| Hotline: 0983.970.780

72% của hơn 900.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần là lao động ở phía Nam

Thứ Ba 06/06/2023 , 13:51 (GMT+7)

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá công tác tuyên truyền về vấn đề này chưa hiệu quả, thừa nhận làn sóng rút bảo hiểm có một phần nguyên nhân từ việc xuất hiện những thông tin ngược, nói việc sửa luật sắp tới sẽ giảm quyền lợi của người lao động.

Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn và lĩnh vực trọng điểm.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn Quốc hội sáng 6/6. Ảnh: Gia Hân.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn Quốc hội sáng 6/6. Ảnh: Gia Hân.

Thứ hai, thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH); công tác quản lý quỹ BHXH; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu hướng tăng.

506.000 người lao động mất việc, giãn việc, thiếu việc

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, hiện tại, tỉ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải riêng Việt Nam. Bình quân tỉ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25%. Tỉ lệ này so với các quốc gia ở ngưỡng thấp.

Ngày 26/5, đã có thống kê, báo cáo chính thức số mất việc, giãn việc, thiếu việc làm do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác khoảng 506.000 người, trong đó có khoảng 270.000 người mất việc.

Theo ông Dung, tình trạng này có nguyên nhân là do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi lực lượng lao động và giải quyết chính sách với Bộ Luật Lao động.

Số rút BHXH một lần gần bằng số lượng tham gia

Trao đổi về vấn đề rút BHXH một lần, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước năm 2019 số rút BHXH một lần bình quân một năm là 500.000 và năm 2022 là trên 900.000. Số rút BHXH một lần gần bằng số lượng tham gia. Nếu không hạn chế, giảm bớt rút BHXH một lần thì nguy cơ người già khi về hưu sẽ gặp khó khăn, hệ thống an sinh khó đảm bảo được tính bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do đời sống khó khăn, thu nhập thấp, người lao động nghĩ đến khoản để dành này và rút về sử dụng. Tuyệt đại bộ phận rút BHXH một lần là công nhân lao động; công chức, viên chức tỷ lệ rất ít. Khu vực gia tăng rút là công nhân lao động thuộc khu vực phía Nam (chiếm tới 72%); phía Bắc và miền Trung tỷ lệ ít hơn.

Khi họp Chính phủ, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã báo cáo nguyên nhân gia tăng vì không có một quốc gia nào có cơ chế rút BHXH một lần như Việt Nam.

Bộ đã mời các chuyên gia được Liên hợp quốc đánh giá là giỏi nhất trong lĩnh vực này để tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, chuyên gia nêu ý kiến "Việt Nam hào phóng cả chuyện 75% và chuyện này, đương nhiên gỡ là khó. Thông lệ quốc tế chỉ cho rút khi mắc bệnh nan y và khi chuyển sang sinh sống ở nước ngoài, trong khi Việt Nam cho tự do và đây là quyền nên không cấm được”. 

Bên cạnh đó, quyền lợi rút hưởng cao, khi đóng 8% nhưng lại hưởng toàn bộ phần đóng của nhà nước, doanh nghiệp, dẫn đến nhiều trường hợp chưa muốn rút nhưng thấy quyền lợi cao hơn nên rút và sau đó lại tham gia. Minh chứng là hiện nay 1/3 người rút BHXH một lần đã quay trở lại.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 bắt đầu từ sáng 6/6. Ảnh: quochoi.vn.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 bắt đầu từ sáng 6/6. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng cũng đánh giá công tác tuyên truyền về vấn đề này chưa hiệu quả, thừa nhận làn sóng rút bảo hiểm có một phần nguyên nhân từ việc xuất hiện những thông tin ngược, nói việc sửa luật sắp tới sẽ giảm quyền lợi của người lao động.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần tính toán một cách căn cơ, trong đó sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế mà tăng quyền lợi cho người đóng.

"Chắc chắn phải tính tổng thể các chính sách về bảo hiểm. Ví dụ, cứ quy định người lao động tiếp tục đóng 20 năm không được, nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động nếu bắt công nhân đóng trong thời gian dài sẽ rất khó. Phải tính toán giảm thời gian đóng xuống 15 năm, tiến tiến tới có thể 10 năm. Sắp tới vẫn phải tiếp tục quy định chính sách rút BHXH một lần, kèm theo các điều kiện. Việc này Quốc hội kỳ sau sẽ quyết", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Đào tạo nghề ở nông thôn phải gắn với nhu cầu thực tế của địa phương

Về vấn đề tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ ở nông thôn thấp so với thành thị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, tỉ lệ đào tạo năm 2022 so với 2021 không nhiều, chỉ 1%. Mức gia tăng ở đô thị cao hơn là do sau đại dịch Covid-19 có hơn 3 triệu lao động quay trở lại làm việc, nhưng chuyển sang đơn vị cũ không nhiều mà chủ yếu sang đơn vị mới.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã bàn với Bộ NN-PTNT để đổi mới phương thức nghề nghiệp nông thôn. Chỉ đào tạo khi dự báo và bố trí được công việc, tránh gặp đâu đào tạo đấy, không theo địa chỉ, không đặt hàng. Nội dung này đã được bố trí ở 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia và triển khai thực hiện.

Bổ sung phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Trong những năm qua, đào tạo nghề nông thôn thực hiện theo Nghị quyết 1956 của Thủ tướng Chính phủ với tư tưởng rất sâu sắc là chuyển mạnh từ đào tạo cho lao động nông thôn theo năng lực của các cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu của người lao động gắn với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thị trường lao động.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nói đến nông thôn là nói đến nghề làm nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ xem làm nông là một nghề. Do đó, hoạt động đào tạo nghề giành cho nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây lại là yếu tố quan trọng để nâng cao trình độ, kỹ thuật canh tác của người nông dân, từ đó, quyết định đến việc nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, trong khu vực nông thôn không chỉ có nghề nông mà còn nhiều nghề phi nông nghiệp khác.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trao đổi về việc đào tạo nghề ở nông thôn. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trao đổi về việc đào tạo nghề ở nông thôn. Ảnh: quochoi.vn.

Câu chuyện đào tạo nghề nông thôn không chỉ dừng ở việc dạy nghề, giúp nông dân biết cách làm mà là quá trình chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bộ NN-PTNT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cũng nhau xây dựng chương trình để đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đào tạo nghề phải gắn với sự phát triển của địa phương, do đó, các địa phương phải căn cứ vào nhu cầu lao động của mình để lựa chọn các phương thức đào tạo nghề phù hợp.

Bộ NN-PTNT đã đề ra kế hoạch cấu trúc lại việc đào tạo nghề nông thôn gắn với sự phát triển nông thôn và thực hiện Nghị quyết 19 về "tam nông", trong đó giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực của người nông dân và cư dân nông thôn. Năng lực đó sẽ gắn liền với kiến thức và kỹ năng làm nông cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp, đặt trong tư duy của ngành kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển 5 vùng nguyên liệu và chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển 5 vùng nguyên liệu này.

Đồng thời, cấu trúc lại các trường đào tạo nghề thuộc Bộ NN-PTNT, tiến hành đặt hàng và giao nhiệm vụ đào tạo nghề gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu của thị trường.

“Đào tạo nghề nông thôn không chỉ ở hệ thống trường học mà còn do doanh nghiệp, hiệp hội, hội, làng nghề, nghệ nhân, người dân dạy người dân… thực hiện. Do đó, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu, đặt hàng để triển khai có hiệu quả những loại hình đào tạo này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.