Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc do Bidiphar và Qũy môi trường toàn cầu phối hợp với một số đơn vị trong tỉnh Bình Định thực hiện không chỉ giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng, bảo tồn cây dược liệu quý mà còn mang lại nhiều giá trị kinh tế cho đồng bào Ba Na.
Bảo vệ tài nguyên rừng đứng trước nguy cơ tận diệt
An Lão là một huyện vùng cao, nằm phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định, nơi cuộc sống của người đồng bào Ba Na vô cùng khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 74%. Sinh kế chính của họ là chăn nuôi, trồng trọt, nền sản xuất còn tự cung tự cấp, chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng.
Nằm độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, xã An Toàn, huyện An Lão với nhiều điều kiện tự nhiên đặc biệt giúp cây dược liệu tích lũy được hàm lượng dược chất cao. Theo kết quả điều tra các loại dược liệu, tại vùng đất An Lão có 403 loài thuộc 112 họ, có nhiều loại cây bản địa là dược liệu quý, trong đó đặc biệt là cây chè dây. Với tác dụng hiệu quả trong chống loét dạ dày, giảm đau, kháng khuẩn, chống oxy hóa, đặc biệt hiệu quả với người bị nhiễm vi khuẩn HP… cây chè dây đứng trước nguy cơ cạn kiệt do việc khai thác theo kiểu “tận diệt” của người dân bản địa.
Câu chuyện bảo tồn cây dược liệu quý, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo được bắt đầu vào năm 2020, từ Dự án nuôi trồng và phát triển dược liệu của Công ty Bidiphar, Qũy môi trường toàn cầu phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, UBND Huyện An Lão, Hội Liên hiệp Phụ nữ An Lão và Công ty Bidiphar triển khai dự án “Trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số” với thời gian thực hiện 30 tháng.
Sau khoảng thời gian khảo sát và chọn mô hình điểm, hoàn thiện vườn bảo tồn và nhân ươm giống, đến nay, dự án đã triển khai các lớp tập huấn cho bà con dân tộc như: chuyển giao kỹ thuật trồng, bảo tồn, thu hái cây chè dây bản địa mọc tự nhiên đạt tiêu chuẩn GACP – WHO, phổ biến kiến thức bảo vệ khai thác hợp lý tài nguyên rừng. Công tác xuống giống tại một số mô hình điểm đã đạt được kết quả rất khả quan với tỉ lệ sinh trưởng, phát triển hơn 98%.
Bà Đinh Thị Nớ (thôn 2, xã An Toàn) một trong số những hộ đầu tiên tham gia dự án trồng chè dây cho biết: Được cán bộ chỉ dẫn tôi cũng hiểu hơn về việc bảo tồn và phát triển bền vững cây chè dây, ý nghĩa của việc bảo vệ rừng. So với việc trồng mì, trồng lúa thì trồng cây chè dây cũng không khó và tốn công lắm. Vui nhất là toàn bộ chè dây của chúng tôi trồng sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn nhiều so với giá mì, giá lúa.
Bà Thái Kim Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, cho biết: Thành công lớn nhất của dự án cho đến nay là có được sự đồng thuận rất lớn từ phía cấp ủy, chính quyền và người dân. Dự án đã mang lại ý nghĩa rất lớn đối với việc tạo sinh kế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã An Toàn, đặc biệt là góp phần thay đổi nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số về bảo tồn và phát triển bền vững cây chè dây, cũng như giảm áp lực khai thác, lấn chiếm rừng tự nhiên tại địa phương.
Bidiphar cam kết bao tiêu chè dây cho đồng bào
Đồng hành cùng dự án ngay từ đầu, bên cạnh hỗ trợ vốn, cung cấp giống đạt tiêu chuẩn, Bidiphar còn cắt cử nhân lực “nằm vùng” hướng dẫn bà con kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và nhân ươm giống chè dây theo đúng tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP – WHO).
Anh Nguyễn Đức Thiệp, Giám đốc Dự án dược liệu Bidiphar, người trực tiếp hướng dẫn kĩ thuật cho biết,nguồn giống cung cấp cho dự án được công ty tuyển chọn từ các cây chè dây bản địa, sau đó nhân giống bằng giâm hom, ươm trồng trong nhà kính và đảm bảo cây giống khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn khi chuyển giao cho người dân.
Theo anh Thiệp, hiện nay bà con xuống giống tại các mô hình điểm đã dần quen với việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GACP - WHO. Trong quá trình trồng, chăm sóc chè dây người dân không sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, khi cây có bệnh thì sử dụng các phương pháp cắt cành, tỉa lá…chỉ khi cần thiết mới dùng thuốc sinh học. Việc thu hái, vận chuyển, bảo quản phải đảm bảo tuân thủ theo quy trình khép kín.
Để nâng cao giá trị nguồn dược liệu quý, đem lại thu nhập cho bà con vùng cao, Bidiphar cam kết bao tiêu toàn bộ chè dây do bà con thực hiện trong dự án với giá ổn định. Sắp đến, Bidiphar sẽ xây dựng một cơ sở chế biến dược liệu đặt tại xã An Toàn để phục vụ cho thu mua và sơ chế bảo quản dược liệu. Cơ sở này được bảo đảm tất cả các tiêu chí từ trồng sạch, canh tác sạch, sơ chế sạch đến bảo quản sạch.
Với nguồn dược liệu quý được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng, Bidiphar đã cho ra đời Nhất Vị Linh – sản phẩm được chiết xuất hoàn toàn từ cây chè dây tại An Toàn. Với hàm lượng dược chất cao hơn so với các sản phẩm cùng loại, đến nay sản phẩm bảo vệ sức khỏe Nhất Vị Linh đã được hàng triệu người Việt tin dùng.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Bidiphar cho biết: “Việc liên kết giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) trong phát triển các vùng trồng cây dược liệu đang là hướng đi vững chắc nhằm bảo tồn nguồn dược liệu quý, đa dạng cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc. Bidiphar không chỉ có được nguồn nguyên liệu sạch, ổn định, đạt tiêu chuẩn mà còn tạo tiền đề cho nghề trồng cây dược liệu - một ngành “kinh tế xanh” ngày càng phát triển, giúp người dân có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Với tác dụng hiệu quả cho sức khỏe của dược liệu chè dây, ngoài sản phẩm Nhất Vị Linh, thời gian đến Bidiphar sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm có nguồn gốc từ chè dây An Lão để phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng”.