| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Thứ Sáu 22/11/2024 , 14:23 (GMT+7)

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Bảo toàn sinh mạng ngư dân

Do đặc thù của nghề đánh bắt hải sản trên biển luôn đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, nên trong mùa mưa bão, sự an toàn của ngư dân trên biển luôn được ngành chức năng và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm.

Ví như ở Bình Định, trong những mùa mưa bão, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình trên đất liền, tỉnh này cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phương tiện đánh bắt trên biển. Khi có thông báo về bão hoặc áp thấp nhiệt đới, các lực lượng chức năng sẽ ngay lập tức thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng để họ chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc quay về các cảng gần nhất.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu đơn vị quản lý các khu neo đậu tàu cá phải trực 24/24 giờ để theo dõi thời tiết và tình hình tàu thuyền trên biển. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phối hợp với lực lượng biên phòng và các đơn vị liên quan thông báo kịp thời diễn biến của bão để tàu thuyền tìm nơi tránh trú nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân”.

Ngư dân Phạm Y ở phường Vĩnh Phước (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) kiểm tra thiết bị liên lạc trên tàu cá KH 98658 TS trước khi vươn khơi. Ảnh: K.S.

Ngư dân Phạm Y ở phường Vĩnh Phước (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) kiểm tra thiết bị liên lạc trên tàu cá KH 98658 TS trước khi vươn khơi. Ảnh: K.S.

Mùa mưa bão năm nào cũng vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo các trạm bờ sử dụng các tần số không bị nhiễu, nghẽn mạch liên lạc với tàu cá của ngư dân. “Để xác định các kênh và tần số phục vụ có hiệu quả cho công tác thông tin liên lạc giữa các phương tiện hoạt động nghề cá trên biển và trạm bờ, UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất tần số của 2 trạm bờ”, ông Phúc cho biết thêm.

Những ngày này, trên Biển Đông thường xuyên xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão gây bất lợi cho tàu khai thác thủy sản. Ngư dân Phạm Y, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu KH 98658 TS ở phường Vĩnh Phước (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên biển.

“Thông thường, trước khi chúng tôi vươn khơi sẽ theo dõi dự báo thời tiết trên biển ít nhất từ 7-10 ngày tới. Nếu thời tiết đảm bảo an toàn tuyệt đối sẽ cho tàu vươn khơi. Trong quá trình đánh bắt, nếu nhận thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão, các tàu sẽ nhanh chóng di chuyển vào bờ hoặc tìm đến nơi gần nhất để tránh trú an toàn”, ngư dân Phạm Y chia sẻ.

Giữ liên lạc giữa biển và bờ

Theo ngư dân Nguyễn Tấn Lầu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Vĩnh Phước (TP Nha Trang, Khánh Hòa), hiện nghiệp đoàn có 25 tàu cá đánh bắt xa bờ. Thời điểm này đang bước vào mùa mưa bão nên trước khi chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày ngoài khơi xa, hầu hết ngư dân nghiệp đoàn đều chủ động theo dõi thời tiết, kiểm tra, sửa chữa máy móc, thiết bị hàng hải, máy thông tin liên lạc… 

“Hiện nay, Hệ thống thông tin duyên hải liên tục phát các bản tin thời tiết để bà con ngư dân có thể nắm bắt được thông tin tại các ngư trường đánh bắt. Nhờ đó, các tàu biết được đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới để né tránh an toàn. Nếu tàu gặp sự cố trên biển, thuyền trưởng sẽ báo khẩn cấp cho cơ quan chức năng cứu hộ, cứu nạn để hỗ trợ kịp thời cho bà con…”, ông Nguyễn Tấn Lầu chia sẻ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, đơn vị sẽ triển khai công tác phối hợp với những lực lượng chức năng để triển khai các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi giúp ngư dân chằng chống cột tàu thuyền phòng tránh bão. Ảnh: L.K.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi giúp ngư dân chằng chống cột tàu thuyền phòng tránh bão. Ảnh: L.K.

“Hiện nay, việc thông báo cho các chủ tàu thuyền chỉ thực hiện được thông qua vệ tinh của thiết bị giám sát hành trình của nhà cung cấp VNPT. Vậy nên, đối với các tàu còn lại thì sẽ thông qua lực lượng biên phòng, địa phương rà soát, kiểm tra; đồng thời thông báo cho các chủ tàu để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, áp thấp nhiệt đới”, ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Phước, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), vào thời điểm có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, lực lượng biên phòng cùng với chính quyền địa phương đều cử người túc trực 24/24 tại đài canh để thông báo cho ngư dân.

“Mỗi xã vùng biển đều có một đài canh với tần số riêng để liên lạc với ngư dân địa phương theo chức năng như một điện thoại, nhưng mức độ phủ sóng tốt hơn. Bên cạnh đó, hầu hết các ngư dân đều nắm được tần số của đài canh này, để khi gặp sự cố trên biển sẽ chủ động liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng”, Thiếu tá Phước chia sẻ.

Còn ở Ninh Thuận, khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, Chi cục Thủy sản tỉnh này lập tức triển khai hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu. Đồng thời, yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân đi khai thác hải sản xa bờ phải mở hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh IMASAT để thuận tiện trong việc liên lạc và hỗ trợ ngư dân trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biên và tránh, trú bão.

“Thông qua mạng xã hội Zalo OA (Zalo Official Account), nhóm của ngư dân với Chi cục Thủy sản Ninh Thuận chia sẻ thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về ứng phó với cơn bão cho các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá, ngư dân được biết để ứng phó, giảm thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất”, ông Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho hay.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.