| Hotline: 0983.970.780

Thảm cảnh ở các cơ sở y tế Hà Tĩnh

Bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế ‘thiệt đơn thiệt kép’

Thứ Ba 09/05/2023 , 09:49 (GMT+7)

Hà Tĩnh Tham gia bảo hiểm y tế nhưng người bệnh lại không được hưởng đầy đủ các quyền lợi đáng được hưởng do bệnh viện thiếu vật tư y tế, hóa chất, thậm chí cả thuốc điều trị.

Bệnh nhân phải chi trả từ kim tiêm đến thuốc men

Là đơn vị “đầu não” ngành y của tỉnh Hà Tĩnh, bình quân mỗi ngày Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh này có khoảng 1.900 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 1.000 bệnh nhân ngoại trú. Việc thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, thậm chí cả nhiều loại thuốc điều trị nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả khiến bệnh nhân “thiệt đơn thiệt kép”, còn đội ngũ y bác sỹ không tránh khỏi những trách móc, thậm chí bức xúc của người nhà bệnh nhân khi người thân của họ đang trong tình huống cấp cứu nhưng bác sỹ không thể điều trị do thiếu các xét nghiệm cơ bản.

Người dân ở Hà Tĩnh tham gia bảo hiểm y tế không được đảm bảo quyền lợi do các bệnh viện thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân ở Hà Tĩnh tham gia bảo hiểm y tế không được đảm bảo quyền lợi do các bệnh viện thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm. Ảnh: Thanh Nga.

Đầu tháng 4/2023, sau khi điều trị cho con trai bình an trở về, chị Nguyễn Thị H. (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) mới hoàn hồn kể lại quá trình chuyển viện. Con trai chị bị tai nạn giao thông vào đầu tháng 3/2023, phải nhập viện lúc nửa đêm. Do BVĐK Hà Tĩnh thiếu hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm máu, bác sĩ chỉ kịp sơ cứu rồi để con tôi chờ cả đêm.

“Hoảng quá chúng tôi yêu cầu chuyển ra tuyến trên. May mắn con không bị ảnh hưởng não, chỉ bị gãy xương hàm, xương mũi. Chuyển ra Hà Nội chi phí triều trị tốn kém gấp đôi, gấp ba ở Hà Tĩnh nhưng chúng tôi đành chịu”, chị H. nhớ lại.

Đang chăm sóc mẹ bị ung thư vú tại Khoa Ung bướu, BVĐK Hà Tĩnh, anh Nguyễn Văn L. (con trai bệnh nhân Nguyễn Thị Ng. ở phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết, anh vừa phải ra ngoài làm xét nghiệm máu cho mẹ.

“Mẹ tôi có tham gia BHYT, đáng ra xét nghiệm này bảo hiểm chi trả nhưng do bệnh viện thiếu hóa chất xét nghiệm nên tôi phải liên hệ đơn vị bên ngoài để làm”, anh L. nói.

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.Q.H, ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, điều trị nhiễm trùng tại BVĐK Hà Tĩnh hồi tháng 3/2023. Theo người nhà bệnh nhân, quá trình điều trị tại bệnh viện không chỉ em trai chị mà rất nhiều bệnh nhân phải ra ngoài mua từ cái kim luồn, ống dẫn lưu, chai nước muối đến thuốc men. Đây đều là những mặt hàng nằm trong danh mục BHYT chi trả.

Trường hợp anh T.Q.H dù có BHYT nhưng ngay cả những loại thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả cũng phải đi mua ngoài, với số tiền lên đến hơn 11 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.

Trường hợp anh T.Q.H dù có BHYT nhưng ngay cả những loại thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả cũng phải đi mua ngoài, với số tiền lên đến hơn 11 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.

“Tôi không hiểu cơ quan chức năng làm ăn kiểu gì mà bệnh viện nào cũng kêu thiếu hóa chất, sinh phẩm, thuốc men. Trong khi ra ngoài, mấy hiệu thuốc lại mua được. Nếu kéo dài tình trạng này, người bệnh tham gia BHYT sẽ không được đảm bảo quyền lợi”, chị Tr. nói. Đồng thời, nêu dẫn chứng, trong suốt đợt điều trị 3 tuần, em trai của chị phải bỏ ra số tiền gần 15 triệu đồng để mua một số loại thuốc, vật tư và làm xét nghiệm bên ngoài, do nguồn cung BHYT của bệnh viện thiếu.

“Chỉ tính riêng tiền thuốc điều trị Vancomycin 500mg đã hết khoảng 12 triệu đồng. Tùy từng thời điểm, tôi mua với giá từ 90.000 - 135.000 đồng/lọ”, chị Tr. cho biết thêm.

Thiệt thòi nhất là bệnh nhân nghèo

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở Y tế và lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, thậm chí cả thuốc điều trị trong thời gian qua không chỉ gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân tham gia BHYT. Đặc biệt là những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, đối tượng chính sách.

“Lâu nay hộ nghèo xem thẻ BHYT là “bùa hộ mệnh” vì họ được chi trả 100% chi phí điều trị. Tuy nhiên, như mấy tháng vừa qua, bệnh nhân nghèo cũng phải ra ngoài làm xét nghiệm và mua các loại vật tư bệnh viện đang thiếu”, lãnh đạo BVĐK Hà Tĩnh nói.

Vị này cho rằng, nguyên nhân thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm không phải lỗi do bệnh viện nhưng quá trình điều trị gặp khó khăn thì bệnh nhân “trăm dâu đổ đầu tằm”, khiến đội ngũ y, bác sỹ hết sức mệt mỏi.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm khắc phục tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thuốc men, đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT. Ảnh: Thanh Nga.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm khắc phục tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thuốc men, đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT. Ảnh: Thanh Nga.

Sau người bệnh, hoạt động tự chủ của bệnh viện cũng ảnh hưởng rất lớn khi đơn vị phải từ chối nhiều khách hàng đến đăng ký làm dịch vụ khám sức khỏe học bằng lái xe, đi xuất khẩu lao động... Thậm chí, xét nghiệm nồng độ cồn trong máu phục vụ hoạt động điều tra của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn cũng không thể thực hiện vì không có hóa chất.

Tại Hà Tĩnh, việc đấu thầu tập trung đang bộc lộ một số vướng mắc cần cơ quan chức năng ngồi lại để có giải pháp căn cơ tháo gỡ kịp thời. Nếu tiếp tục thực hiện mua sắm các gói nhỏ (dưới 100 triệu đồng) theo hình thức cấp bách phục vụ điều trị, chắc chắn tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm tại các bệnh viện trên địa bàn sẽ còn tiếp diễn dài dài. (Còn nữa)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.