Nâng cao chất lượng thanh long
Để phát triển thanh long bền vững, theo cơ quan chuyên môn, toàn bộ diện tích thanh long, bà con phải tuân thủ quy trình sản xuất GAP. Bên cạnh đó, người trồng thanh long cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm sản xuất GAP.
Về vấn đề nâng cao chất lượng trái thanh long, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ triển khai quyết liệt về vấn đề này.
Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Cũng như triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để phục vụ xuất khẩu. Đồng thời từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP nhằm mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây thanh long, nhất là bệnh đốm nâu, ruồi đục quả, rệp sáp.Tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhằm ngăn chặn việc lạm dụng chất kích thích và thuốc BVTV; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATTP.
Nghiên cứu, phát triển giống thanh long mới thay thế giống bị thoái hóa hiện nay, để đa dạng sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây thanh long. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là mô hình sản xuất công nghệ cao. Nhân rộng các mô hình hiệu quả để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm phát triển thanh long bền vững.
Đồng thời, nghành nông nghiệp vận động, phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; nâng cao nhận thức người nông dân về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. "Đây là khâu then chốt, đặc biệt quan trọng để giảm chi phí cả đầu vào và đầu ra, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thanh long trong điều kiện canh tranh gay gắt, cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ thanh long", ông Phan Văn Tấn cho biết.
Ngoài ra, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thanh long và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm hàng hoá từ trái thanh long như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, sản xuất các loại nước ép thanh long, rượu vang thanh long, làm bánh, mứt, kẹo... nhằm làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi...
Mở rộng thị trường
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng trái thanh long, trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ xúc tiến thị trường tiêu thụ thanh long theo hướng vừa coi trọng thị trường trong nước, vừa mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp, chính ngạch.
Ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, đối với thị trường trong nước sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành, vùng, khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Còn đối với thị trường nước ngoài, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành trái cây, rau quả có uy tín được tổ chức hàng năm trong khu vực và trên thế giới để quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật bản), Big C (Thái Lan)... để thông qua đó tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ hối hợp với Thường vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia các hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm chuyên ngành về nông sản và trái cây, hoa quả tổ chức hàng năm tại các nước.
“Trong những năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của nông sản Việt Nam, trong đó có thanh long Bình Thuận. Do vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc năm bắt, cập nhật kịp thời thông tin, tình hình về cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu với Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp. Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắt hàng hóa, khi thu hoạch rộ. Đồng thời tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển để cung cấp cho thị trường các tỉnh, TP phía Đông và các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc”, ông Tài chia sẻ.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đối tượng áp dụng gồm nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ HTX; cá nhân. Theo đó, chủ trì liên kết được hỗ trợ 100% về chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 200 triệu đồng. Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm trong 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX. Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi...