Công văn chú thích thêm, hiện còn hai xã chưa kịp báo cáo, có nghĩa số hộ thiếu đói còn lớn hơn. Thật không thể tin nổi!
Chia tay ông Chánh Văn phòng, tôi nhảy lên xe máy dông thẳng một mạch về xã Thành Trực. Thanh Trực cách trung tâm huyện 8km, đời sống người dân nơi đây vốn dĩ nghèo từ xưa, có nhiều người nói vui là "nghèo truyền thống". Toàn xã với 1.252 hộ, gần 6 ngàn nhân khẩu, canh tác trên diện tích 170ha đất lúa và 260ha đất mía. Chính vì thế nhiều gia đình 4-5 khẩu nhưng chỉ có 2 sào ruộng. Cá biệt có hộ 5 nhân khẩu nhưng ruộng chưa đầy 1.000m2. Tư liệu sản xuất không có, nghề phụ cũng không, thêm vào đó nhà nào cũng đông con nên đời sống càng khốn khó.
Anh Lê Văn Khai ở thôn Vọng Thuỷ thuộc diện nghèo...đội sổ trong xã. Nhà anh có tới 7 miệng ăn, quanh năm chỉ trông chờ vào 2 sào lúa. Anh Khai thều thào: “Vợ tôi bị bệnh tâm thần đã 12 năm rồi. Nhà nghèo bệnh trọng, các cụ nói không sai. Trận lũ vừa rồi nhà tôi chìm sâu trong nước cả chục ngày. Còn trận rét đậm làm chết hơn sào lúa, hiện chỉ còn 1 sào đã trổ bông nhưng rầy nâu tàn phá dữ quá, không biết có thu được gì không”.
Trước lúc chia tay, anh Khai bày tỏ nguyện vọng: “Tài sản trong nhà tôi duy nhất có một đàn lợn con đã quá lứa xuất chuồng nhưng vì đang có dịch "tai xanh" nên không đẩy đi đâu được. Tôi muốn có tiền để đong gạo và mua thuốc cho vợ mà không xoay ở đâu ra, đành ngồi bất lực nhìn đàn lợn. Anh tính tôi phải làm sao đây".
Gia cảnh chị Phạm Thị Hằng kế bên cũng không hơn gia đình anh Khai. Chị Hằng lấy chồng năm 1994 sinh được hai người con thì năm 2003 người chồng mắc bệnh sỏi thận qua đời. “Do không có tiền chạy chữa nên mẹ con tôi đành chịu tội với anh ấy khi tuổi đời còn rất trẻ”- chị Hằng nói trong nghẹn ngào. Giờ một thân một mình, chị Hằng bươn chải làm thuê, làm mướn kiếm gạo nuôi 5 miệng ăn trong nhà. Ngoài ba mẹ con chị, còn có bà mẹ chồng năm nay đã 76 tuổi như ngọn đèn trước gió, suốt ngày cứ lủi thủi bên bếp lửa.
Lo lắng cho con, cho mẹ chồng, chị Hằng còn phải "gánh" người chị gái đằng chồng năm nay 52 tuổi bị bệnh tâm thần. Chưa hết, chị đang mắc nợ ngân hàng 5 triệu và giật tạm 20 triệu của làng xóm với lãi suất 30- 40% mỗi tháng. 5 miệng ăn nhà chị Hằng chỉ trông vào 848m2 đất lúa. Mọi chi tiêu thì vay nợ nóng, giật chỗ nọ bỏ chỗ kia, đói thì bán lúa non…Cái vòng đói nghèo cứ luẩn quẩn níu chặt đôi chân yếu ớt của người phụ nữ này.
Bản thân tôi và ông Quách Công Định, cán bộ xóm Vọng Thuỷ cũng rơi nước mắt khi nghe vợ chồng anh chị Bùi Văn Công kể chuyện đói cơm. Vợ anh Công là chị Bùi Thị Huê thẽ thọt: “Người ta đói giáp hạt, chỉ dăm bữa nửa tháng là có lúa chứ nhà em hết gạo ăn hơn hai tháng nay rồi. Một yến (10kg) gạo em đong bây giờ là 88 ngàn đồng (loại gạo chăn nuôi), cũng chỉ ăn được 3 ngày. Em đi làm cỏ mía thuê, quần quật suốt ngày cũng chỉ được vài cân gạo. Thú thực với các anh là gia đình không mong muốn gì hơn ngoài ngày hai bữa cơm".
Anh Công góp thêm lời: “Gạo ăn chia từng bữa nên phải tằn tiện. Ngày nào các con không đi học thì sáng đó cả nhà nhịn. Tôi thương cháu Thanh nhất, nó đang ôn thi tốt nghiệp lớp 12. Cứ sáng dậy, nó nấu cơm rồi không ăn mà nắm thật chặt bỏ cho vào cặp sách để ăn bữa trưa để còn có sức ở lại học nốt buổi chiều. Nhiều hôm nhìn con đi học mà lòng thôi quặn thắt”.
Đến thời điểm này, xã Thành Trực có 1.180/1.252hộ (chiếm 94,25% số hộ) bị đói, trong đó có 936 hộ với 4.570 nhân khẩu đói gay gắt. Có một câu hỏi tôi đặt ra nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng là tại sao ở Thành Trực có nhiều người bị chứng bệnh tâm thần như thế. Hiện cả xã có 24 người đang bị bệnh và mới chỉ 8 người được Nhà nước trợ cấp 200 ngàn/tháng. Còn nhìn rộng ra toàn huyện thì Thạch Thành có hơn 11 ngàn hộ dân với trên 54 ngàn người đang đối mặt với đói.