'Địa chỉ đỏ' thu hút khách du lịch
Chiều 11/4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM - Hà Nội 2024, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn du khách.
Tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 230 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao.
Thái Nguyên có thành phần dân tộc phong phú, đa dạng. Các dân tộc còn lưu giữ được nhiều những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có tổng số 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nơi đây còn là cái nôi cách mạng với những 'địa chỉ đỏ' thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, tiêu biểu.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc, khí hậu mát mẻ trong lành với những danh thắng nổi tiếng như hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá đẹp hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng. Thái Nguyên là địa phương được mệnh danh là "Đệ nhất danh Trà" do có diện tích, sản lượng chè lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 22.000 ha và gần 270.000 tấn búp tươi.
Ông Lê Ngọc Linh cũng cho biết thêm, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
3 tháng đầu năm 2024, Thái Nguyên đón gần 1,2 triệu lượt du khách, đạt doanh thu 350 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 3.650 lượt khách quốc tế.
Tại Hội nghị, đại diện hiệp hội du lịch 7 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên đã thống nhất ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các nội dung cơ bản: Phát triển nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Thái Nguyên cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng
Đánh giá cao sự chủ động tích cực của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức Hội nghị xúc tiến lần này, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng tỉnh có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài.
"Ngoài ra, vùng đất 'Đệ nhất danh Trà' có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử có giá trị để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Những năm gần đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trên cơ sở phát huy về lợi thế, tiềm năng, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách", ông Nguyễn Lê Phúc nhận định.
Theo đó, lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Thái Nguyên cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, đồng thời chú trọng tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội tỉnh, nội vùng nhằm tạo nền tảng cơ sở vật chất dịch vụ du lịch của địa phương ngày càng tốt hơn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác hợp tác, liên kết vùng.
Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11 đến ngày 14/4 với chủ đề: “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Tham gia Hội chợ có hơn 450 gian hàng, trong đó có hơn 100 gian hàng quốc tế. Đây là hội chợ quốc tế hàng đầu của Việt Nam và có tầm cỡ trong khu vực. Dự kiến, Hội chợ thu hút khoảng 100.000 khách hàng đến tham quan, mua sắm.