Nên tôi mới hỏi Lê Thị Hà-Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV DV & TM TH Thanh Sơn và được chị kể rằng trước đây ở tỉnh Sơn La, Điện Biên sản lượng bán hàng phân bón Supe Lâm Thao của đơn vị rất tốt nhưng sau đó bị giảm nhiều. Vài năm gần đây chất lượng phân bón của Supe Lâm Thao đã cải tiến không ngừng, được bà con nông dân tin tưởng. Thêm vào đó là cơ chế, chính sách cho nhà phân phối linh hoạt hơn, khi thị trường xuống, cho gửi hàng, gửi kho để đại lý cấp 1, cấp 2 kịp tiêu thụ.
Nhờ đó mà dù giá phân bón Supe Lâm Thao cao hơn đa số các sản phẩm phân bón của những hãng khác, sản lượng bán hàng của đơn vị trong 7 tháng vẫn vượt kế hoạch cả năm, trong đó riêng sản lượng sản phẩm mới tăng được hơn 1.000 tấn. Thành quả đó không tự nhiên mà có được, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thị trường khốc liệt như hiện nay.
Có nhiều chuyến bản thân chị cùng chồng là anh Chu Đình Quân-Giám đốc Công ty cũng trực tiếp đi tiếp thị vào các bản cho bà con dùng thử các sản phẩm chuyên dùng của Supe Lâm Thao. Nếu ở vùng xa thì họ mang những vỏ bao của Supe Lâm Thao để giới thiệu, còn những vùng ô tô đi được thì luôn luôn trên thùng xe chất những bao phân của Supe Lâm Thao để vừa giới thiệu vừa đầu tư theo dạng trả chậm, trả sau.
Quan điểm của vợ chồng chị khi làm mô hình là phải khoanh vùng, không dùng loại phân nào khác ngoài Supe Lâm Thao để cuối vụ người nông dân cảm nhận rõ được sự khác biệt về năng suất, chất lượng. Trong quá trình đó, họ phối hợp chặt chẽ với cán bộ của công ty Supe Lâm Thao để hướng dẫn thật tỉ mỉ cách dùng ở các thời kỳ, giai đoạn khác nhau của cây, sao cho người dân thật thấm về kỹ thuật.
“Sơn La có nhiều diện tích cây ăn quả, thị trường có nhiều loại phân bón nên cạnh tranh nhau rất dữ dội. Quan trọng nhất là cho nông dân dùng thử theo hướng khoanh thành từng vùng riêng biệt. Từ hiệu quả vụ đầu, họ sẽ tin tưởng dùng ở những vụ sau.
Nhờ đó mà sản phẩm của Supe Lâm Thao đã vào huyện Sông Mã với cây nhãn, huyện Mai Sơn với cây nhãn, cây na, huyện Yên Châu với cây mận, cây nhãn. Riêng ở huyện Yên Châu NPK hàm lượng cao đã được 400-500 tấn, NPK vi sinh được 700-800 tấn”. Chị Hà chia sẻ.
Về cuộc chiến với nạn phân giả, phân nhái, phân ăn theo thương hiệu Supe Lâm Thao, chị Hà cho biết từ ngày công ty có tem thông minh công ty mình đã hướng dẫn bà con nếu những bao bên ngoài không may bị bật tem, thì bên trong vẫn còn có tem, đó mới là hàng thật. Khi bà con phát hiện ra bao phân nào không có tem thông minh thì hãy báo cho nhà phân phối để phối hợp với cán bộ thị trường của Supe Lâm Thao rà soát lại và có hướng xử lý kịp thời.
Về góp ý cho công ty, chị hà cho biết, dòng sản phẩm mới của Supe Lâm Thao chất lượng đã tốt rồi nhưng về hình thức, mẫu mã viên chưa được tròn và bóng, vỏ bao chưa được bắt mắt: “Trên thị trường giờ có nhiều loại phân bón hình thức, mẫu mã rất đẹp, rất bắt mắt. Nhiều bà con ở Sơn La cầm bao phân còn ngược nhưng cứ thấy vỏ xanh đỏ, tím vàng, bắt mắt, in hình cây xoài, cây na, cây nhãn thì lại thích bên Supe Lâm Thao cần phải cải tiến mẫu mã, bao bì hơn nữa”.
Ngoài những hãng phân khác đem sản phẩm lên bán, Sơn La còn có nhà máy phân bón khá lớn nên để cạnh tranh được bên cạnh chất lượng, mẫu mã, chị Hà góp ý chính sách bán hàng của Supe Lâm Thao cần nhịp nhàng, uyển chuyển hơn nữa nhất là với những sản phẩm mới. Với những tỉnh miền núi như Sơn La, thời vụ thường bị kéo dài nên cơ chế thanh toán cần điều chỉnh sao cho phù hợp hơn, đồng thời trình diễn nhiều hơn nữa các mô hình giới thiệu sản phẩm để bà con tiếp cận.