Triển khai hiệu quả các chương trình của Đề án
Bộ NN-PTNT phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025 được xem là dấu mốc quan trọng để phát triển các chuỗi giá trị nông sản hiệu quả, bền vững.
Mục tiêu chung của Đề án là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển vùng nguyên liệu, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn chủ động phối hợp với Bộ NN-PTNT trong việc triển khai Đề án.
Theo đó, Agribank xác định cho vay “Tam nông” luôn là trọng tâm với tỷ trọng luôn ở mức 65 - 70% tổng dư nợ. Tại đây, Agribank đã dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn qua việc đồng bộ triển khai nhiều giải pháp để tạo nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, Agribank phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội triển khai các chương trình cho vay vốn phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chương trình OCOP, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Thời gian qua, Agribank cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các địa phương nhằm triển khai có hiệu quả Đề án, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục vay vốn. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng như tiếp cận vốn ngân hàng ngay từ khi hình thành dự án, tài sản thế chấp...
Agribank cũng đang tích cực thực hiện chính sách về thúc đẩy "ngân hàng xanh", cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG và tích hợp vào chiến lược kinh doanh để góp phần "xanh hóa" hoạt động ngân hàng, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng”.
Cũng theo ông Ngọc, Agribank triển khai nhiều chương trình cho vay tín dụng ưu đãi để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, trong năm 2023, Agribank đã tiết giảm chi phí huy động và 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng thông thường, giảm 1,3 - 2,5%/năm cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Agribank triển khai 8 chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn 2 - 3% so với lãi suất thông thường và 2 lần giảm lãi suất cho dư nợ trung hạn hiện hữu khoảng 425.000 tỷ đồng, tổng số tiền lãi giảm khoảng 1.200 tỷ đồng.
Agribank cũng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ với doanh số cho vay đạt hơn 15.500 tỷ đồng và tổng số lãi hỗ trợ 99 tỷ đồng.
Năm 2024, Agribank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với khoảng 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành lúa gạo.
Thành tựa đạt được qua những con số
Agribank đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, hành động cụ thể trong việc triển khai Đề án, minh chứng cho điều này thể hiện qua các con số và thành tựu đạt được trong thời gian qua.
Cụ thể, trong số 14 doanh nghiệp tham gia Đề án, Agribank đã hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho 7 doanh nghiệp mở tài khoản thanh toán và đăng ký sử dụng các dịch vụ tài chính tại ngân hàng. Tổng số tiền gửi của các doanh nghiệp này tại Agribank lên tới 249 tỷ đồng. Có 3 doanh nghiệp trong số này đã thiết lập quan hệ tín dụng với các chi nhánh của Agribank với tổng dư nợ hiện tại là 482 tỷ đồng.
Agribank đã chủ động tiếp cận 70 trong tổng số 82 HTX theo danh sách tham gia Đề án. Trong số này, 30 HTX đã mở tài khoản thanh toán, 5 HTX đã thiết lập quan hệ tín dụng với Agribank với tổng dư nợ 14,8 tỷ đồng.
Có thể nói, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công, nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn.
Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, bước vào giai đoạn 2 của Đề án (2024 - 2025), Agribank cam kết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng ưu đãi, mở rộng hỗ trợ tài chính cho các khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Agribank sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế”, ông Ngọc chia sẻ.
Để thúc đẩy triển khai hiệu quả Đề án vùng nguyên liệu, ông Ngọc cho biết, Agribank đã đề xuất với Bộ NN-PTNT tiếp tục cung cấp danh sách các đối tượng tham gia Đề án (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cá nhân, hộ gia đình…) để đơn vị sớm tiếp cận, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục vay vốn.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT và các địa phương ưu tiên hỗ trợ Agribank là ngân hàng phục vụ nguồn vốn của Đề án, tiếp cận nguồn vốn là các chi phí quản lý tài chính, nguồn chi trả cho các đơn vị tham gia dự án thuộc Đề án, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng.