| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT đi đầu về cải cách thủ tục hành chính

Thứ Năm 26/10/2017 , 06:35 (GMT+7)

Ngày 25/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Bộ NN-PTNT về kết quả thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, trọng tâm là cải tiến công tác kiểm tra chuyên ngành.

17-05-20_dscf4887
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ NN-PTNT

Cải tiến quản lí hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành là một trong những nhiệm vụ chính, quan trọng được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 19/NĐ-CP. Từ đầu năm 2017 đến nay, mặc dù tình hình thiên tai, bão lụt chi phối tới hoạt động của toàn ngành nông nghiệp, tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt của Bộ NN-PTNT trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong việc tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động của DN.
 

Khai thông nhiều vướng mắc

Theo Bộ NN-PTNT, thời gian kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đã được rút ngắn. Điển hình như kiểm tra lô hàng thủy sản XK, thời gian rút ngắn từ 5 - 7 ngày làm việc trước đây xuống còn 8 giờ/lô hàng (thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2 - 3 giờ), tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15 - 20% chi phí. Đối với kiểm dịch thực vật (KDTV), theo quy định của Luật Bảo vệ và KDTV, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.

Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo mạnh mẽ việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm phương thức kiểm tra trước và giảm hợp lý dung lượng lấy mẫu kiểm định, kiểm nghiệm, trước hết là đối với thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống thủy sản NK. Các mặt hàng này được kiểm tra theo tần suất dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của DN hoặc thừa nhận kết quả kiểm tra của quốc gia đối tác theo thông lệ quốc tế. Hầu hết các mặt hàng được phép đưa về kho của DN để chờ kết quả kiểm tra, giảm chi phí lưu kho bãi.

Bên cạnh đó, về cơ bản, hiện các loại phí, lệ phí chi cho hoạt động KTCN đã được rà soát, cắt giảm. Thực hiện Luật Phí, lệ phí 2015, phí, lệ phí KTCN nông nghiệp hiện chỉ còn 6 loại phí và lệ phí. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN theo nguyên tắc: Cắt giảm tối đa việc KTCN đối với hàng hóa XK; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước NK hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các Công ước quốc tế một cách linh hoạt, phù hợp; quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng chế độ DN ưu tiên...

Đồng thời, đề xuất cắt giảm 5 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi Danh mục hàng hóa phải KTCN khi NK; cắt giảm hàng hóa phải KDTV ít nguy cơ chứa đối tượng kiểm dịch, cắt giảm 4 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn; cắt giảm 9 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm thủy sản...

Để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu KTCN, Bộ NN-PTNT đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (đạt tỉ lệ 45%) theo hướng hợp nhất thủ tục kiểm tra ATTP và thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm; nhập 2 thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch có nguồn gốc động vật và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, quy định tần suất kiểm tra đối với các mặt hàng đang thực hiện kiểm tra 100% lô hàng.

17-05-20_2
Hàng loạt thủ tục hành chính đã được Bộ NN-PTNT rà soát, tạo điều kiện thông thoáng cho DN (Trong ảnh, KDTV hàng NK tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn)

Phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến KTCN nêu trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho DN. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); KDTV giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.
 

Một mặt hàng, một Bộ quản lí

Bộ NN-PTNT đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã công nhận, chỉ định 63 tổ chức đủ điều kiện thực hiện KTCN.

Đánh giá cao sự chuyển biến mạnh mẽ của Bộ NN-PTNT trong việc cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, một số lĩnh vực vẫn còn tình trạng chồng chéo. Ví dụ cùng một mặt hàng vẫn chịu sự quản lí điều chỉnh của nhiều đơn vị khác nhau trong Bộ NN-PTNT. “Kén tằm, côn trùng vừa phải KDTV, vừa phải kiểm dịch động vật. Nhóm các sản phẩm động vật tươi sống như thịt, cá vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra vệ sinh ATTP...”, ông Dũng nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng vẫn còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều Bộ. Cụ thể, số mặt hàng hiện nay phải thủ tục hành chính liên quan tới từ 2 đến 3 Bộ trở lên chiếm tới 58,8% nên thủ tục kiểm tra rất rườm rà phiền nhiễu. Sản phẩm thủy sản vừa phải kiểm tra ATTP bên Bộ Y tế, vừa phải kiểm dịch thủy sản bên Bộ NN-PTNT, vừa phải kiểm tra chất lượng hàng hóa của Bộ Công thương. Nguyên liệu bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi... vừa kiểm dịch bên Bộ NN-PTNT, vừa kiểm tra ATTP bên Bộ Công thương.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị thời gian tới, Bộ NN-PTNT nên sớm nghiên cứu rà soát, trình Chính phủ các đề xuất về cách thức quản lí, kiểm tra thông hành đối với các mặt hàng, dịch vụ hàng hóa đang còn chồng chéo thuộc các đơn vị trong Bộ NN-PTNT và giữa Bộ NN-PTNT với các Bộ khác. Theo đó, hiện Thủ tướng đã giao VPCP cùng 3 bộ Công thương, NN-PTNT và Y tế nghiên cứu sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP thi hành Luật ATTP theo hướng: Một mặt hàng chỉ giao cho một Bộ quản lí, tương tự như cách thức quản lí phân bón vừa được chuyển giao về cho Bộ NN-PTNT quản lí hoàn toàn từ Bộ Công thương, vừa triển khai.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất