| Hotline: 0983.970.780

Bão số 13 tiến nhanh vào biển Đông với gió giật cấp 15

Thứ Năm 12/11/2020 , 12:49 (GMT+7)

Bão số 13 đã đi vào biển Đông với cường độ mạnh, di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp. 3 kịch bản về hướng di chuyển của cơn bão đã được đưa ra.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão số 13 sáng ngày 12/11. Ảnh: Tổng Cục phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão số 13 sáng ngày 12/11. Ảnh: Tổng Cục phòng chống thiên tai.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (12/11), bão Vamco đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 13 trong năm 2020.

Hồi 7 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 7 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhận định: "Theo dự báo, bão số 13 khi đi vào vùng biển nước ta sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ để sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó".

Ông Mai Văn Khiêm nhận định bão số 13 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Mai Văn Khiêm nhận định bão số 13 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Khiêm, tổng hợp dự báo cho thấy có 3 kịch bản di chuyển được tính toán ra cho cơn bão số 13 này, cụ thể:

Kịch bản 1 là bão đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ. Thời gian bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền khoảng từ đêm 13/11. Gió mạnh nhất trên biển cấp 12, khi vào vùng biển ven bờ giảm 2-3 cấp.

Kịch bản 2 là bão đi lên phía Bắc suy yếu và di chuyển vào Bắc Trung Bộ. Thời gian bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền khoảng từ ngày 14. Gió mạnh nhất trên biển cấp 12, khi vào vùng biển ven bờ cấp 7-8.

Kịch bản 3, khi đi đến vĩ tuyến 111, 112, bão số 13 có thể đâm thẳng vào khu vực Trung Trung Bộ, khoảng Quảng Ngãi - Đà Nẵng. Kịch bản này ít khả năng xảy ra hơn 2 kịch bản trên.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cũng tại cuộc họp, Thiếu tướng Doãn Thái Đức - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, để ứng phó với bão số 13, Bộ Quốc phòng đã huy động 251.523 lượt người với 16.090 phương tiện, trong đó có 53 tàu, 108 xuồng và 10 máy bay ứng trực.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 12/11/2020, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người. Hiện còn 4 tàu/ 47 lao động (Bình Định: 3 tàu/33 lao động; Hà Tĩnh: 1 tàu/14 lao động) trong khu vực nguy hiểm đang di chuyển vòng tránh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai  lưu ý, bão số 13 có hướng đi dị thường như cơn bão Hải Yến năm 2013 đã gây thiệt hại lớn. Vì vậy cần phải có chiến lược ứng phó cho đúng với cơn bão, hoàn toàn không thể chủ quan về mặt dự báo, ứng phó, phạm vi ảnh hưởng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, kiên quyết trong thời gian ảnh hưởng của cơn bão không được để tàu thuyền hoạt động, chú ý cả thuyền nhỏ ven bờ, lồng bè, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; chú ý đề phòng đê biển, các điểm sạt lở chạy dài toàn tuyến miền Trung có thể gây nguy hiểm; cần quan tâm đến các hồ chứa từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các đơn vị bám sát dự báo, liên tục cập nhật để có chỉ đạo ứng phó. Các thành viên Ban chỉ đạo không chủ quan, chống tư tưởng mỏi mệt…

Bão số 12 đã làm 2 người chết (Quảng Nam: 1 người, Bình Định: 1 người); 2 người mất tích (Phú Yên: 1 người, Quảng Nam: 1 người) và 8 người bị thương (Bình Định: 1, Phú Yên: 2, Khánh Hòa: 3, Quảng Nam: 2).

Về nhà ở đã có 9 ngôi nhà bị sập (Khánh Hòa: 5, Bình Định: 3, Quảng Ngãi: 1); 388 nhà bị tốc mái, hư hại (Bình Định: 8, Phú Yên: 76, Khánh Hòa: 303, Quảng Ngãi: 1); 25.653 nhà bị ngập (Bình Định: 8.572, Phú Yên: 16.548, Ninh Thuận: 70, Gia Lai: 47, Daklak: 416)

Hiện còn 29 xã thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị mất điện (Khánh Hòa: 2 xã, Phú Yên: 27 xã); gãy đổ 75 cột điện tại Phú Yên.

Khu vực bắc Cửa Đại (Quảng Nam) xảy ra sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 3,0 km; bờ biển Thừa Thiên Huế (Phú Lộc, Phú Vang) với chiều dài 10 km tại nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.