| Hotline: 0983.970.780

30 năm vót đũa nuôi con ăn học

Thứ Tư 05/02/2025 , 06:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH Hơn 20 hộ dân ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê ngày đêm bào, vót, chà bóng từng đôi đũa từ cây cau Nàng Rưng, kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học.

Bà Nguyễn Thị Liên có thâm niên vót đũa cau Nàng Rưng gần 30 năm. Ảnh: Thanh Nga.

Bà Nguyễn Thị Liên có thâm niên vót đũa cau Nàng Rưng gần 30 năm. Ảnh: Thanh Nga.

Những ngày đầu năm mới, không khí tại làng làm đũa cau Nàng Rưng ở thôn 1 và 3 xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bớt nhộn nhịp hơn so với trước Tết. Thời điểm này, bà con chủ yếu sản xuất đũa theo đơn đã đặt sẵn, đơn tồn từ trong tết để dành thời gian chăm sóc cây lúa, hoa màu và cây ăn quả có múi.

Theo bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi), nghề vót đũa bén duyên người dân Phúc Trạch từ 3 thập kỷ trước. Họ sử dụng cây cau Nàng Rưng mọc ở rừng rậm, chiều cao khoảng 7m, đường kính thân 6 - 8 cm để vót thành những đôi đũa trơn tru.

“Dù là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng lại cho thu nhập tương đối ổn định. Dịp tết vừa rồi thu nhập của tôi được hơn 10 triệu đồng”, bà Liên nói.

Đũa cau Nàng Rưng không chất bảo quản, chất tạo bóng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Nga.

Đũa cau Nàng Rưng không chất bảo quản, chất tạo bóng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Nga.

Theo bà, xưa ruộng đồng khô cằn, trồng lúa chẳng đủ ăn, đời sống thiếu thốn trăm bề nên nhiều gia đình ở làng tự làm đũa để dùng trong gia đình. Đũa làm đẹp, dễ sử dụng nên nhiều người vùng ven lân cận thấy vậy cũng đặt mua về dùng. Tiếng lành đồn xa, đơn hàng đặt ngày càng nhiều và từ trở thành nghề thu nhập chính của một số hộ dân trong làng.

Hiện đũa ở đây được bán với giá dao động 20.000 – 50.000 đồng/10 đôi; loại đặc biệt nhất có giá 70.000 đồng/10 đôi. 

Thoăn thoắt đưa tay đẩy qua đẩy lại trên chiếc bào đũa, bà Liên tâm sự, nghề làm đũa nhìn thì nhàn, không mất sức, nhưng ngồi nhiều cũng mỏi lưng. Nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Khác với nhiều sản phẩm đũa trên thị trường thường làm từ gỗ, tre, xương, ngà voi, kim loại, chất dẻo, người dân ở đây làm đũa từ cây cau tự nhiên và làm thủ công, không sử dụng các loại chất để tạo độ bóng hay màu… Bởi vậy được nhiều người tin tưởng, đặt hàng. Giờ đây không chỉ xuất bán trong huyện mà đi ra các tỉnh phía Bắc, miền Nam.

Nhờ nghề vót đũa, anh Đoàn Vương Hải có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con học đại học. Ảnh: Thanh Nga.

Nhờ nghề vót đũa, anh Đoàn Vương Hải có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con học đại học. Ảnh: Thanh Nga.

Cùng có thâm niên hành nghề vót đũa cau gần 25 năm, anh Đoàn Vương Hải, trú thôn 1 chia sẻ, để vót được đũa phải trải qua nhiều công đoạn, từ chẻ cau thô, bào, gọt, tỉa, làm bóng, phơi khô… Vào tháng 6 hàng năm, khi thời tiết nắng ráo, gia đình anh thu mua hàng trăm cây cau rừng để có nguyên liệu sản xuất đũa phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết.

Lãnh đạo UBND xã Phúc Trạch đánh giá, nghề vót đũa cau phát triển tại địa phương đã được hơn 30 năm. Nhờ có nghề này, hàng chục gia đình ổn định cuộc sống, có tiền nuôi con ăn học.

Cây cau Nàng Rưng có đặc tính thân cây thẳng, nhiều mắt, khi trổ hoa rất đẹp, song quả lại không ăn được. Cây thường mọc ở những khu rừng rậm, mỗi khi vào rừng khai thác, người thợ đi khoảng 1 tuần, ăn ngủ tại lán rừng, đủ chuyến hàng mới trở về. Cau rừng cao khoảng 7m, đường kính thân 6 - 8 cm; sinh sống, phát triển nhiều ở các triền đồi của huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang.

“Sau nhiều năm khai thác liên tục bây giờ nguyên liệu càng khan hiếm, người thợ phải di chuyển đến các tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình, thậm chí sang Lào để chặt cau. Điều đặc biệt, cây cau làm đũa phải là loại cau già, có độ tuổi trên 15 năm mới đạt chất lượng về độ cứng, độ dẻo dai. Nếu cây chưa đủ độ tuổi làm đũa dễ bị gãy và mốc, mẫu mã không đẹp”, anh Hải thông tin.

Những bó đũa bóng bẩy được bó lại để giao cho khách hàng. Ảnh: Thanh Nga.

Những bó đũa bóng bẩy được bó lại để giao cho khách hàng. Ảnh: Thanh Nga.

Quy trình làm đũa cau trải qua 7 nắng để đạt đủ độ khô hoặc nếu ngày mưa phải hầm than củi trong 9 tiếng mới đạt chất lượng. Sau khi đũa hoàn thành sẽ dùng lá chuối hột để chà, cách làm này sẽ giúp đũa bóng, trơn hơn.

“Lá chuối hột để trong rổ tre, sau đó lấy đũa vừa được bào mịn đặt trong rổ, đeo găng tay chà đi chà lại tạo độ bóng. Lá chuối cau có độ bền, dùng để đánh bóng được lâu. Các loại lá chuối khác cũng có thể sử dụng, song rất giòn và nhanh phải thay. Nhờ nghề vót đũa giúp gia đình có tiền nuôi con học đại học”, anh Hải chia sẻ thêm.

Xem thêm
Khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải quyết vấn đề phát sinh trong pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Bãi bỏ thủ tục hành chính khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai

Hà Nội Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT bị bãi bỏ từ ngày 25/2/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tổ quốc tôi như một con tàu

Hai năm nay tôi đều may mắn được trở lại Cà Mau. Nói trở lại, vì tôi đã từng có mặt ở vùng đất này từ năm 1981 và nhiều lần, sau đó.

Bình luận mới nhất