| Hotline: 0983.970.780

Bitexco biến đất nông nghiệp, bãi tha ma thành 'Kỷ nguyên mới' phố phường Hà Nội

Thứ Hai 21/09/2020 , 20:00 (GMT+7)

Siêu dự án của Tập đoàn Bitexco đang bộc lộ sai phạm và những hệ lụy từ hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” của UBND Thành phố Hà Nội.

Mặt bằng tổng thể siêu dự án của Tập đoàn Bitexco. Ảnh: BTC.

Mặt bằng tổng thể siêu dự án của Tập đoàn Bitexco. Ảnh: BTC.

Khi đất nông nghiệp, bãi tha ma thành “siêu dự án” của Tập đoàn Bitexco

Đi dọc đường Vành đai 3 từ góc Đại lộ Chu Văn An theo hướng về Khu đô thị Linh Đàm, hay hướng vào khu trung tâm xã Thanh Liệt, Dự án The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco được bao bọc bởi 4 bề là hàng rào.

Nhiều khu nhà kiểu mẫu, căn hộ kiểu mẫu, nhiều dãy biệt thự đã cơ bản hoàn thành, phía bên trong, hoạt động xây dựng diễn ra miệt mài, ồ ạt. Những lời mời chào về dự án của đội ngũ “cò” có mặt khắp các nẻo đường khu vực lân cận.

Theo lời giới thiệu của chủ đầu tư, The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco được xây dựng trên diện tích xấp xỉ 90ha bao gồm 970 căn nhà phố, biệt thự, căn hộ, 17 tòa chung cư... Và lời quảng bá có cánh nhất vẫn là ở vị trí đất vàng ở phía Tây Nam Hà Nội, ngay trên mặt đường Nguyễn Xiển, cạnh Công viên Chu Văn An rộng hơn 100ha thuộc loại rộng nhất Thủ đô.

Khảo sát sơ bộ ở thời điểm hiện tại, giá mỗi căn biệt thự thấp tầng ở dự án của Bitexco dao động từ 17 đến 40 tỷ đồng. Có những khu vực xây dựng, chủ đầu tư bán với giá ít nhất là 200 triệu đồng/m2. Những con số choáng váng, nhất là với những người nông dân mất đất cho dự án vẫn đang làm đủ mọi nghề để sinh sống sau khi mất sinh kế ở khu vực cạnh nơi “khởi nguồn cuộc sống hoàn hảo”.

Bitexco là một trong những tập đoàn lớn ở Việt Nam với hàng loạt các dự án đất động sản tên tuổi như The Manor, The Garden, Tháp tài chính Bitexco, cao ốc văn phòng Bitexco Sài Gòn...

Chỉ mới 4 năm trước thôi, Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 23/2/2016 do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký nêu rõ: Giao 496.226,9m2 đất (gần 50ha) tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) đã được UBND quận Hoàng Mai và UBND huyện Thanh Trì  hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, cho Công ty Cổ phần Bitexco để thực hiện dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (giai đoạn 1).

Cộng thêm những đợt thu hồi khác, tổng diện tích đất thu hồi thực hiện toàn bộ dự án là 654.715,7m2 (hơn 65ha)... Đây cũng chính là diện tích dự án khu đô thị, so với diện tích lập quy hoạch gần 90ha. Tổng cộng Đại Kim mất 420.321,1m2. Thanh Liệt mất 234.394,6m2.

Trước đó, thời điểm những năm 2010, khi Bitexco rục rịch thực hiện dự án The Manor Central Park thì ở Đại Kim và Thanh Liệt cũng được khởi động bởi những chiến dịch thu hồi đất khổng lồ. Và cũng giống như bao “siêu dự án” khác, “miếng bánh” chủ đầu tư và chính quyền nhắm vào chủ yếu vẫn là đất nông nghiệp, “nồi cơm” của người nông dân địa phương.

Đất nông nghiệp, nghĩa trang ở Đại Kim, Thanh Liệt thành siêu dự án của Tập đoàn Bitexco. Ảnh: MP.

Đất nông nghiệp, nghĩa trang ở Đại Kim, Thanh Liệt thành siêu dự án của Tập đoàn Bitexco. Ảnh: MP.

Theo thống kê, tại phường Đại Kim, để thực hiện dự án của Bitexco, chính quyền Hà Nội đã phải thu hồi 271,2m2 đất nông nghiệp của UBND phường lúc đó đang được giao cho các hộ gia đình chính sách sản xuất nông nghiệp, 4.787,6m2 đất nghĩa trang và 62.197,4m2 đất nông nghiệp, đất đường mương nội đồng của nhân dân... Chưa kể, ngoài đất sản xuất, mồ mả của tổ tiên nhân dân phường Đại Kim còn có đất đai của Bộ Giao thông - Vận tải và Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý.

Tại xã Thanh Liệt, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Phong, đã có khoảng hơn 16ha, toàn bộ là đất nông nghiệp và đất nghĩa trang bị thu hồi với đơn giá 162 nghìn đồng/m2, sau “chiến dịch”, Thanh Liệt bây giờ chỉ còn vỏn vẹn khoảng 60ha đất nông nghiệp đang sản xuất nhưng cũng đã nằm trong quy hoạch và không biết sẽ mất nốt lúc nào.

“Giá đấy là chính xác. Sau khi người dân có nhiều ý kiến, phía Bitexco hỗ trợ thêm 100 nghìn đồng/m2. Trong khi đó, những dự án thỏa thuận với người dân để thu hồi ở đây bây giờ khoảng 5 triệu đồng/m2. Cả một cánh đồng từ phường Đại Kim nối liền xã Thanh Liệt sang xã Tân Triều bị thu hồi diện tích rất lớn. Đất đai thì thu hồi xong rồi, còn vấn đề di dời nghĩa trang hiện vẫn còn khó khăn”, Chủ tịch xã Thanh Liệt nói giọng có vẻ tiếc nuối cho người nông dân.

Tiếp xúc với những người nông dân mất đất mới biết, họ xác định, sản xuất nông nông nghiệp ở vùng ven đô thì đất đai sớm muộn gì cũng mất. Nhưng mất đất có chăng là mất của, mất sinh kế, còn mồ mả tổ tiên của nhân dân mới là vấn đề nan giải.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, xã Thanh Liệt có 2 nghĩa trang nhân dân nằm trong dự án của Tập đoàn Bitexco. Kế hoạch của chính quyền buộc Bitexco phải dồn hai nghĩa trang lại làm một và di dời sang vị trí khác để xây trường học, tuy nhiên, vấn đề hiện tại là người dân chưa đồng thuận.

Sau khi nhà nước xây dựng đường Vành đai 3 đã quy hoạch nghĩa trang và quy tập mộ nhân dân Thanh Liệt về một chỗ rộng khoảng 5.000m2. Phía Bitexco hiện đang đặt vấn đề từ giờ đến cuối năm tổ chức họp dân để tuyên truyền công tác di dời nhưng: “Mệt lắm, không biết có chuyển được không? Nguyện vọng của người dân là vẫn giữ yên tại chỗ bởi vì có nhiều gia đình vừa mới chuyển mộ người thân về khu vực đó, bây giờ lại có kế hoạch chuyển tiếp không biết họ có nghe không?”, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt phàn nàn.

Hà Nội đã ưu ái Tập đoàn Bitexco đủ đường

Lật lại tài liệu siêu dự án của Bitexco cho thấy, một trong những cơ sở để tập đoàn này có thể “ôm” đến gần cả trăm ha đất vàng ở Đại Kim và Thanh Liệt là nhờ vào việc được UBND Thành phố Hà Nội chỉ định thầu thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường nối khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An với đường Phan Trọng Tuệ thuộc dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao).

Xây dự án bán rất nhanh nhưng Bitexco làm đường theo hợp đồng BT kiểu rùa bò. Ảnh: PH.

Xây dự án bán rất nhanh nhưng Bitexco làm đường theo hợp đồng BT kiểu rùa bò. Ảnh: PH.

Điều tréo ngoe ở chỗ, khi thu hồi đất để Tập đoàn Bitexco thực hiện dự án The Manor Central Park, công tác giải phóng mặt bằng được chính quyền thực hiện rất quyết liệt, nhưng ngược lại ở dự án làm đường, sau nhiều năm Bitexco rao bán nhà cửa ở siêu dự án tỷ đô thì tuyến đường quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An nhiều nơi còn chưa giải phóng xong mặt bằng. Dư luận cho rằng, chính quyền Hà Nội đã có những ưu ái khi chỉ định thầu Bitexco thực hiện dự án “đổi đất lấy hạ tầng” này.

Những nghi vấn đó hoàn toàn có cơ sở. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức Hà Nội phải trả cho Tập đoàn Bitexco bao nhiều đất để thực hiện các dự án BT trên địa bàn, tuy nhiên, khi các cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc đã phát hiện hàng loạt những vi phạm tỏ rõ sự ưu ái của chính quyền đối với doanh nghiệp.

Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ đầu UBND Thành phố Hà Nội đã thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, năng lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, năng lực huy động vốn yếu kém dẫn đến việc chậm tiến độ.

Sự ưu ái còn được tỏ rõ khi chính quyền Hà Nội nhiều lần gia hạn cho chủ đầu tư. Kể từ thời điểm được phê duyệt vào năm 2011, khởi công xây dựng vào năm 2014, theo kế hoạch ban đầu dự án sẽ kết thúc sau 36 tháng, tuy nhiên sau đó UBND Thành phố Hà Nội đã hai lần gia hạn cho Bitexco lên thành 67 tháng.

Đặc biệt, Thành phố Hà Nội lấy lý do cấp bách để chỉ định thầu, tuy nhiên quá trình kiểm tra đã không chứng minh được cấp bách, cấp thiết ở chỗ nào. Trong quá trình Tập đoàn Bitexco thực hiện dự án BT đã tính sai khối lượng, áp dụng định mức đơn giá không đúng số tiền hơn 27 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước trong kết quả kiểm toán do cơ quan này gửi đến Quốc hội, Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An đội vốn không căn cứ lên tới 36,79 tỷ đồng.

Xem thêm
Kinh tế xã hội 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng

Chiều 7/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái xuống đồng trồng dâu cùng nông dân

YÊN BÁI Ngày 8/12, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn đã đi kiểm tra việc làm nhà ở cho người dân bị thiệt hại và tham gia trồng dâu với bà con nông dân.

Công nghệ thông minh trong phòng chống thiên tai

Việc ứng dụng công nghệ thông minh trên nền tảng số đang giúp ích nhiều trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.