| Hotline: 0983.970.780

Bão số 13 khó lường, Quảng Nam di dời hơn 160.000 dân

Thứ Sáu 13/11/2020 , 14:06 (GMT+7)

Bão số 13 sắp tiến vào đất liền nước ta. Tỉnh Quảng Nam chuẩn bị phương án sơ tán khoảng 161.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 13 sáng ngày 13/11. Ảnh: Lyly.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 13 sáng ngày 13/11. Ảnh: Lyly.

Bão số 13 nhanh, mạnh, khó lường

Sáng 13/11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 13 (tên quốc tế là Vamco) với 10 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định.

Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh đã ban hành công điện chỉ đạo đưa các tàu bè vào khu neo đậu, sơ tán người dân đến nơi an toàn và dự kiến đến 12h ngày 14/11 sẽ hoàn tất công tác sơ tán.

Hiện nay tỉnh Quảng Nam đã rà soát và chuẩn bị phương án sơ tán khoảng 161.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất, trong đó có nhiều người dân tại huyện Nam Trà My. Dự kiến trước 12h ngày 14/11, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành công tác sơ tán dân tránh bão và các diễn biến thiên tai sau bão.

Đại diện tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ cấp kinh phí kịp thời để chuẩn bị cho kế hoạch phòng chống thiên tai lâu dài, lên kế hoạch tổ chức đánh giá, đưa ra phương án kịp thời cho các địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu tỉnh Quảng Nam ngay lập tức phải di dời những người dân vẫn còn trong vùng nguy hiểm.

“Hiện nay đường đi của bão số 13 vẫn rất khó đoán định. Ngoài gió và sóng mạnh làm chìm tàu thuyền trên biển, hoàn lưu của bão còn gây ra đợt mưa lớn, tiếp tục tạo ra các nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất tại những tỉnh, thành phố vừa chịu thiệt hại lớn vì thiên tai; trong đó, nhiều nơi chưa khắc phục xong…

Chúng ta đi cứu hộ cũng phải đảm bảo an toàn, không được chủ quan để xảy ra rủi ro trên đất liền và trên tuyến biển”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương không được chủ quan, không được lơ là vì cơn bão số 13 rất khó lường. Ảnh: Lyly.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương không được chủ quan, không được lơ là vì cơn bão số 13 rất khó lường. Ảnh: Lyly.

Cũng tại cuộc họp, đại diện tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh đã sớm triển khai các phương án để để phê duyệt ứng phó bão. Toàn bộ người dân trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đã cơ bản được sơ tán, di dời ra khỏi vùng xung yếu.

“Hiện nay toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi đậu an toàn. Dự kiến đến 16h ngày mai 14/11, toàn bộ người dân trên tuyến biển sẽ được đưa tới trú tại những ngôi nhà bê tông cốt thép kiên cố”, đại diện tỉnh Quảng Bình thông tin.

Không để thiên tai đe dọa tính mạng nhân dân

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác ứng phó thiên tai một cách nhanh chóng, kịp thời của các địa phương.

Phó Thủ tướng nhận định: “Chỉ trong tối ngày 14 rạng sáng ngày 15/11, bão số 13 sẽ vào đất liền giật cấp 11. Với cường độ mạnh như thế những ngôi nhà cấp 4 sẽ bị bung mái hết. Bão sẽ tiếp tục gây ngập úng, gây sạt lở đất, nếu không nhanh chóng sơ tán thì người dân sẽ bị đe dọa đến tính mạng".

Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các đơn vị tiếp tục đảm bảo an toàn trên tuyến biển từ Thanh Hóa đến Bình Định. Những nơi ở trong phạm vi cơn bão có thể ảnh hưởng phải rà soát lại các tàu thuyền để đưa về nơi tránh trú an toàn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho người dân và các thuyền viên, sơ tán người dân khỏi khu vực lồng bè, cơ sở sản xuất kinh doanh trên biển đảo, cần thiết thì phải cưỡng chế bắt người dân vào nơi an toàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: 'Nếu không nhanh chóng sơ tán thì người dân sẽ bị đe dọa đến tính mạng'. Ảnh: Lyly.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Nếu không nhanh chóng sơ tán thì người dân sẽ bị đe dọa đến tính mạng". Ảnh: Lyly.

Trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu sơ tán người dân di dời khỏi nhà xung yếu đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn các công trình nhà dân và phải giằng chống bảo vệ mái các công trình công cộng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong các khu công nghiệp, kinh doanh dịch vụ ven biển trước mưa bão.

Cần phải bảo vệ các công trình thủy lợi thủy điện, hồ đập vì các công trình này điều hòa nước đảm bảo an ninh nguồn nước, cung cấp nước cho hạ du sinh hoạt. Bảo đảm an toàn cho các công trình của hệ thống điện. Lực lượng giao thông phải chủ động xử lý sự cố để đảm bảo giao thông thông suốt, không để mất điện cũng như mất thông tin liên lạc.

“Tôi đề nghị các địa phương thực hiện chương trình nhà ở chống bão lũ, chúng ta đã từng thực hiện từ năm 2013 rất hiệu quả. Bộ Xây dựng cần phải có những dự án, công trình xây dựng nhà ở chống lũ cũng như hồ đập thủy điện an toàn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Đến 10 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.