| Hotline: 0983.970.780

Nhiều trang trại treo chuồng, vật nuôi chủ lực giảm

Thứ Sáu 06/12/2024 , 09:21 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Mặc dù đang vào vụ sản xuất quan trọng nhất năm nhưng nhiều trang trại tại Đồng Nai lại treo chuồng, lần đầu ghi nhận tổng đàn vật nuôi giảm sâu so với mọi năm.

Còn khoảng 1 tháng nữa, giờ G của cuộc đại di dời cơ sở chăn nuôi của Đồng Nai sẽ chính thức điểm. Có hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi thuộc diện buộc phải di dời, ngưng chăn nuôi theo lộ trình đến 31/12/2024. Nguyên nhân được xác định, các cơ sở này nằm gần khu dân cư và không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường.

Công suất các chuồng nuôi lợn của gia đình bà Loan chỉ mang tính cầm chừng, bằng 1/5 so với mọi năm. Ảnh: Lê Bình.

Công suất các chuồng nuôi lợn của gia đình bà Loan chỉ mang tính cầm chừng, bằng 1/5 so với mọi năm. Ảnh: Lê Bình.

Không như mọi năm, thời điểm này bà Lê Ngọc Phi Loan (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) chỉ nuôi khoảng 200 con lợn thịt. Số lợn này chỉ bằng khoảng 1/5 công suất so với mọi năm. Các chuồng trại đều được bà Loan bỏ trống, không dám tái đàn cho dịp Tết sắp tới hoặc tận dụng để chăn nuôi gì khác.

“Sắp đến hạn chót việc di dời theo thông báo của UBND huyện nên mình không dám tái đàn, chỉ dám nuôi số lượng rất nhỏ. Chúng tôi kiến nghị cho thêm vài năm nữa để người chăn nuôi gỡ lại vốn chứ bây giờ cấm thì người dân không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng”, bà Loan mong mỏi.

Còn ông Huỳnh Văn Phúc (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) lại vừa quyết định dừng việc chăn nuôi sau hơn 20 năm gắn bó với nghề. Vụ lợn vừa rồi, ông Phúc lãi được khoảng hơn 200 triệu đồng. Đó coi như là niềm an ủi và lời chia tay đầy niềm vui của ông với nghề.

“Không muốn nhưng trang trại thuộc diện di dời, không được phép chăn nuôi. Mà mình có tiền đâu mà di dời sang nơi khác để đầu tư lại từ đầu. Chăn nuôi ngày càng khó khăn, chi phí đầu vào tăng mà giá bán cũng bấp bênh quá. Tôi dự tính sẽ xin chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển sang trồng trọt hoặc nuôi lươn, cá…”, ông Phúc cho hay.

Nhiều trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai đã quyết định treo chuồng, ngưng chăn nuôi do vướng quy định về giấy phép môi trường và quy hoạch. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai đã quyết định treo chuồng, ngưng chăn nuôi do vướng quy định về giấy phép môi trường và quy hoạch. Ảnh: Lê Bình.

Huyện Thống Nhất được coi là cái nôi trong chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai. Chỉ tính riêng đàn lợn của huyện Thống Nhất, có năm lên tới hơn 441.000 con, trong đó chăn nuôi theo quy mô trang trại là 3.500 cơ sở. Đây cũng là địa phương tập trung rất nhiều trang trại nuôi gia công cho các doanh nghiệp có vốn FDI.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, vài năm trở lại đây, tổng đàn và quy mô của huyện Thống Nhất không ngừng giảm mạnh. Thống kê cho thấy, năm 2023, địa phương này chỉ còn gần 100 trang trại chăn nuôi gia công. Đến nay, con số này hiện đang dừng ở 27 trang trại và dự báo còn tiếp tục giảm.

“Nguyên nhân một phần là do vướng quy định di dời cơ sở chăn nuôi và chưa đáp ứng được điều kiện về môi trường. Đến nay, toàn huyện chỉ còn hơn 350 trang trại chăn nuôi, giảm rất sâu so với thời kỳ đỉnh điểm”, ông Cương chia sẻ.

Dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế là thế nhưng UBND huyện Thống Nhất khẳng định sẽ tiếp tục mạnh tay xử lý với các trang trại không đảm bảo về môi trường. Hành động này phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh: không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

Ông Cao Tiến Sỹ, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất cho biết, đây đồng thời cũng là cơ hội để huyện kịp thời sắp xếp lại việc chăn nuôi vốn đã bị lạc hậu sau nhiều năm khai thác.

“Bằng việc mạnh tay với các cơ sở chăn nuôi mà môi trường đang dần cải thiện, không khí được trong lành hơn. Các trang trại nếu muốn tiếp tục hoạt động thì cần phải đầu tư về hệ thống trang thiết bị hiện đại, an toàn dịch bệnh và có công nghệ xử lý tiên tiến để hài hòa phát triển kinh tế”, ông Sỹ khẳng định.

Cả 2 vật nuôi chủ lực của Đồng Nai là lợn và gà đều có sự sụt giảm sâu nhất từ trước đến nay. Ảnh: Lê Bình.

Cả 2 vật nuôi chủ lực của Đồng Nai là lợn và gà đều có sự sụt giảm sâu nhất từ trước đến nay. Ảnh: Lê Bình.

Đến nay, đã có 1.902 cơ sở đã di dời, ngưng chăn nuôi, đạt tỷ lệ 63,3% so với tổng số các cơ sở phải di dời. Trong đó chủ yếu là ngưng chăn nuôi chiếm tỷ lệ 99,6%. Điều này cũng tác động không nhỏ đến tổng đàn vật nuôi của Đồng Nai trong thời gian này, nhất là đang vào vụ sản xuất phục vụ thị trường cuối năm và Tết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, hiện tổng đàn lợn của tỉnh là khoảng 2,05 triệu con, giảm 8,96% so với cùng kỳ. Tổng đàn gà khoảng 20,93 triệu con, giảm 4,22% so với cùng kỳ. Đây là hai vật nuôi chủ lực của tỉnh Đồng Nai cũng là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc "đại di dời" cơ sở chăn nuôi trong thời gian qua.

Ngoài ra, các loại vật nuôi khác như đàn trâu, bò khoảng 115.000 con, đàn thủy cầm 2,32 triệu con, đàn chim cút 8 triệu con và đàn dê là 200.000 con.

Tuy nhiên, cũng theo bà Mai, l hiện nay là các doanh nghiệp nhà đầu tư về chăn nuôi tại Đồng Nai đang có xu hướng đầu tư các trang trại tại tỉnh lân cận như Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Các trang trại này được đầu tư từ đầu nên cơ sở vật chất được đồng bộ hơn, hiện đại và quy mô lớn hơn.

Với việc giảm cơ sở chăn nuôi và tổng đàn lợn, gà trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định không sợ thiếu nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm. Bởi, các địa phương khác cũng đã kịp nắm bắt tình hình chăn nuôi để tăng tổng số đàn, đủ sức bù vào lượng thiếu hụt từ nguồn cung cấp của Đồng Nai.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Bám sát đồng ruộng, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân trong dịp Tết

BÌNH ĐỊNH Để phòng, chống sinh vật gây hại trên cây trồng vụ đông xuân 2024 - 2025, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã hướng dẫn các địa phương biện pháp thực hiện.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.