Chưa mấy doanh nghiệp BĐS kêu khó
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, khó khăn thị trường BĐS Việt Nam hiện nay không phải đến từ nội tại mà đến từ các yếu tố khác.
Vào những năm 2017-2018, thị trường BĐS Việt Nam rất mạnh. Sang năm 2019 có khựng lại đôi chút, các chỉ số của thị trường ngay lập tức giảm hơn 2018.
Theo đó, năm 2017, có 130 nghìn sản phẩm được hấp thụ, đến năm 2018 vọt lên 180 nghìn sản phẩm nhưng đến năm 2019 còn 110 - 120 nghìn sản phẩm. Điều này cho thấy thị trường có sự sụt giảm nhưng xuất phát từ nguyên nhân là do tác động của tình hình vĩ mô.
Khi thị trường BĐS gặp khó khăn mọi nguồn lực đều khuyến khích phát triển, khi thị trường phát triển mạnh thì lại bộc lộ những yếu điểm của chính sách, pháp luật. Nhiều dự án ở các đô thị lớn phải dừng lại để thanh kiểm tra, cũng như hạn chế phát triển các dự án ở các địa phương. Mỗi địa phương có khoảng 20-30 dự án bị dừng triển khai, còn các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM còn tới cả trăm dự án.
Việc các dự án bị dừng triển khai dẫn đến nguồn cung thiếu, trong khi lực cầu vẫn mạnh. Theo ghi nhận của Hiệp hội, có những dự án được hấp thụ lên tới 90%. Cụ thể, tại TP.HCM có những dự án giá bán lên tới 40 triệu đồng/m2 nhưng trong vòng hai ba tháng đã tiêu thụ tới 95%.
“Do đó, theo tôi đây không phải khủng hoảng do thị trường BĐS bởi nhu cầu vẫn rất mạnh, rất lớn”, ông Đính nói.
Về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản, ông Đính cho rằng, sự tác động là có nhưng không phải nhiều.
“BĐS sẽ là loại hình phục hồi nhanh nhất so với các loại hình khác. Điều này đã minh chứng sau khi đợt dịch một kết thúc, kết thúc giãn cách, thị trường đã nhanh chóng khôi phục các giao dịch”, ông Đính nhận định.
Không thể nói năm nay chúng ta thành công, lượng giao dịch đến nay chỉ được 10 nghìn giao dịch thành công, bằng khoảng 10% năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ có hai tháng sau đợt khi dịch một kết thúc thị trường đã khôi phục hoạt động. Như vậy, thị trường vẫn hoạt động tốt, mặc dù có ảnh hưởng của đợt dịch đầu năm.
Theo ý kiến của ông Đính, BĐS không gặp khủng hoảng, mà đang bị khủng hoảng từ bên ngoài tác động vào làm thị trường bị chậm nhịp lại.
“Chúng ta tin tưởng Chính phủ, nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trong việc kiểm soát đợt dịch thứ hai này. Và khi dịch được kiểm soát, BĐS sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên được khôi phục, bên cạnh đó là du lịch, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng. Trong thời gian tới vẫn còn cửa sáng cho thị trường BĐS nên chúng ta vẫn nên lạc quan”, ông Đính nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực BĐS. Cho đến nay, chưa mấy doanh nghiệp nào kêu khó trong mảng bất động sản.
“Cái đáng lo nhất theo tôi lại là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không, đường biển…”, ông Quyết nhận định.
Cũng theo ông Quyết, nếu đã đầu tư bất động sản bài bản và quy mô thì khủng hoảng 3 tháng hay 1 năm không có gì đáng ngại. Bất động sản càng để lâu càng có hiệu quả. Các công ty môi giới hoặc công ty nhỏ không thể chờ từ 1 đến 2 năm được. Nếu qua 1-2 năm thì sang đến năm thứ 3 có khi giá còn gấp đôi, gấp ba.
“Với mảng bất động sản của FLC, Covid-19 có kéo dài đến sang năm thì chúng tôi cũng không lo ngại, nhưng chúng tôi lo ngại cho các mảng khác như du lịch, hàng không. Covid-19 lần 2 xảy ra, công suất của hệ thống phòng FLC khi đại dịch thứ 2 xảy ra, công suất tụt còn 20-30%. Rất đáng mừng, sau khi kiểm soát được dịch, ngay như ngày hôm nay, công suất phòng đang tăng lên rồi. Dịch được kiểm soát tốt, mọi thứ đang dần dần tốt hơn”, ông Quyết cho biết.
Sau vàng, chứng khoán, sẽ đến lúc “sốt” đất
TS Nguyễn Đức Hưởng, Nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nêu góc nhìn: “Tôi cho rằng, Covid-19 chính là một cuộc cách mạng”.
mạng ở đây chính là việc thay cũ đổi mới, và Covid-19 làm hộ chiếu Việt Nam trở nên rất có giá, từ đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn về Việt Nam.
Đồng thời, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc giúp Việt Nam là “ngư ông đắc lợi”. Ông Hưởng cho biết có nhiều bạn bè đã đem tiền đầu tư ở nước ngoài cũng đang rục rịch muốn quay trở về Việt Nam.
Với việc kiểm soát được dịch Covid-19, vị chuyên gia này tín rằng GDP Việt Nam tăng trưởng dương là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí còn tăng trưởng vượt kế hoạch.
Theo đó, ông Hưởng dự tính: “Sau chứng khoán, vàng, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất. Đầu tư vào đất chỉ có lãi”.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chúng ta nhận thấy thị trường BĐS Việt Nam đang mất cân đối, cầu đang chờ cung do chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý để cung có hàng.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hiện có một số phân khúc BĐS được quan tâm là “Second home” và BĐS nhà ở. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 39% cuối năm ngoái, Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 50-52% vào năm 2030 nên nhu cầu nhà ở ở Việt Nam còn rất lớn.
BĐS du lịch là một câu chuyện đầu tư lâu dài. Nếu quyết định đầu tư lâu dài thì BĐS du lịch là một kênh đáng lưu ý.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big Group và Lộc Sơn Hà cũng cho rằng, thực tế những con số thống kê về hoạt động của thị trường bất động sản hiện nay chủ yếu từ chủ đầu tư, tức là nguồn sơ cấp, trong khi thị trường thứ cấp với mua đi bán lại vẫn sôi động.
Cho nên khủng hoảng của thị trường bất động sản ở đây vẫn là do nguồn cung, không phải chủ đầu tư nào cũng có dự án tốt để bán ra thị trường, nhưng nếu có dự án tốt, pháp lý rõ ràng khả năng hấp thụ vẫn cao. Theo đó phải điều chỉnh nguồn cung trên thị trường.
Ông Hà cũng cho rằng, giai đoạn hiện nay chính là thời cơ. Theo ông Hà, chu kỳ 10 năm tới khác hoàn toàn với chu kỳ trước. Chúng ta đã có gói hỗ trợ vay mua nhà 6-7%, trước chúng ta không thể tìm được gói hỗ trợ như thế này. Lãi suất cho vay mua bất động sản đang thấp là một lợi thế lớn, chính sách như vậy rất tốt cho người vay mua nhà.
Thứ nữa là hiện nay giá bất động sản cũng khá hợp lý chứ không phải quá cao nên phù hợp để mua nhà.