| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu hướng đến giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm 1,7 tỷ USD

Thứ Năm 22/02/2024 , 21:49 (GMT+7)

Tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 sẽ đạt 1,7 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về việc đánh giá kết quả thực hiện, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản và xây dựng vùng, cơ sở nuôi tôm công nghệ cao, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm nước lợ tại tỉnh Bạc Liêu và công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt trên 136.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm đạt gần 133.000ha. Sản lượng thủy sản xuất khẩu ước đạt trên 96.980 tấn, đạt 102% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm ước đạt trên 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17% cùng kỳ.

Để đạt được các kết quả tích cực trên, trong năm 2023, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát huy lợi thế tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao để gia tăng năng suất, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đây được xem là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Hiện nay, mô hình cho tỷ lệ thành công trên 65% số hộ nuôi và ổn định hơn so với nuôi thâm canh, bán thâm canh.

Đồng thời, phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sạch tại các vùng sinh thái đặc trưng: Mô hình tôm - rừng ở vùng phía Nam quốc lộ 1A, mô hình tôm - lúa, tôm càng xanh xen lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc quốc lộ 1A nhằm giữ lợi thế sản phẩm tôm sạch thị trường thế giới. Các mô hình sản xuất đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu xây dựng và cải tạo ao đầm, sục khí, bơm nước để phục vụ sản xuất.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, báo cáo với đoàn công tác Bộ NN-PTNT tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, báo cáo với đoàn công tác Bộ NN-PTNT tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Linh.

Xây dựng chuỗi “tôm sạch Bạc Liêu”

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính đó là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm - chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.

Trên địa bàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như nhiều thị trường khác trên thế giới.

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”, tỉnh Bạc Liêu xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh.

Hướng đến chuỗi tôm sạch Bạc Liêu từ các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trọng Linh.

Hướng đến chuỗi tôm sạch Bạc Liêu từ các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 3.900ha tại Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Các vùng nuôi theo các mô hình siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh tập trung, ứng dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu tối đa các tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Toàn tỉnh hiện có 25 tổ chức và 832 hộ dân (tăng 14 hộ so với năm 2022) đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 - 3 giai đoạn. Năm 2023, có 11 công ty, đơn vị và 794 hộ dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 - 3 giai đoạn với diện tích 6.624ha (tăng 43,78% so với năm 2022), diện tích thiệt hại 577ha, thu hoạch 6.046ha, năng suất thu hoạch 16,79 tấn/ha, sản lượng 101.491 tấn.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở sản xuất giống và 7 cơ sở nuôi tôm thương phẩm đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Công tác giám sát dịch bệnh thủy sản được tỉnh Bạc Liêu thực hiện hằng năm. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh triển khai kế hoạch giám sát an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu trong đó hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu (kể cả vùng đệm) xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới.

Tỉnh Bạc Liêu chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu chuẩn bị đưa tàu, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Bạc Liêu chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu chuẩn bị đưa tàu, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: Trọng Linh.

Chống khai thác IUU hiệu quả

Toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng số tàu cá đã đăng ký là 1.018 chiếc. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 451 chiếc, tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15 mét là 209 chiếc, tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12 mét là 358 chiếc. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu chuẩn bị đưa tàu, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, các trường hợp có nguy cơ vi phạm cao, tỉnh đều phân công cán bộ phụ trách tuyên truyền, vận động cụ thể. Tỉnh Bạc Liêu kiên quyết không cấp giấy rời cảng cũng như xuất bến đối với các tàu cá không đảm bảo quy định về IUU và các quy định của pháp luật khác trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nêu kiến nghị với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nêu kiến nghị với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Trọng Linh.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có nhiều ý kiến về mục tiêu đưa Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”. Xây dựng vùng, cơ sở nuôi tôm công nghệ cao; vùng cơ sở, an toàn dịch bệnh trên tôm nước lợ. Tăng cường công tác, kiểm tra tại các bến cảng, các tàu xuất bến.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều kiến nghị, đề xuất đến Bộ NN-PTNT tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm cho tỉnh Bạc Liêu như: điện, thủy lợi, hạ tầng giao thông,... Đồng thời, sớm triển khai dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam quốc lộ 1A và liên vùng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao về việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2023 vừa qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bạc Liêu phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để hướng đến trở thành thủ phủ ngành tôm của vùng và của cả nước. Theo đó, tỉnh cần giải quyết được khâu giống là ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng. Đặc biệt là xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh cũng quan tâm và có kế hoạch cụ thể trong việc quản lý các khu nuôi tôm công nghệ cao để bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm mang tính bền vững. Đồng thời, xử lý các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Cùng với đó là tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát các tàu cá xuất bến, nhất là các tàu cá để mất tín hiệu kết nối thường xuyên khi hoạt động trên biển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước của Công ty GrowMax tại huyện Đông Hải. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước của Công ty GrowMax tại huyện Đông Hải. Ảnh: Trọng Linh.

Trước đó, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến tham quan các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Hải, thành phố Bạc Liêu.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm