Công nghiệp sinh học đang phát triển mạnh trên toàn cầu
Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho biết, công nghiệp sinh học đang có sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Thị trường công nghiệp sinh học toàn cầu năm 2012 là gần 90 tỷ USD, đến năm 2016 đã tăng lên 139 tỷ USD và năm 2023 là hơn 1.500 tỷ USD. Dự kiến đến 2030, quy mô thị trường công nghiệp sinh học toàn cầu lên tới hơn 3.800 tỷ USD, trong đó, doanh thu lĩnh vực y tế chiếm khoảng 44%.
Mỹ là quốc gia có công nghiệp sinh học phát triển nhất thế giới. Tại nước này, hệ thống nghiên cứu khoa học đóng vai trò là nguồn động lực và phương tiện để tạo ra các sản phẩm mới. Các công ty công nghiệp sinh học là các đơn vị chuyển kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm thương mại.
Năm 2019, ở Mỹ có 2.496 công ty công nghiệp sinh học với hơn 800 nghìn người lao động, sản xuất các sản phẩm nông hóa phục vụ công nghiệp và tiêu dùng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 2,2%. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu có 11.343 doanh nghiệp với số lao động khoảng gần 900 nghìn người và tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 1,3%.
Công nghiệp sinh học của các nước phát triển, đại diện là Mỹ và một số nước Tây Âu, đã phát triển mạnh, toàn diện, chiếm tới 95% thị trường thế giới và đang trong giai đoạn khai thác lợi nhuận. Các nước phát triển có định hướng sở hữu các bằng sáng chế và chuyển dịch các công nghệ đã kém cạnh tranh (đòi hỏi nhiều nhân công, mặt bằng sản xuất lớn, tiêu hao năng lượng, lợi nhuận thấp) tới các nước đang phát triển và sở hữu các công nghệ tiên tiến.
Ở châu Á, công nghiệp sinh học mới hình thành và phát triển trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20, được các quốc gia trong khu vực đặc biệt quan tâm và đầu tư ở các mức độ khác nhau, nhằm tăng sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển công nghệ sinh học y dược để điều trị bệnh cho cộng đồng dân cư. Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc (kể cả Đài Loan) và Ấn Độ là những quốc gia có đầu tư lớn và có ngành công nghiệp sinh học phát triển. Chính phủ các nước này đều có chiến lược quốc gia thúc đẩy công nghiệp sinh học phát triển, hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ sinh học.
Quá trình hình thành, phát triển công nghiệp sinh học trên thế giới, định hướng phát triển sản phẩm công nghiệp sinh học của các quốc gia đi trước là nền tảng khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để Việt Nam xem xét phát triển công nghiệp sinh học nói chung và công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp.
Theo dự thảo này, một trong những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2025 - 2030 là đưa công nghiệp sinh học trong nông nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Cần chính sách tốt để thu hút doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo Góp ý dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, công nghệ sinh học là một lĩnh vực sáng tạo, mang tính liên ngành và có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, y học, môi trường, hóa chất... Lĩnh vực này đã và đang dần trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ dẫn đầu cho quá trình chuyển đổi, phát triển xã hội theo xu hướng giảm phát thải carbon và giải quyết các thách thức quan trọng trong cuộc sống như bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng, cũng như bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và được nhận định như là một trong những ngành công nghệ quan trọng nhằm sản xuất bền vững trong tương lai.
Nằm trong xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới, công nghệ sinh học cũng đang phát triển với nhiều công nghệ mới, mang tính ứng dụng cao, thân thiên với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng một chương trình nhất quán, tập trung được thế mạnh của công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích cho người dân, trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu.
PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng khi đưa công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật, thì các sản phẩm từ công nghệ sinh học phải được thương mại hóa. Nếu các sản phẩm công nghệ sinh học không thương mại được thì sẽ không thể thu hút các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp sinh học. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế đặc thù để khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào công nghiệp sinh học.
Theo PGS.TS Trịnh Xuân Vũ, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Đề án cần tập trung vào các giải pháp phát triển công nghiệp sinh học, trong đó, có những chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp cá nhân đầu tư vào công nghiệp sinh học. Đồng thời, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu về công nghệ sinh học.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ, muốn phát triển công nghiệp sinh học, thì trước hết, phải phát triển doanh nghiệp công nghiệp sinh học. Doanh nghiệp không cần được hỗ trợ vốn, thuế, mà rất cần có chính sách tốt để có thể "sống" được.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học cho rằng do tốc độ phát triển công nghệ sinh học trên thế giới đang diễn ra rất nhanh chóng, vì vậy, Việt Nam phải đầu tư nghiên cứu, làm chủ những công nghệ mới để công nghiệp sinh học không bị lạc hậu so với thế giới.
"Hiện các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học đã có những đề tài, kết quả nghiên cứu mang tính chất nền tảng cho công nghiệp sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp. Nếu phát triển được công nghiệp sinh học, sẽ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chế biến, xúc tiến thương mại nông sản. Khi ấy, chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.