| Hotline: 0983.970.780

Phân bón Lâm Thao trên những thửa ruộng bậc thang di sản:

Bài 1: Mày cứ làm trước, được ăn tao mới làm theo

Thứ Năm 20/06/2024 , 09:05 (GMT+7)

Tôi đến Mù Cang Chải nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp tuyệt vào giữa tháng sáu nên được chứng kiến màu vàng của lúa chín lẫn màu nâu của mùa nước đổ.

Những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những thảm lúa vàng bát ngát tận chân trời soi bóng bên mặt nước lấp lánh ánh nắng như một tấm gương khiến ngay cả trái tim khô cằn nhất cũng có thể hồi sinh mà đập loạn nhịp vì cái đẹp rực rỡ, lồ lộ đó của cảnh quan.

Cuối năm 2021, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang và chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ mừng cơm mới của người Mông nên ngành du lịch từ đó mà càng thêm khởi sắc. Ở đây, đồng bào trồng lúa không chỉ để lấy thóc gạo mà còn lấy hương, lấy cảnh đẹp để phục vụ cho khách du lịch.

Ông Hờ Sông Dê năm nay 70 tuổi ở bản Trống Tông của xã Chế Cu Nha có 3 mảnh nương, mỗi vụ gieo khoảng 10 kg ngô giống và 10 kg lúa giống. Như mảnh nương mà chúng tôi đang đứng có cái xích đu và sàn tre nhìn ra ngay những thửa ruộng với cả trăm cái bậc thang như vân tay trong một bàn tay khổng lồ vậy. Mùa hè thì ông trồng ngô, đến tháng 9, 10 lại thu hoạch để trồng hoa tam giác mạch, phục vụ cho khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh và giáp Tết lại trồng một vụ hoa tiếp. Khi trồng cây ông sử dụng phân chuồng kết hợp với phân NPK Lâm Thao mua từ đại lý trong vùng nên vụ nào cũng đạt năng suất.

Anh Nguyễn Viết Đỉnh-giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp huyện kể trước đây bà con sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp, giờ đây được định hướng an toàn, hữu cơ để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Nông nghiệp được kết hợp với du lịch bằng cách chọn giống lúa dài ngày để cho khách trải nghiệm tham quan, chụp ảnh; Trong vùng quy hoạch du lịch, huyện hướng dẫn bà con hạn chế dùng thuốc BVTV hóa học để không có mùi, không ảnh hưởng đến đất, đến nước, đến không khí mà thay thế bằng thuốc BVTV sinh học; Phân bón cũng vậy, huyện hướng nông dân ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ hay phân hóa học có kết hợp với vi sinh.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp huyện nói chuyện với ông Hờ Sông Dê. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp huyện nói chuyện với ông Hờ Sông Dê. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trung tâm thường phối hợp với các công ty, các xã để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con, dần dần thay đổi nhận thức qua những mô hình mới. Ví dụ như thời gian gần đây cán bộ của công ty đã cùng với cán bộ nông nghiệp đi tới các xã để tuyên truyền cho nông dân cách phân biệt phân bón thật, phân bón giả. Trước, một số bà con vì ham rẻ, vì không hiểu biết mà mua phải phân kém chất lượng nhưng nay đã được cán bộ giới thiệu tới những đại lý vật tư nông nghiệp có uy tín để mua hàng:

“Vì là huyện miền núi nên trước đây bà con được hỗ trợ giống, phân bón nhưng giờ xã hội hóa rồi, phải tự mua. Chúng tôi xây dựng kế hoạch tập huấn cho các thôn bản, làm sao để họ có thể sản xuất hiệu quả nhất trên mảnh đất của mình. Chúng tôi thường mở nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền cho bà con theo kiểu mưa dầm thấm đất. Dù huyện đã xóa mùa chữ cho nhiều người nhưng vẫn còn một số không biết chữ. Nếu đi tập huấn, với những người không biết chữ chúng tôi có cán bộ là người Mông để phiên dịch ra cho bà con hiểu.

Chúng tôi lồng ghép nội dung khoa học kỹ thuật với các buổi sinh hoạt chi bộ hay triển khai chương trình “cuối tuần cùng dân”, hỗ trợ giúp đồng bào sửa đường, sửa nhà, dọn vệ sinh môi trường, từ đó mà dần dần thay đổi nhận thức. Mù Cang Chải có nhiều kiểu tiểu khí hậu khác nhau nhưng tôi thấy phân bón Lâm Thao luôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả nên phần lớn nông dân thích sử dụng”.

Để minh chứng cho những điều mình vừa nói, anh Đỉnh dẫn tôi đến những thửa ruộng bậc thang có cắm biển mô hình ở ngay giữa lòng thị trấn Mù Cang Chải. Đó là ruộng lúa của anh Giàng A Chinh-ở bản Mồ Dề, xã Mồ Dề. Tham gia mô hình anh được hỗ trợ giống lúa Thụy Hương 308, thuốc BVTV nhưng không được hỗ trợ phân mà vẫn tự tìm mua phân bón Lâm Thao dù giá có cao hơn so với hàng của một số công ty. Tôi hết ngắm thửa ruộng lúa vàng bằng chằng chặn lại ngắm bờ ruộng nở đầy thứ hoa dại màu trắng ngần trông rất đẹp mắt.

Anh Nguyễn Viết Đỉnh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải - xem ruộng lúa cùng anh Giàng A Chinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Viết Đỉnh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải - xem ruộng lúa cùng anh Giàng A Chinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi vụ anh Chinh gieo hết 12 kg lúa giống, 6 kg ngô giống, gần đây đã biết dùng NPK Lâm Thao bởi có hàm lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này: “Em đã từng mua phân kém chất lượng qua các cửa hàng bán lẻ, do không biết nên chỉ hỏi: “Cho tôi mua bao NPK”, vậy là gửi tiền, mang về mà không xem hàng công ty gì. Khi bón vào không thấy cây tốt lên mà càng vàng đi. Mấy năm gần đây, cán bộ của công ty Lâm Thao cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp huyện đã đến tận bản tập huấn về phân bón thật, phân bón giả, người dân chụp ảnh lại mẫu mã để khi mua hàng đem so sánh xem có đúng không. Phải xem kỹ bao bì, hạn sử dụng, các vết chỉ khâu mới hay là khâu lại, quét mã vạch để xem có phải là hàng chính hãng. Mọi năm cũng từng này ruộng em thu được 35-40 bao thóc nhưng vụ này sẽ thu được trên 40 bao thóc”.

Bản Mồ Dề có 76 hộ, vụ này khoảng 40% đã biết dùng phân bón Lâm Thao, trái ngược với vụ trước chỉ có 10 hộ được tập huấn mới biết dùng. Anh Chinh là một trong những người tiên phong như vậy bởi đã học hết phổ thông nên trình độ cao hơn hẳn mặt bằng chung. Ở bản Mông của anh, chuyện gì một người biết là nhiều người cũng biết, cái xấu thì bảo nhau để tránh, cái tốt thì mách nhau để cùng làm. Những năm trước khi chưa có các lớp tập huấn thì tình trạng bà con mua nhầm vào phân giả, phân kém chất lượng vẫn lác đác xảy ra.

Mùa vàng no ấm ở huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa vàng no ấm ở huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ khi cơ quan chuyên môn cùng các công ty phân bón chính hãng lên tận thôn bản để tuyên truyền, tập huấn, nạn phân nhái, phân kém chất lượng đã giảm nhiều dù chưa hết hẳn. Nếu mua bằng tiền mặt thì còn chọn được sản phẩm theo đúng ý mình, nếu mua chịu thì phải mua theo sự định hướng của đại lý. Có những hộ bảo thủ, không chịu nghe theo lời cán bộ ngay để ứng dụng cái mới vào sản xuất mà phải xem những hộ khác làm, thấy năng suất cao hơn thì vụ sau mới học hỏi: “Người già bảo, ối không biết cái mới làm theo có được ăn không, tao vẫn dùng theo cái cũ cổ truyền đã. Nhà mày mua cái này làm được ăn thì vụ sau tao mới theo”, Chinh kể.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.