| Hotline: 0983.970.780

Kiểm tra sát tình hình sâu bệnh hại lúa và xâm nhập mặn

Thứ Bảy 17/02/2024 , 19:50 (GMT+7)

BẠC LIÊU Sở NN-PTNT Bạc Liêu khuyến cáo bà con chủ động kiểm tra sâu bệnh trên các trà lúa. Đồng thời, kiểm tra độ mặn đảm bảo điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Nông dân kiểm tra đồng sau Tết. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân kiểm tra đồng sau Tết. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bạc Liêu, đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống 44.820/44.820ha lúa đông xuân theo kế hoạch. Hiện các trà lúa đông xuân đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng (tùy thời gian xuống giống của từng vùng sản xuất).

Tại thị xã Giá Rai - nơi cuối nguồn nước ngọt, nông dân đã xuống giống được hơn 7.600ha, hiện lúa đang phát triển khá tốt. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi, đề phòng các loại sâu bệnh gây hại trên các trà lúa này.

Theo cơ quan chuyên môn, thời gian tới, lúa đông xuân sẽ có các đối tượng phát sinh gây hại như rầy nâu, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ. Dự báo sâu bệnh có khả năng gây hại mạnh vào những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Do đó, khi phát hiện có dấu hiệu của sâu bệnh, nông dân cần tích cực phòng trừ triệt để, nhất là rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

Theo ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bạc Liêu, đơn vị đã khuyến cáo nông dân sau khi vui xuân, đón Tết cần lưu ý không để lúa cháy rầy và sâu bệnh phá hại. Phía đơn vị cũng đã thông báo về tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa cho nông dân các địa phương để bà con chủ động phòng trừ hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành chức năng các địa phương cũng phát động nông dân ra quân phòng trừ sâu bệnh, không để sâu bệnh hại bùng phát trong dịp Tết.

Nông dân chủ động phòng, trừ sâu bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân chủ động phòng, trừ sâu bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh sau Tết, ngành BVTV lưu ý một số biện pháp quan trọng để bảo vệ cây trồng khỏi các loại sâu bệnh có thể gây hại trên lúa. Nông dân cần kiểm tra cây trồng thường xuyên, sử dụng phương pháp phòng trừ hữu cơ hoặc hóa học một cách hiệu quả, duy trì vườn sạch sẽ. Đặc biệt, việc chủ động phòng trừ sâu bệnh giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV độc hại và bảo vệ môi trường.

Đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản

Nhằm đảm bảo nguồn nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản, mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra tiến độ thi công các cống điều tiết nước trên địa bàn TP Bạc Liêu và huyện Hòa Bình. Riêng thị xã Giá Rai hiện có khoảng 20.000ha đã được nông dân thả giống, tôm phát triển tốt, nguồn nước mặn dồi dào.

Ông Huỳnh Thanh Toàn, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Giá Rai cho biết đã khuyến cáo nông dân bơm trữ nước mặn phục vụ nuôi tôm trong thời gian tới. Theo lịch điều tiết nước, trong những ngày sau Tết sẽ mở cống để rút nước ngọt về phục vụ sản xuất lúa đông xuân nên khả năng vùng nuôi tôm thiếu nước mặn. Trước tình hình này, cán bộ ngành nông nghiệp cũng đã xuống tận hộ dân khuyến cáo bơm trữ nước mặn nhằm tránh thiếu nước nuôi tôm.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu kiểm tra nguồn nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trọng Linh.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu kiểm tra nguồn nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Các cống trên tuyến đê biển Đông, đơn vị thi công đã đưa nước vào cho người dân nuôi tôm, nuôi artemia. Riêng cống Hoành Tấu, cống Kênh Tư (huyện Hòa Bình), đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước tháng 6/2024. Trong quá trình vận hành hệ thống cống, Chi cục Thủy lợi tỉnh theo dõi sát diễn biến nguồn nước (mặn, ngọt), kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống cống, phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông báo lịch điều tiết nước để nông dân và các chủ phương tiện giao thông đường thủy chủ động lấy nước (mặn, ngọt) theo lịch điều tiết nước cuối tháng 2 phục vụ sản xuất và giao thông.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.