| Hotline: 0983.970.780

Bến Lức nức tiếng chanh không hạt

Thứ Tư 03/12/2014 , 14:43 (GMT+7)

Chỉ vài năm gắn bó với cây chanh, bà Ba đã dư tiền xây hẳn hai ngôi nhà cho riêng hai cậu con trai lấy vợ, sắm một chiếc xe tải chở hàng và một chiếc xe hơi 4 chỗ để tiện giao dịch làm ăn và cuối tuần cả gia đình đi chơi, nghỉ dưỡng.

Từ một vùng đất nghèo khó, loay hoay với đủ thứ cây con, giờ đây Lương Hòa (Bến Lức, Long An) bỗng chốc thay da đổi thịt nhờ cây chanh không hạt. Rất nhiều hộ nông dân sau vài vụ chanh thành tỷ phú.

HỘ THU CHỤC TỶ/NĂM

Chạy xe trên con đường vào xã Lương Hòa, chúng tôi thấy khấp khởi, phấn chấn vì sự thay đổi mạnh mẽ của vùng đất khoảng chục năm trước còn vô vàn nghèo khó. Những con đường đất lầy lội được thay thế bằng các tuyến đường nhựa, xi măng rộng rãi, khang trang; rất nhiều ngôi nhà mới cao 2 – 3 tầng liên tục mọc lên hai bên. Trên một vùng đất rộng lớn, những cánh đồng trồng mía trước đây không mang lại hiệu quả giờ đã lùi xa, nhường chỗ cho chanh không hạt, nối đuôi thẳng cánh cò bay.

Chúng tôi tìm về gia đình ông Nguyễn Văn Chiến và bà Bùi Thị Ba ở ấp 7, xã Lương Hòa, người đi tiên phong trong việc đưa giống chanh không hạt về trồng tại địa phương. Lúc đó, bà Ba đang có mặt tại nhà xưởng rộng lớn được trang bị dây chuyền máy móc sơ chế chanh hiện đại, do bà mới đầu tư để cung ứng chanh cho các đơn hàng xuất khẩu. Chỉ vài năm gắn bó với cây chanh, bà Ba đã dư tiền xây hẳn hai ngôi nhà cho riêng hai cậu con trai lấy vợ, sắm một chiếc xe tải chở hàng và một chiếc xe hơi 4 chỗ để tiện giao dịch làm ăn và cuối tuần cả gia đình đi chơi, nghỉ dưỡng.


Cây chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao

Như bao gia đình khác trong huyện, gia đình ông Chiến, bà Ba trước đây sống bằng nghề nấu đường thủ công, rồi trồng sơ ri và chăn nuôi gia cầm; nhưng giá cả thấp, dịch bệnh đeo bám nên đều thất bại. Có thời điểm gia đình bà ôm nợ lên đến gần 300 triệu đồng. Không có hướng phát triển sản xuất, gia đình bà Ba đang tính nước bán đất trả nợ rồi bỏ xứ mà đi. Nhưng rồi trời không phụ người có lòng quyết tâm, giữa lúc đang chênh vênh không biết đi đâu về đâu, thì bà Ba được một người bạn thân giới thiệu cho 100 gốc chanh không hạt nhập từ Mỹ về thuần giống tại Việt Nam.

Lúc bấy giờ, qua tìm hiểu thị trường, bà Ba được biết giống chanh không hạt này chưa được trồng ở Việt Nam, các siêu thị trong nước vẫn thường xuyên phải nhập từ nước ngoài về bán với giá rất cao, gấp cả chục lần chanh truyền thống. Thế là ý tưởng đưa giống chanh không hạt vào sản xuất, cung ứng cho hệ thống siêu thị nảy trong đầu. Để thực hiện ý tưởng, vợ chồng bà đi khắp nơi, từ Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang rồi ngược Bình Dương, Bình Phước để tham quan học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt kĩ thuật canh tác để áp dụng trồng chanh không hạt. Bà đặt mua và trồng 1.000 gốc chanh không hạt với phương châm “trồng được ắt bán được”.

Cây chanh không hạt sau gần 1 năm dày công chăm sóc bắt đầu cho trái bói. Thời gian đầu, vợ chồng bà Ba cùng 2 cậu con trai hằng ngày dùng xe máy chở chanh đi khắp nơi để tiếp thị. “Tiếng là tiếp thị nhưng thực chất mang cho là chủ yếu, gặp ai cũng mời đưa về dùng thử, còn tiểu thương ở chợ thì kí gửi họ bán dùm, bán được thì tốt không bán được cũng không sao”, bà Ba nói. Nhờ chịu khó, một thời gian sau, sản phẩm chanh không hạt của bà Ba được tiểu thương các chợ đầu mối liên tục tìm mua, các đơn hàng ngày một dày thêm.

Thấy việc sản xuất của mình bước đầu có hiệu quả, gia đình bà Ba thuê đất mở rộng sản xuất, cứ thế sản phẩm được các siêu thị chào đón, bà trở thành đơn vị cung ứng chanh không hạt quy mô lớn nhất vùng. Đến thời điểm hiện tại gia đình bà Ba đã có trong tay gần 27 ha chuyên trồng chanh không hạt. Với mức thu trung bình lên tới 300 triệu đồng/ha, mỗi năm tổng thu nhập từ chanh của gia đình bà Ba lên tới gần chục tỷ đồng!

LAN TỎA KHẮP VÙNG

Thấy việc sản xuất chanh không hạt của gia đình bà Ba có hiệu quả, người dân trong vùng học hỏi làm theo.

Gia đình anh Nguyễn Mẫn, ấp 3, xã Lương Hòa có 2 ha đất trước đây chuyên canh trồng mía, nhưng vài năm qua cây mía mất giá, người trồng mía như anh chỉ thấy toàn thua lỗ. Thấy mô hình sản xuất chanh không hạt tại địa phương phát triển mạnh, anh mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, vay vốn đầu tư trồng 2 ha chanh. “Dù là người đi sau, nhưng nhờ được thừa hưởng kinh nghiệm quý báu về kĩ thuật của các hộ làm trước, nên vườn chanh của tôi cho năng suất rất cao, từ 35 – 40 tấn trái/ha/năm. Đặc biệt, trái chanh không hạt được xuất khẩu nhiều nên giá bán cao, đầu ra rất thuận lợi, mỗi năm doanh thu 2 ha chanh lên tới 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí tôi bỏ túi hơn 500 triệu đồng tiền lãi. Đây là số tiền mà nếu trồng mía và lúa như trước đây, không bao giờ tôi dám nghĩ tới!”, anh Mẫn vui vẻ nói.

Nhờ mấy năm thắng to, anh Mẫn cũng đã gom góp được tiền tỷ và mới mua thêm 4 ha đất để tiếp tục trồng chanh không hạt. Anh chia cho 2 người con đã lập gia đình mỗi người 1,5 ha, còn lại 3 ha anh đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để gia tăng giá trị và đảm bảo tính bền vững.

Điều đáng mừng là ý thức của người nông dân về sản xuất chanh đảm bảo VSATTP tại vùng đất này đã được nâng lên rõ rệt, minh chứng là hàng loạt các thị trường như Trung Đông, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... có nhu cầu thu mua chanh không hạt của Long An ngày một gia tăng. Đại diện nông trang Hải Âu chuyên thu mua chanh tại Bến Lức (Long An) cho biết: Vài năm trở lại đây thị trường tiêu thụ chanh không hạt gia tăng rất mạnh, đã có nhiều công ty trong nước cũng như nước ngoài về đầu tư như: Cty GINO Sài Gòn, Cty TNHH Rồng Đỏ, Cty TNHH The Fruit Republic 100% vốn nước ngoài tìm về kí kết hợp đồng thu mua chanh tươi với bà con nông dân để xuất khẩu.

Để đảm bảo chất lượng chanh không hạt thương phẩm xuất sang nước ngoài, hiện các công ty có hợp đồng ký kết thu mua đều cử kỹ sư về Lương Hòa hướng dẫn nông dân quy trình trồng, chăm sóc, bón phân, bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hệ thống mã vạch cho chanh không hạt vùng đề án giúp truy xuất nguồn gốc, tạo cơ sở cho việc sản xuất chanh bền vững đang được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư xây dựng.

Nếu như trước đây, nông trang Hải Âu phải luôn phụ thuộc vào hệ thống tiêu thụ từ các siêu thị để điều chỉnh sản lượng sản xuất, cũng như rất dè dặt trong việc mở rộng quy mô vì lo sợ đầu ra, thì giờ đây việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã giải quyết được bài toán khó nhất cho toàn huyện. Hiện có đến 80% sản lượng chanh không hạt được các chủ vựa thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản để cung ứng cho các công ty xuất khẩu, chỉ 20% sản lượng còn lại được thu mua thông qua các tiểu thương nhỏ lẻ.

Trước việc cây chanh không hạt mang lại bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt đề án “Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm tỉnh Long An” từ nay đến năm 2020. Theo đề án thì vùng sản xuất chanh sẽ được tập trung trong huyện Bến Lức với 8 xã (Lương Hòa, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Tân Hòa, Bình Đức, Lương Bình, Thạnh Đức, An Thạnh) với diện tích năm 2014 là 3.200 ha, năm 2015 là 3.500 ha và đến năm 2020 sẽ phát triển lên đến 5.000 ha. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi từ việc sản xuất chanh giấy truyền thống sang chuyên canh chanh không hạt.

Để khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ chanh của người dân, UBND tỉnh Long An đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ về đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng kĩ thuật; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất khác sang trồng chanh trong vùng đề án; tăng cường chính sách cho vay đối với hộ nông dân để đầu tư sản xuất; hỗ trợ các HTX về đất xây dựng trụ sở cũng như về nguồn vốn. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đứng ra lo việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Đơn cử như UBND tỉnh Long An vừa ra quyết định thành HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức. HTX gồm 19 xã viên với khoảng 100 ha đất trồng chanh không hạt, trong đó chủ yếu là diện tích đã thu hoạch ổn định và một số diện tích trồng mới.

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Nhà máy Đường An Khê phấn đấu sản xuất 2,1 triệu tấn mía nguyên liệu

Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nhiều hạng mục bổ sung về thiết bị để sẵn sàng vào vụ thu hoạch với công suất 18.000 tấn mỗi ngày.

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.