Rau xanh là một loại thực phẩm không thể thiếu của con người. Trong điều kiện kinh tế phát triển càng cao thì nhu cầu về rau xanh càng lớn. Vì vậy, ngoài diện tích trồng cây lương thực, người ta còn phải dành từ 5 - 10% diện tích để trồng rau xanh.
Tuy nhiên việc trồng rau xanh cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn do sâu, bệnh ngày càng phát sinh và phát triển. Nó không những làm giảm năng suất, phẩm chất của cây trồng mà còn gây ra rất nhiều yếu tố nguy hại cho sức khỏe của con người khi sử dụng hóa chất để phòng trừ.
Nhiều đối tượng sâu hại thường xuyên gây cản trở lớn cho SX như sâu tơ, sâu khoang, bọ nhảy... Chúng thường xuyên xuất hiện gây hại trên đồng ruộng và tính kháng thuốc ngày càng cao. Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được ứng dụng khá thành công trong phòng trừ sâu bệnh hại trên một số cây trồng nông nghiệp như lúa, ngô nhưng với rau thì hiệu quả thấp do sự hiểu biết hạn chế và tính tùy tiện của người nông dân.
Để phòng trừ sâu, bệnh trên cây rau, người nông dân vẫn chủ yếu sử dụng thuốc hóa học. Biện pháp này không chỉ trực tiếp gây độc hại đối với người SX, môi trường nông nghiệp mà còn để lại dư lượng thuốc BVTV rất lớn trong sản phẩm rau quả gây độc hại và cực kỳ nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và đã đưa ra ứng dụng rất nhiều sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học có hiệu quả phòng trừ sâu, bệnh cao, ít độc hại với con người và môi trường để người nông dân có thể lựa chọn thay thế các loại thuốc trừ sâu hóa học độc hại.
Qua điều tra cho thấy, hiện nay mới có trên 10% lượng thuốc sử dụng hàng năm trên cây rau là thuốc sinh học. Có thể do cản trở về mặt kỹ thuật khi sử dụng, về điều kiện kinh tế, thói quen của người nông dân nên họ không muốn sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học.
Trước sự gia tăng về ngộ độc thực phẩm, các tổ chức y tế thế giới như cũng như nhiều nước đã đưa ra các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn đối với lương thực, thực phẩm. Người SX lương thực, thực phẩm muốn bán được hàng hoá cũng phải làm theo các tiêu chuẩn đó là "Thực hành nông nghiệp tốt” (GAP).
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về rau an toàn, việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học là điều hết sức cần thiết để từng bước thay thế các chất hoá học trong quá trình SX rau. Nó không những có tính khả thi cao mà còn dễ giám sát và khẳng định được chất lượng sản phẩm, gắn được SX với tiêu thụ sản phẩm.
Thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học là những chế phẩm được chiết xuất từ nấm, vi khuẩn, virus có ích hay các loại thuốc thảo mộc (từ lá cây) nên rất an toàn với người sử dụng, không độc hại với môi trường đất và nước lại không làm tăng tính kháng cho các loài sâu, bệnh hại, thời gian cách ly sau khi phun thuốc sinh học luôn được rút ngắn hơn so với thuốc hóa học... Do đó nông dân cần ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học cho rau.