Nếu nông dân ai hỏi cụ thể hàng phân bón Lâm Thao thì chủ đại lý mới đưa ra, còn hỏi phân NPK thì họ đưa hàng mẫu mã na ná đó ra, thậm chí còn bảo đây là Lâm Thao cao cấp, mẫu mã mới để đánh lừa.
Những công ty sản xuất phân bón làm ăn kiểu chộp giật thường có hai cách, thứ nhất là hình thức mẫu mã, bao bì, bố cục giống với bao bì của các công ty làm ăn chân chính kiểu Lâm Thao để nông dân mua nhầm; Thứ hai dùng chữ số làm tên phân bón, cũng NPK 5.10.3, NPK 12.5.10 đấy nhưng chữ trên bao bì không phải đúng theo hàm lượng công thức để nông dân hiểu nhầm rồi mua nhầm.
Trước đây khi Lâm Thao còn sử dụng bao bì màu trắng, không hở sườn, không có hình ảnh các nông sản như bắp ngô, cây lúa bên trên, thì họ cũng làm kiểu tương tự. Nay Lâm Thao đổi sang bao bì dạng hở sườn, nhìn được hạt bên trong, có hình ảnh những nông sản đại diện thì họ lại vội vàng đổi theo. Trước đây logo của Lâm Thao là 3 cành lá cọ bé thì nay thành 3 cành lá cọ to họ cũng đổi theo nốt. Rồi là logo dễ gây ngộ nhận vì tương tự như 5 nhành lá cọ, 7 nhành lá cọ, lá cọ có răng cưa, lá cọ không có răng cưa hay 3 cái lá khoai, 4 cái lá khoai, 5 cái lá khoai…
Sản phẩm mới của Lâm Thao đưa ra thị trường chỉ 10-15 ngày thì những sản phẩm na ná, ăn theo đã kịp chào đời. Chúng được sản xuất bởi nhiều công ty khác nhau ở các tỉnh như Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội…Thường những loại phân càng kém chất lượng lại càng chiết khấu cao, khuyến mãi nhiều để đánh vào lòng tham của đại lý, đánh vào tâm lý ham rẻ của nông dân. Chúng được bán ký gửi, khuyến mãi kiểu mua 20 tấn là được 1 chuyến du lịch khiến cho nhiều đại lý ham tiền nhắm mắt lấy.
Những nông dân nào mua nợ hay mua trả bằng nông sản như thóc, táo mèo, thảo quả… chẳng dám đòi hỏi gì khi đại lý hướng cho mình loại phân kém chất lượng, còn số mua bằng tiền mặt thì thường lấy hàng của các công ty lớn như Lâm Thao.
Khác với giống hay thuốc bảo vệ thực vật khi kém chất lượng thì thể hiện ra ngay là không nảy mầm, cây có ngoại hình sai khác, sâu, bệnh vẫn còn, thì phân bón kém chất lượng khó có biểu hiện cụ thể ngay mà phải cuối vụ mới thấy, thậm chí kết quả chênh lệch cũng không quá nhiều. Đến lúc đó, các công ty sản xuất phân bón thiếu lương tâm đã kịp đổi sang sản phẩm khác, thị trường khác rồi.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - cán bộ cty CP Supe Phốt phát và Hóa Chất Lâm Thao - kể với tôi chuyện cười ra nước mắt rằng có công ty sản xuất phân bón A mời đại lý đến thăm nhà máy, đến năm sau công ty sản xuất phân bón B mời đại lý đến thăm nhà máy thì phát hiện ra vẫn là nhà máy của công ty A nên thắc mắc, thì mới vỡ lẽ ra rằng khi họ bán xong sản phẩm ở 1-2 vụ sẽ đổi tên sản phẩm hoặc đổi thị trường để nông dân không nhận ra.
Nhiều đại lý dùng sản phẩm của Lâm Thao làm hàng dẫn, chấp nhận bán không lãi, thậm chí lỗ để bán sản phẩm kém chất lượng của công ty khác lấy lãi bù lại. Họ cho nông dân mua nợ, cắm thẻ căn cước, tính lãi mỗi bao phân 50 kg với mức 5.000đ/tháng. Nông dân mỗi vụ mua nợ 4 tháng là mỗi bao đã mất 20.000đ rồi. Cứ thế mà nhân lên theo số lượng phân sử dụng. Nợ nần, phải mua hàng phân bón kém chất lượng rồi lại nợ nần nhiều hơn, cái vòng kim cô luẩn quẩn đó khiến cho nhiều gia đình khó mà thoát ra được.
Ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có 2 đại lý được phân bổ, bán mặt hàng mới của Lâm Thao là vi sinh. Tuy mới chỉ là vụ đầu tiên nhưng nhiều nông dân đã khen tốt vì thấy hiệu quả hơn hẳn bón phân hóa học đơn thuần. Để phát triển sản phẩm Lâm Thao nói chung và Lâm Thao vi sinh nói riêng, phải phân phối cho cấp một sao không gặp tình trạng dẫm vào chân nhau, cạnh tranh không lành mạnh. Thứ nữa phải tuyên truyền cho bà con, ngoài hội thảo còn có thể đặt biển quảng cáo ở những con đường lớn hay quảng cáo trên hệ thống phát thanh địa phương và cả mạng xã hội.
Một nhà phân phối có lương tâm cho tôi biết: “Trước đây Lâm Thao có chính sách cho gửi kho, đại lý không quan tâm đến bán các loại mặt hàng của công ty khác mấy, giờ Lâm Thao cắt chính sách ấy nên đại lý cắt một phần phân bón Lâm Thao, lắp hàng phân bón khác vào thay thế. Bởi lợi nhuận nên nhiều đại lý cứ bày phân bón Lâm Thao đấy nhưng lại định hướng cho khách mua những phân bón khác. Có đại lý còn nói thẳng, bán 1 bao phân mà không được 20.000đ thì không bán, còn bán phân Lâm Thao 1 bao chỉ được 3.000-5.000đ thì gọi là bán cho có mà thôi.
Vì lợi nhuận họ sẵn sàng xếp hàng Lâm Thao lẫn với những hàng có mẫu mã na ná để khách dễ nhầm lẫn. Khi ai hỏi cụ thể phân bón Lâm Thao thì họ mới đưa ra, còn hỏi phân NPK thì họ đưa hàng mẫu mã na ná, thậm chí còn bảo đây là Lâm Thao cao cấp, mẫu mã mới để đánh lừa”.
Lợi nhuận cao làm mờ mắt nhiều đại lý nhưng tôi được nghe kể về có những đại lý đặt uy tín và lương tâm lên trên nên muốn tìm gặp họ để hỏi rõ ngọn nguồn.