Chuyên gia tiếp thị Ben Guttmann.

Chuyên gia tiếp thị Ben Guttmann.

Kỹ năng thuyết phục luôn đa dạng, vì người nói và người nghe có vị trí và trình độ khác nhau. Trong thời đại bùng nổ thông tin, kỹ năng thuyết phục là làm thế nào để lời nói của bạn không chỉ được lắng nghe mà còn đọng lại trong tâm trí người khác? Kỹ năng thuyết phục giúp thông điệp của người nọ trở nên nổi bật trước người kia, chủ yếu nằm ở sức mạnh của sự đơn giản. Một thông điệp đơn giản, rõ ràng không chỉ dễ nhớ, dễ tiếp cận mà còn làm nổi bật những điều cần truyền tải.

Vì sao đơn giản lại hiệu quả? Và làm cách nào để biến những ý tưởng phức tạp trở thành những thứ đơn giản và thu hút? Chuyên gia tiếp thị nổi tiếng người Mỹ Ben Guttmann trong cuốn sách “Đơn giản mà nói” đã phân tích sức mạnh của sự đơn giản và cách sử dụng sự đơn giản để tăng cường kỹ năng thuyết phục.

Trong cuộc sống, hẳn nhiều người đã không ít lần cảm thấy mất kiên nhẫn vì phải lắng nghe một bài thuyết trình dài dòng hoặc chán nản khi phải xem một quảng cáo đầy chữ mà không thể hiểu nhà cung cấp muốn nói gì. Phản ứng dễ hiểu, là phần lớn mọi người sẽ chọn cách ngó lơ thông điệp đó.

Theo ước tính, chúng ta tiếp nhận 11 triệu bit thông tin mỗi giây thông qua các giác quan, nhưng phần não bộ có ý thức chỉ có khả năng xử lý khoảng 0,0004% trong số đó. Chúng ta chỉ để ý đến những thông tin gắn liền với mục tiêu của mình, có thể giúp chúng ta tồn tại và phát triển, đồng thời vô thức lọc bỏ những thông tin không quan trọng. Trong thời đại ngồn ngộn thông tin như hiện nay, không có gì khó hiểu khi những thông điệp phức tạp thường bị bỏ qua ngay từ đầu.

Tác giả Ben Guttmann cho rằng: “Chúng ta cứ nghĩ loài người rất thông minh, nhưng rốt cuộc chúng ta lại không nhận thức được phần lớn thế giới xung quanh, không nhớ được phần lớn những cái mình có thể nhận thức, thậm chí không biết những thứ chúng ta cho là mình biết”. Tại sao như vậy?

Vì khả năng chú ý của con người là có giới hạn nên những thông điệp phức tạp khó lòng trụ lại trong bộ não của chúng ta, thậm chí nó còn khiến bộ não bối rối, áp lực và kém tập trung. Không chỉ vậy, những thiên kiến nhận thức như thiên kiến trải nghiệm sẵn có, thiên kiến trôi chảy, thiên kiến đồng dạng… có thể tác động đến quá trình truyền tải và tiếp nhận thông điệp của chúng ta. Lúc này, một thông điệp đơn giản sẽ nổi bật vì chúng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ phản ứng.

Cuốn sách 'Đơn giản mà nói' phiên bản tiếng Việt.

Cuốn sách "Đơn giản mà nói" phiên bản tiếng Việt.

Chuyên gia tiếp thị Ben Guttmann đưa ra nhiều bằng chứng từ nhiều lĩnh vực khác nhau để cho thấy rằng chúng ta bẩm sinh đã có khuynh hướng thiên về những thứ dễ nhận biết và dễ xử lý. Khi tiếp xúc với một thông điệp hoặc khái niệm dễ tiếp thu, chúng ta có xu hướng nghĩ là nó đúng, từ đó có tin tưởng, thiên vị và lựa chọn nó.

Ví dụ, thông điệp “1.000 bài hát trong túi của bạn” đã giúp Apple cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc với iPod. Hay như chiến dịch “Cứ làm đi” (Just Do It) của Nike, chỉ với ba từ đơn giản nhưng bao hàm trọn vẹn cảm hứng và tinh thần của thương hiệu, không chỉ truyền động lực mà còn gắn kết mạnh mẽ với cảm xúc người nhận. Ở đây, đơn giản là một nghệ thuật, là cách gạn lọc những gì cốt lõi nhất để thông điệp của bạn đi thẳng vào tâm trí người nhận.

Với sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức lịch sử, lý thuyết tâm lý học và những câu chuyện thực tiễn, cuốn sách “Đơn giản mà nói” của Ben Guttmann cung cấp nhiều ví dụ thực tế về cách những bậc thầy giao tiếp hàng đầu thế giới vận dụng sự đơn giản vào cuộc sống của họ. Đó có thể là câu chuyện của Donald Trump và Alexandria Ocasio-Cortez trong chính trường Mỹ. Chuyện về chiến dịch chống hút thuốc Truth với nhiều thông điệp “thô nhưng thật” đã làm giảm tình trạng sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên, cứu sống hàng ngàn sinh mạng và tiết kiệm cả núi chi phí y tế công. Trong khi đó, rất nhiều chiến dịch khác, dù cũng xuất phát từ thiện ý, lại không thể thay đổi hành vi hút thuốc của người hút như Truth.

Nhìn chung, cơ chế mặc định của đám đông là phớt lờ vì điều đó giúp họ không bị quá tải trước ma trận thông tin đồ sộ. Khi là người mang thông điệp, không ai muốn bị thờ ơ hay quên lãng. Để tăng hiệu quả trong việc giao tiếp và truyền tải thông điệp, tác giả Ben Guttmann tư vấn: “Ngọn giáo phải sắc bén mới xuyên qua được áo giáp kẻ thù, thông điệp phải sắc bén mới xuyên qua được màn sương hờ hững để được lắng nghe”.

Ngày nay, hầu như ai trong chúng ta cũng đều làm marketing theo cách này hay cách khác. Đó có thể là việc thuyết phục khách hàng tin vào sản phẩm, trình bày cho sếp một ý tưởng đột phá, hoặc hoặc khuyên bảo con cái làm việc nhà… Chúng ta luân phiên thay đổi giữa vai trò người truyền tải và người nhận thông điệp, hoặc có khi giữ một lúc hai vai. Khi ở vai trò của người truyền tải, chúng ta thường có xu hướng ôm đồm chi tiết và phức tạp hóa ý tưởng của mình. Thế nhưng, chính việc này đã khiến chúng ta dễ đi vào thất bại vì không thể truyền đạt thông tin một cách mạch lạc, thậm chí là gây hiểu lầm hoặc nhàm chán.

Vậy làm cách nào để xây dựng một thông điệp đơn giản mà hiệu quả? Theo tác giả Ben Guttmann, cần tập trung vào năm nguyên tắc: hữu ích, tập trung, nổi bật, đồng cảm và tối giản. Năm nguyên tắc này là nền tảng để chinh phục, tập trung vào lợi ích thay vì đặc tính sản phẩm, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, giàu hình ảnh, luyện tập cách loại bỏ thông tin không cần thiết…

Bên cạnh đó, đơn giản hóa dữ liệu cũng đặc biệt quan trọng khi mà việc đưa ra quyết định dựa vào dữ liệu trở nên ngày càng phổ biến. Quá nhiều dữ liệu sẽ khiến người xem bối rối và không biết thông tin nào mới là cốt lõi. Do đó, cần trình bày dữ liệu một cách rõ ràng và hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện nội dung cốt lõi thông qua dữ liệu.

Việc đơn giản hóa không chỉ là một chiến lược giao tiếp mà còn là “kỹ năng sống còn” của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Muốn tạo ra một thông điệp đơn giản không phải là chuyện dễ dàng, mà phải đòi hỏi sự tinh tế, nỗ lực và thấu hiểu sâu sắc tâm lý người nhận, như chuyên gia tiếp thị Ben Guttmann khẳng định: “Nền tảng của việc giao tiếp hiệu quả là những hiểu biết chung, là mặt bằng chung về ngôn ngữ, giá trị và trải nghiệm giữa người truyền tải và người nhận. Chỉ khi thật lòng đồng cảm với người nhận thông điệp, chúng ta mới có thể thật sự kết nối với họ”.

Xem thêm
Tối hậu thư xuất phát từ một quan hệ trớ trêu

Tối hậu thư của kẻ thứ ba, không chỉ là một cú đánh trời giáng vào hạnh phúc gia đình, mà đôi khi còn ẩn chứa một âm mưu được tính toán tỉ mỉ.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?