Chính sách khen thưởng nhằm khuyến sinh thực tế đã được đề cập trong Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 của Chính phủ về điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, có hiệu lực từ ngày 28/4/2020. Bây giờ đô thị lớn nhất phương Nam mới kiến nghị chính sách khen thưởng một cách cụ thể, chứng tỏ nỗi lo dân số già đang đe dọa sự phát triển của cộng đồng.
Dựa theo kết quả thống kê, TP.HCM đang xếp vào danh sách 21 địa phương có mức sinh thấp. Nếu mức sinh thay thế tiêu chuẩn là 2,1 con đối với mỗi cặp vợ chồng, thì tổng tỉ suất sinh của TP.HCM năm 2023 chỉ dừng ở 1,32 con. Nếu không có hành động tích cực và hữu hiệu hơn, cơ cấu dân số TP.HCM sẽ lâm vào hoàn cảnh bất cập.
Theo chính sách khen thưởng được trình bày tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM, mỗi phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần ba triệu đồng. Còn phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc cư trú tại xã đảo sẽ được hỗ trợ tầm soát trước sinh và sơ sinh với tổng mức hỗ trợ hai triệu đồng, gồm 600 nghìn đồng cho tầm soát trước sinh, 400 nghìn đồng cho tầm soát sơ sinh, và một triệu đồng trao tặng trực tiếp.
Cùng với TP.HCM, 20 địa phương có mức sinh thấp đều thuộc khu vực Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Vì sao như vậy? Vì hầu hết các địa phương ấy đều có tốc độ đô thị hóa rất nhanh trong hai thập niên gần đây, và người dân cảm nhận rõ nét áp lực cuộc sống vật chất đã xóa bỏ câu cửa miệng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”.
Liệu rằng, 21 địa phương có mức sinh thấp đều có chính sách khen thưởng tương tự TP.HCM thì có thể đảm bảo tăng 10% tổng tỷ suất sinh đến năm 2030, như kế hoạch của Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 không? E rằng hơi khó, bởi lẽ vì những khó khăn tài chính nên chưa thấy địa phương nào quyết liệt thực hiện các giải pháp khuyến sinh như cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn, khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi…
Hỗ trợ ba triệu đồng cho mỗi phụ nữ sinh đủ hai con trước tuổi 35, cũng là một gánh nặng cho ngân sách một số địa phương trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, số tiền đó vẫn quá ít hỏi, so với chi phí cần thiết để nuôi dưỡng một đứa trẻ. Mặc dù xu hướng theo đuổi lối sống hưởng thụ cá nhân cũng tác động không nhỏ đến nhiều gia đình, nhưng phần lớn lý do khiến các cặp vợ chồng ngại sinh con là không tìm thấy đáp án an toàn cho bài toán kinh tế tương lai.
Cho nên, những địa phương có mức sinh thấp muốn cải thiện tổng tỉ suất sinh, phải nhanh chóng triển khai đầy đủ Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020, bao gồm xây dựng môi trường phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ và nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình... Đồng thời, phải giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ cho người phụ thuộc, hỗ trợ mua hoặc thuê nhà ở xã hội, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…
Nếu các nội dung cơ bản của Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 không được hiện thực hóa, thì có lẽ chẳng mấy đối tượng hào hứng với số tiền hỗ trợ một lần cho phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35.