| Hotline: 0983.970.780

Bấn loạn vì gà lậu

Thứ Tư 21/11/2012 , 09:26 (GMT+7)

Dư luận chưa hết hoang mang lo lắng trước việc thịt gà thải loại có tồn dư chất độc hại tới sức khỏe con người thì lại rộ lên thông tin gà giống nhập lậu từ Trung Quốc chết hàng loạt khi nuôi. PV NNVN đã vào cuộc tìm hiểu...

Dư luận chưa hết hoang mang lo lắng trước việc thịt gà thải loại có tồn dư chất độc hại tới sức khỏe con người thì lại rộ lên thông tin gà giống nhập lậu từ Trung Quốc chết hàng loạt khi nuôi. PV NNVN đã vào cuộc tìm hiểu...

Gà chíp nhập lậu chết như ngả rạ

Tiếp xúc chúng tôi, những hộ dân trót mua phải giống gà chíp nhập lậu từ Trung Quốc về nuôi thề cạch đến già...

CHẾT KỲ LẠ!

Huyện Tân Yên, một trong những thủ phủ nuôi gà thả vườn lớn của tỉnh Bắc Giang, dân đang vô cùng hoang mang khi giống gà chíp Tàu được rất nhiều người mua về nuôi đồng loạt chết quá nửa không rõ nguyên nhân. Chúng tôi có mặt tại hộ anh Đinh Văn Thông, thôn Húng, xã Liên Sơn (Tân Yên) khi vợ chồng anh đang vã mồ hôi nhỏ thuốc cho đàn gà chíp Tàu hơn tháng tuổi.

Vứt lọ vacxin vào thùng các tông, anh Thông tâm sự, vẻ mệt mỏi: “Nghe lái buôn quảng cáo có giống gà chíp Tàu hay lắm, mẫu mã đẹp lại toàn gà trống, nuôi dịp Tết bán được giá nên tôi bỏ ra hơn bốn triệu mua 600 con về nuôi với giá 7.000 đồng/con. Khi mới về, gà đẹp lung linh, ăn rào rào như “tằm ăn rỗi”. Nhưng bắt đầu từ ngày thứ 3 trở đi, gà con kém ăn dần, xù lông, đi ỉa, ướt đít và chết mỗi hôm cả chục con. Mặc dù vợ chồng tôi bỏ ra hơn triệu đồng mua thuốc về chạy chữa nhưng đến ngày thứ 15 gà chết gần hết, giờ còn lại chưa đầy 200 con”. Quan sát đàn gà còn sót lại của anh Thông, chúng tôi nhận thấy giống gà này cũng không khác gà ri của Việt Nam là mấy. Nhưng quả thực 90% là gà trống, tuy mới hơn tháng tuổi nhưng mào đã phát triển.


Anh Đinh Văn Thông, thôn Húng, xã Liên Sơn rầu rĩ nhặc xác gà chíp Tàu bị chết

Cách nhà anh Thông không xa, hộ ông Nguyễn Duy Phương cũng đang nếm “quả đắng” vì tham giống gà “tươi lông đẹp mã”, dù không rõ nguồn gốc. Những năm trước, ông Phương đã từng nuôi giống gà này nhưng không bị chết nhiều như năm nay, thường chỉ mất khoảng 30-40%, song nhờ mẫu mã đẹp lại toàn gà trống, bán dịp Tết được giá nên mỗi đàn gà 1.000 con ông Phương vẫn có lãi vài triệu đồng. Đón vụ gà Tết sắp tới, gia đình ông Phương mua 600 con gà chíp Tàu, nhưng nay trong chuồng chỉ còn lại chưa đầy 300 con và gà vẫn tiếp tục chết, thua lỗ gần như nằm chắc.

Bản thân ông Phương là người kỹ tính, cẩn thận mang gà chết đi nhờ bác sỹ thú y mổ khám song vẫn không tìm ra nguyên nhân bệnh. Ông Phương phỏng đoán, có khả năng do vận chuyển xa nên gà con mất nhiệt, mất nước hoặc có thể gà được cho uống hoặc tiêm thứ thuốc gì đó để vận chuyển đi xa, khi về tới Việt Nam thuốc hết tác dụng khiến gà chết hàng loạt. Ông Phương cho biết, ngay trong thôn Húng, có 15-20 hộ vừa qua vào giống gà chíp Tàu thì tất thảy gà đều chết với triệu chứng tương tự. Nhà nào may mắn và chăm sóc kỹ lắm gà cũng vẫn chết ít nhất 50%, còn lại phần lớn chết 60-80%, thậm chí có nhà chết đến 90%. “Năm sau chắc chắn gia đình tôi sẽ không tham rẻ mua giống gà chíp Tàu nữa mà chuyển sang nuôi các giống gà trong nước có uy tín, được tiêm phòng đầy đủ, dù đắt hơn một tý nhưng chất lượng đảm bảo”. Ông Phương rút kinh nghiệm.


Hầu hết giống gà chíp Tàu đều xù lông, đi ỉa, kém ăn trước khi bị chết

CẠCH GÀ CHÍP TÀU

Tìm hiểu của chúng tôi, thông thường vào tầm tháng 8 âm lịch, tức khoảng tháng 9-10 dương lịch, giống gà chíp Tàu bắt đầu tràn vào nước ta. Đây là thời điểm bà con chăn nuôi vào lứa gà chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán. Mặc dù nghe nói giống gà chíp Tàu khó nuôi và hay chết nhưng do giá rẻ lại toàn gà trống nên người dân vẫn liều mua về với hy vọng nuôi được sẽ dễ bán. Phải thừa nhận, giống gà chíp Tàu mẫu mã khá đẹp, lông vàng, mào đỏ cờ, chân nhỏ vàng, rất phù hợp với nghi lễ cúng bái dịp giỗ tết của người Việt. Những người đã từng nuôi gà chíp Tàu chia sẻ, thực chất thịt loại gà này ăn bình thường, lườn mỏng, chất lượng không thể hơn gà mía của ta. Nhưng nhờ thế mạnh giá giống rẻ, mẫu mã đẹp, tỷ lệ trống cao là những yếu tố khiến người chăn nuôi chấp nhận nuôi đại.


Gà chíp Tàu lớn rất chậm và còi cọc

Theo anh Diêm Đăng Cương, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, một hộ trước đây chuyên ấp gà mía bán nay phải dỡ lò vì không cạnh tranh được với gà lậu Trung Quốc thì giống gà chíp Tàu có vẻ rẻ nhưng tính cho cùng lại thành đắt. Cụ thể giá mua trực tiếp từ lái buôn chở từ Lạng Sơn về là 7.000-8.000 đồng/con, còn mua qua thêm một cấp nữa giá cũng lên tới 10.000 đồng/con, tỷ lệ hao hụt (chết) lại lớn. Nói chung, gà Tàu không có giá cố định nào cả, chất lượng giống chẳng biết đâu mà lần. Cứ thời điểm nào giá gà trong nước đắt là y như rằng gà Trung Quốc lại tuồn vào. Anh Cương cho biết thêm, kể cả không phải dịp Tết gà TQ vẫn vào nước ta khá nhiều, nhưng không phải giống chíp Tàu mà là các giống gà K8, K9, gà trắng, gà trứng đều có cả. Tuy nhiên, các giống này thịt không ngon nên lái buôn thường phải trà trộn với gà trong nước mới bán được.

Thật vậy, qua dẫn chứng của anh Cương, chúng tôi làm một phép tính mới giật mình nhận ra rằng, người chăn nuôi ở Bắc Giang ham rẻ mua giống gà chíp Tàu song hóa ra lại thành đắt thật, thậm chí đắt nhất so với mặt bằng giá gà giống hiện nay. Nếu gà chíp Tàu 7.000 đồng/con thì thực chất giá thành con giống cuối cùng phải đội lên ít nhất 14.000 đồng/con vì gà chết ít nhất một nửa. Cộng thêm 1 triệu tiền thuốc chạy chữa, tính ra giá thành con giống có thể lên tới 15.000-17.000 đồng/con.

+ Một DN làm giống gà màu trong nước chia sẻ, nắm bắt được tâm lý dân ta chuộng gà trống, trong khi tại Trung Quốc người chăn nuôi lại chuộng gà mái vì có trọng lượng vừa phải, dễ bán vào siêu thị. Chính vì vậy, cứ khi nào giá gà nước ta đắt, các lò ấp thủ công bên Trung Quốc lại chọn riêng gà trống để bán sang chứ thực chất công nghệ của họ chẳng có gì cao siêu như người dân nghĩ.

+ Giống gà chíp Tàu luôn tiềm ẩn rất nhiều dịch bệnh do vận chuyển xa lại không được tiêm vacxin đầy đủ. Hơn nữa, chính bởi giá bán giống của gà chíp Tàu “trên trời dưới đất” đã đẩy người làm giống trong nước vào thế bị động không biết xu thế thị trường thế nào để cạnh tranh vì gà Tàu tràn vào đã phá vỡ mọi quy luật. Hiện nay, 80% người làm giống gà ở Bắc Giang đành ngậm ngùi treo chuồng, dỡ lò chuyển nghề, cụt vốn, phần lớn do gà Tàu mà ra.

Có thể khẳng định, những hộ đã trót nuôi gà chíp Tàu năm nay sẽ rút được kinh nghiệm, nhưng với những hộ chưa biết rất có thể sẽ lại mắc vào. Bản thân gia đình bà Phạm Thị Chính ở thôn Húng, xã Liên Sơn cũng chỉ vì nghe dư luận nói nuôi gà chíp Tàu lãi cao nên lập tức bỏ gà mía quay sang nuôi với hy vọng có món tiền tiêu Tết. Nay giấc mộng trên đã hoàn toàn tiêu tan khi đàn gà 600 con của gia đình đã chết vãn 400 con, 200 con còn lại đi đứng dặt dẹo, còi cọc. Bình thường, nếu nuôi các giống gà khác hơn 1 tháng trọng lượng gà đạt tối thiểu 3 lạng trở lên, vậy mà giống gà chíp Tàu dù được chăm hơn “con mọn” song chỉ được 1-1,5 lạng/con.

“Thôi, đã trót dại mua về rồi giờ biết làm thế nào, chẳng nhẽ lại đem vứt đi. Năm sau có đem cho không gà chíp Tàu chúng tôi cũng không nuôi nữa, sợ lắm rồi anh ạ!”. Bà Phạm Thị Chính rút kinh nghiệm.

Nghe thấy có nhà báo về tìm hiểu con gà chíp Tàu, ông bà Nguyễn Văn Thư, thôn Trung 1, xã Liên Sơn vội vã sang nhà hàng xóm vì tưởng có chính sách hỗ trợ gì của Nhà nước! Gặp chúng tôi, vợ chồng bà Thư ngậm ngùi cho biết, vừa rồi chắt bóp vay mượn được 4 triệu đồng, ông bà đầu tư tất vào mua gà chíp Tàu, ai ngờ năm nay gà chết la liệt không rõ nguyên nhân khiến ông bà có nguy cơ trắng tay. Cắn răng vay thêm 1 triệu đồng đầu tư mua thuốc về chạy chữa nhưng rốt cuộc đàn gà chíp 500 con vẫn chết quá nửa khiến hai thân già như đang ngồi trên đống lửa vì chưa biết xoay đâu ra tiền trả nợ!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm