"Choa" nỏ nghèo nhưng "bay" giàu có quá
Dưới ánh trăng vàng, những tòa lâu đài, biệt thự càng nguy nga, lộng lẫy hơn bao giờ hết và chủ nhân của chúng hầu hết đều là nông dân. Tôi chợt nhớ đến câu trả lời ngắn gọn của anh Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) hồi chiều bằng hai chữ “kỳ tích” khi được hỏi về đời sống dân mình.
Cũng theo anh Huệ, xưa Đô Thành là vùng đất trũng, làm ruộng bấp bênh, đến năm 1976 khi đào sông Vách Bắc để tiêu lũ thì mới tiện cho việc sản xuất nhưng dân vẫn còn rất nghèo. Cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, nghề xuất khẩu lao động được mở ra theo hai dạng: Thứ nhất là con em cán bộ được ưu tiên đi các nước xã hội chủ nghĩa, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thứ hai là dân thường năng động tự đi hay chỉ đơn giản vì vỡ nợ mà rời quê trong trạng thái “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”.
Không chỉ đi châu Âu như Đức, Tiệp, Anh mà họ còn đi các nước phát triển ở châu Á như Nhật, Hàn hay sang cả Lào nữa. Lúc đầu là buôn đồng nát, khi thấy dân Lào có nhu cầu chăn ga gối đệm thì bán kèm, cần máy cày, máy phát điện, máy tuốt lúa họ cũng tìm cách đáp ứng và dần mua đất để lập nghiệp. Ở châu Âu lúc đầu họ đi làm thuê, sau có tiền thì thuê ki ốt làm chủ nhỏ, kiếm ăn được, thuê thêm ki ốt rồi tiến tới mua luôn.
Con cháu ở quê đứa nào học giỏi, học khá thì đầu tư cho học tiếp, còn đâu đi xuất khẩu lao động. Hiện xã Đô Thành có 1.600 người ở nước ngoài, trong đó Lào cỡ 1.000, còn lại là châu Âu hay Nhật, Hàn. Không thể thống kê chính xác được lượng kiều hối gửi về bởi ngoài ngân hàng còn đường xách tay hay dịch vụ kiểu phường, hội, ước mỗi năm trên dưới 400-500 tỉ đồng.
Xã có 18.500 dân, chia làm 14 xóm trong đó giàu nhất phải kể đến Đông Thị, Phú Xuân, Phú Vinh và Nam Vực với hàng ngàn căn biệt thự 2-3 tầng trên mặt sàn 150-200m2. Ngoài ra có 4 lâu đài của anh Nguyễn Trung Thành ở xóm Phú Xuân (mới mất vì bạo bệnh), Nguyễn Văn Ngọc ở xóm Xuân Lai, Hoàng Văn Quang ở xóm Yên Hội, Ngô Ninh Đình ở xóm Phú Vinh, 3/4 xuất phát từ nông dân và 1/4 là bác sĩ.
Có những người tuy không sở hữu lâu đài nhưng được dân làng kính nể như anh Nguyễn Thành Long ở xóm Giao Mỹ. Vốn là một nông dân kiêm bảo vệ thủy nông, anh mỗi vụ lĩnh mấy chục kg thóc của HTX. Với tay nghề xây cống, anh dần thoát khỏi Đô Thành vào TP Vinh, mở công ty, thoát khỏi Nghệ An để đi khắp cả nước và trở lại giúp quê nhiều công trình…
Ông Nguyễn Đức Đá - Bí thư xóm Phú Xuân kể nhiều khi đi chơi hàng xóm phải thốt lên: “Choa nỏ nghèo nhưng bay giàu có quá” (tao không nghèo nhưng chúng mày giàu có quá). Xưa giàu nghèo hơn nhau chỉ dăm ba tạ lúa vào ngày mùa, nay chênh lệch gấp hàng ngàn lần. Xóm có 465 hộ thì khoảng 30% giàu có với tài sản cỡ dăm bảy tỉ trở lên, nhà lầu xây cao vút khiến cho loa truyền thanh xã không mấy người nghe được.
Điển hình của việc chăm chỉ, sáng tạo trong cách làm giàu có anh Nguyễn Trung Thành. Sinh ra trong một gia đình nghèo và lâm vào thế đường cùng khi bố mất sớm, là con lớn nên anh phải vào Nam tha phương. Đầu những năm 90 khi chuột phá hoại mùa màng dữ dội vì mèo đã bị tận diệt, xã Đô Thành và nhiều nơi khác trong vùng chủ trương hỗ trợ 30% giá để người dân mua gây dựng lại đàn nhưng chẳng tìm thấy nguồn hàng.
Anh Thành thấy đàn mèo ở trong Nam rất nhiều, giá lại rẻ nên cùng với các em của mình tổ chức buôn không chỉ về quê mà còn đi nhiều xã, huyện khác. Chỉ sau 5-7 năm ai cũng có của ăn, của để. Biệt danh “Thành mèo” có từ đó. Khi mèo cho nhu cầu bắt chuột bị bão hòa thì anh lại buôn mèo cho nhu cầu nấu cao. Có vốn anh dần mở tiệm vàng, làm chủ hãng xe khách liên tỉnh, trở nên giàu có. Các người em cũng đều làm ăn được và hỗ trợ cho nhiều việc của xóm làng.
Khi tôi đến thì ông Nguyễn Đức Hòe đang nhẹ nhàng dạo một bản nhạc thánh ca trong tòa lâu đài thuộc thế hệ đầu của xóm Phú Vinh dù nó không được lãnh đạo xã xếp hạng. Nhìn cái mái vòm cao vút, nguy nga với nhiều cửa sổ đón ánh sáng ấy, ít ai ngờ nó đã được xây cách đây 19 năm khi xung quanh toàn là nhà cấp bốn.
Họ có tới 10 người con, đứa thì được bà đẻ lúc đang cho lợn ăn, đứa thì được bà đẻ ở bụi tre trên đường đi trạm xá. Cấy 1 mẫu ruộng nhưng vẫn không đủ nuôi đàn con nên ông mua 1 cái máy may khi trong làng chưa nhà nào có rồi đi học nghề may, đi buôn vải, đi buôn gỗ. Nhờ đó mà ông tậu được xe máy khi trong làng nhiều nhà còn chưa có xe đạp và hễ ai trả giá có lãi lại bán.
Khi cái máy may không còn dễ đạp ra tiền nữa, thấy dân làng cho con đi xuất khẩu lao động ông cũng mượn 15 cái sổ đỏ, mỗi cái được vay 5 triệu để cho các con đi Tây. Đó là sự đầu tư đúng đắn khi hiện giờ ông có 2 con trai, 2 con dâu và mấy đứa cháu nội ở bên đó. Một phần tiền gửi về, ông đầu tư cho 6 đứa con còn lại học đại học.
Năm 2004 thấy kiến trúc sư thiết kế cái nhà xứ đẹp quá ông mới thuê thiết kế một tòa nhà có cái mái vòm phảng phất bóng dáng lâu đài ở trời Tây với giá 20 triệu, gần bằng người ta xây cái nhà ngói. Nó có 3 tầng, mỗi tầng cao 5m với 5 phòng, tổng diện tích 520 m2. Vài chục m3 gỗ lim được cắt xẻ thành cửa chính, cửa sổ, cuốn vòm. Cứ hơn tháng ông lại mổ 1 con lợn 50-70 kg để khoản đãi 12 người thợ, còn mì tôm thì để sẵn hàng thùng. Trong 2 năm xây nhà như vậy ông mất 9 con lợn và hàng trăm thùng mì tôm cùng 180 triệu tiền công thợ.
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ mình làm cái nhà sao cho 20 năm sau không lạc hậu, có nhiều phòng để con cháu về ở nhưng hiện 10 đứa con, 36 đứa cháu, 2 đứa chắt mà chỉ có mỗi vợ chồng tôi sống ở đây. Được cái chúng đều rất có hiếu, hay gửi quà về. Không tự làm được nên cứ vài tháng chúng tôi lại phải thuê 2 người đến lau chùi trong 2 ngày với tiền công 1,2 triệu mới xong”, ông Hòe cho biết.
Cái toát lên của người dân Đô Thành là tư duy không chịu dừng lại ở làm thuê, cố gắng làm chủ. Dù phải tha phương cầu thực đi chăng nữa họ cũng không nản chí, vẫn gắng tìm cách làm ăn và mơ sau này sẽ xây dựng được lâu đài, biệt thự. Bởi vậy nơi đây được ví như làng Do Thái của xứ Nghệ.
Đi Tây khi đã có 4 con và đi Tây khi mới 15 tuổi
Anh Hoàng Minh Quảng thuộc thế hệ đi Tây đầu tiên của Đô Thành, sau hơn 20 năm bôn ba xứ người hiện đang sống những ngày tháng yên bình tại xóm Xuân Lai. Anh kể, trước mình là Bí thư đoàn xã, buôn thêm vật tư cũng thuộc dạng kiếm được nhưng nghe ông anh họ bảo có đường dây đi Tây nên năm 1992 đã bán 1 căn nhà được 14 triệu, thế chấp 1 cái sổ đỏ được 5 triệu quyết rời quê. Giấy tờ làm xong năm 1992 nhưng phải chờ mãi, hết ở Vinh rồi ở Hà Tĩnh thành ra anh phải vay bạn bè tiền, vàng để sống. Cũng trong thời gian chờ ấy, anh có thêm 1 người con nữa trước khi bay đi Séc năm 1994.
Sang đó, anh là người truyền cảm hứng cũng như giúp cho khoảng trên 100 người ở quê được đi Tây. Bố mất anh không về chịu tang được, đến năm 2016 mẹ ốm anh liền về hẳn để chăm nhưng 4 người con trai, con dâu và 6 người cháu vẫn đang sinh sống ở Anh: “Tôi về làm được căn nhà trị giá hơn 100.000 USD, mua được 3 mảnh đất, còn các con gửi tiền về mua được 10 mảnh đất, mới rồi phải bán bớt để mua nhà bên Anh”. Anh Quảng thổ lộ.
Kỷ lục về ít tuổi nhất đi xuất khẩu lao động ở xã Đô Thành là Ngô Ninh Đình. Theo thống kê của lãnh đạo xã, anh cũng là 1 trong 4 người đang sở hữu lâu đài tại đây. Tôi bước qua cánh cổng đồ sộ để vào một khoảng sân lớn với mấy cây cổ thụ cùng dãy chuồng nuôi nhiều thứ chim mới tới tòa lâu đài ấy. Anh Đình cười xòa, nói như phân bua với tôi rằng lâu đài gì đâu, chỉ là một cái nhà mà thôi.
Tuy chỉ một tầng nhưng nó có diện tích mặt sàn lên tới 288 m2, lại được xây trên mảnh đất rộng 900 m2 nên trông rất tráng lệ. Trong nhà có nhiều đồ gỗ quý bởi chủ nhân đã nhập cả container từ châu Phi về để chế tác cửa, bàn ghế, giường tủ. Anh kể, gia đình mình trước đây nghèo nên tuổi thơ gắn với cấy lúa, câu lươn, bắt rắn. Năm 2001, khi mới 15 tuổi và nặng 39 kg, anh quyết chí ra nước ngoài theo diện bảo lãnh của người chú bên Tiệp. Đó là lần đi xa đầu tiên của một đứa trẻ. Khi ra sân bay Nội Bài thấy cái thang máy lạ quá anh cứ bấm lên xuống, chơi trong đó cả giờ cho đến lúc có người giục lên máy bay.
Biết đứa cháu ở quê đói nên người chú ở Tiệp đã mua sẵn 1 tủ gà đông lạnh. Ngày 2 lần anh luộc ăn mỗi bữa hết 1 con gà cỡ 1,5 kg và tăng cân lên tới 50 kg chỉ trong khoảng 1 tháng. Lúc này Đình từ Tiệp sang Đức, vào trại tị nạn rồi đi bán thuốc lá dạo nhưng do nhỏ quá nên được chính quyền cho đi học tiếp. Khi nghe phong thanh sắp bị hồi hương, sợ quá nên anh bỏ trốn ra ngoài làm quán ăn. Lăn lộn xứ người 10 năm, lưng vốn có vài tỉ anh về quê, mua miếng đất ở Cửa Lò rồi từ đó bén duyên với nghề buôn bất động sản.
Anh Vũ Hồng Sơn - trưởng xóm Phú Vinh là người dẫn tôi đi thực tế kể, mình đi thu tiền nước của cả xã Đô Thành, hộ trung bình 150-200.000đ/tháng nhưng có hộ xây lâu đài tới 1,6 triệu/tháng vì họ sợ trộn xi măng bằng nước giếng khoan sẽ không tốt bằng nước máy.
Cũng là người đi Đức 7 năm, anh nhận xét giờ kinh tế của xã đã rất phát triển, có những ông chủ công ty dư tiền chưa dùng đến đem cả bao tải đi gửi ngân hàng, có những người chuyển chẳng biết mấy chục tỉ hay hàng trăm tỉ về quê mà chỉ thấy thân nhân đi mua cả chục lô đất.
Nhưng xét về tổng thể kinh tế-xã hội thì dân quê anh còn kém dân Đức cỡ 100 năm. Và hệ lụy của việc xuất khẩu lao động, nhất là đi chui ngoài mạo hiểm đến tính mạng, một số gia đình còn bị tan vỡ khiến cho nhiều đứa trẻ không có đủ cha mẹ.