Nhiều làng quê hạnh phúc
Cách đây hơn 10 năm, trung bình mỗi xã tại Thanh Hóa mới đạt 4,7 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Dù có diện tích rộng nhưng tỉnh có tới 7 huyện nghèo nhất cả nước thuộc Chương trình 30a, có 100 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn… Thanh Hóa cũng được xem là địa phương có số xã lớn nhất cả nước, điểm xuất phát thấp, lại thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai. Trong khi đó, một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, dẫn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gặp khá nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, xác định xây dựng nông thôn mới là cơ hội lớn để phát triển toàn diện, nâng cao đời sống người dân nông thôn, ngay khi Trung ương vừa ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở và huy động cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu trên. Điều đặc biệt là, trong khi ở các tỉnh, thành phố, chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban, thì Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho bí thư cấp ủy giữ nhiệm vụ này. Việc này đã tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ mang tính thống nhất, xuyên suốt.
Thanh Hóa coi xây dựng nông thôn mới là 1 trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, hàng đầu trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Quan điểm xuyên suốt trong xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa là lấy người dân là trung tâm, chủ thể và trực tiếp tham gia, quyết định, giám sát các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới; lấy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững là động lực quan trọng để các địa phương vươn lên, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Về lý thuyết, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng thuận lợi hơn do có lợi thế về vị trí địa lý và hạ tầng. Trong khi đó Thanh Hóa có đến gần một nửa số huyện là miền núi. Bài toán đặt ra là, xây dựng nông thôn mới đối với các huyện miền núi xứ Thanh phải bắt đầu từ đâu?
Sau nhiều lần trăn trở, bàn tới, bàn lui, năm 2014, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các tiêu chí riêng, đặc thù về “thôn, bản nông thôn mới”, tại các huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý, 14 tiêu chí riêng của Thanh Hóa dành cho thôn, bản đã mang lại những hiệu quả không ngờ. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa áp dụng phương châm xây dựng nông thôn mới từ thôn, bản. Một xã muốn đạt chuẩn nông thôn mới, thì mỗi thôn phải đạt chuẩn nông thôn mới. Khi một thôn, bản đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn, sẽ tạo hiệu ứng để thôn khác phấn đấu. Điều đó tạo được phong trào sâu rộng trong xây dựng nông thôn mới ở tận vùng sâu, vùng xa đến trung du, đồng bằng.
Không chỉ hoàn thiện các tiêu chí “cứng” trong xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa còn xây dựng thêm tiêu chí "mềm" mang tên “Đánh giá sự hài lòng của người dân”. Đây được coi là “tiêu chí thứ 20” trong xây dựng nông thôn mới mà nhiều tỉnh khác không có. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định, xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm kết thúc, bởi vậy, tiêu chí về sự hài lòng của người dân được xem là thước đo chính xác để kiểm tra kết quả, hiệu quả của việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Tại Thanh Hóa, một xã muốn đề nghị thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới, phải đề nghị Ủy ban MTTQ cấp huyện cùng tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân từng thôn, cộng đồng dân cư. Nếu còn ý kiến “lăn tăn” về một tiêu chí nào đó, thì cơ quan có thẩm quyền chưa công nhận đạt chuẩn.
Cuộc ‘cách mạng’ làm thay đổi bộ mặt nông thôn
Nói xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa là một cuộc “cách mạng” đang làm thay đổi bộ mặt làng quê là hoàn toàn xác đáng. Bởi lẽ, không nơi đâu có nhiều phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sâu rộng, hiệu quả như xứ Thanh. Một trong số đó phải kể đến phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng khu dân cư "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn"; tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới; giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi…
Đặc biệt, nhiều địa phương trong tỉnh đã áp dụng các cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, điển hình như: Ban chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với vận động nhân dân hiến đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn; Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Trung ban hành Nghị quyết số 13 về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động nhân dân hiến đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn. Huyện ủy Thiệu Hóa phát động phong trào "nhân dân tham gia đóng góp, nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh"…
Các quyết sách ấy đã khởi dậy mạnh mẽ nguồn lực trong dân, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhìn lại cách đây hơn 1 năm, Thanh Hóa không khác gì "đại công trường" xây dựng nông thôn mới. Từ miền núi đến vùng xuôi, đâu cũng thấy cảnh người dân hiến đất mở đường, xây dựng thôn quê sáng, xanh, sạch đẹp.
Chỉ trong vòng 3 năm (2021-2023), phong trào hiến đất, đóng góp tiền của chung sức xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng. Người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 đất (trong đó, đất ở hơn 600 nghìn m2, đất khác gần 900 nghìn m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2,4 nghìn công trình (gồm tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỷ đồng); nhân dân đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590 nghìn ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng). Con số đó thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu chung mà đích đến là sự hài lòng, hạnh phúc của người dân.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có thêm 6 đơn vị cấp huyện, 52 xã và 193 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26 xã và 467 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 495 sản phẩm OCOP được công nhận, đứng thứ 3 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 376 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 27 xã và 552 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 564 sản phẩm OCOP được công nhận. Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số xã và số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thanh Hóa cho biết: "Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, toàn diện, tạo nền tảng bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Chính vì vậy nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới của tỉnh là nhanh chóng thay đổi rõ nét khu vực nông thôn, sự thay đổi này không chỉ về phát triển cơ sở vật chất hạ tầng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới trên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trách nhiệm cao với cộng đồng; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, tham gia tích cực các phong trào thi đua và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, từ đó kiến tạo xây dựng khu vực nông thôn trở thành miền quê đáng sống và là nơi để chúng ta trở về".
Ước thực hiện đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 15 đơn vị cấp huyện (đạt 88% kế hoạch), 385 xã (đạt 94% kế hoạch), 792 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 huyện (đạt 50% kế hoạch) và 123 xã (đạt 75% kế hoạch) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 27 xã (đạt 66% kế hoạch) và 600 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 583 sản phẩm OCOP được công nhận.