
Ông Nguyễn Hoài Nam (ngoài cùng bên phải) - Tổng Thư ký VASEP, chia sẻ về đàm phán thuế với phía Hoa Kỳ. Ảnh: Khương Trung.
Trao đổi tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chiều 7/4, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, rất tin tưởng vào các quyết sách của lãnh đạo Đảng, Chính phủ liên quan việc Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng dự kiến 46% với Việt Nam.
Theo ông Nam, thị trường Hoa Kỳ có ý nghĩa rất lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam với thị phần lớn, hơn 400 doanh nghiệp tham gia, sử dụng lực lượng lao động từ 40 tỉnh, thành và có sự đầu tư lớn.
“Nếu bị áp mức thuế 46% thì thủy sản Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ. Từ đó sẽ gây ra những áp lực về an sinh xã hội trong nước”, ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định và mong muốn sẽ có các biện pháp giãn, hoãn và đàm phán với Hoa Kỳ về việc triển khai mức thuế này.
Đại diện VASEP cho rằng, nếu có thể đàm phán thì không nên đàm phán tổng thể mà nên tách riêng từng lĩnh vực, từng ngành hàng để trao đổi với phía Hoa Kỳ.
Về luận điểm, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng có thể thuyết phục phía Hoa Kỳ bằng thông tin Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều nông sản của họ để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, ví dụ như đậu tương và khô đậu tương cho thức ăn chăn nuôi.
“Thông tin này có thể cho thấy sự quan tâm và ưu tiên sử dụng của Việt Nam đối với nông sản Hoa Kỳ”, ông Nam phân tích.
Ngoài ra, một luận điểm nữa được ông Nam đưa ra là các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là các mặt hàng thiết yếu, mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp với sản xuất trong nước của họ.
Bên cạnh đó, khả năng đưa mức thuế một số mặt hàng thủy sản của Hoa Kỳ về 0% cũng có thể đưa ra như một điều kiện đàm phán. Tổng Thư ký VASEP cũng không ngần ngại bày tỏ kỳ vọng có thể đưa mức thuế 46% mà ông Trump đưa ra về 0% sau khi đàm phán.
Về biện pháp lâu dài, ông Nguyễn Hoài Nam nêu một số khả năng như ký kết FTA với Hoa Kỳ hoặc mời nước này quay lại tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP.
Với chuyển hướng thị trường, Brazil được ông Nam nhắc đến như một thị trường tiềm năng mới với các sản phẩm như tôm hay cá tra, đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng thống Brazil đến Việt Nam vừa qua.
Ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như các cơ quan quản lý sẽ quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tham gia vào thị trường này. Đáp lại đề xuất trên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định sẽ cùng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với Hiệp hội để xúc tiến thị trường này.
Liên quan vấn đề tài chính, ông Nguyễn Hoài Nam nêu một số vấn đề cần quan tâm như hỗ trợ tín dụng, sớm được hoàn thuế giá trị gia tăng và sớm khẳng định sản phẩm thủy sản là mặt hàng chế biến, không phải sơ chế để được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định sẽ trình bày trong các cuộc làm việc của Chính phủ, Quốc hội về vấn đề định nghĩa mặt hàng thủy sản để các doanh nghiệp có thể được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo thống kê từ VASEP, có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ, cùng 31.500 tấn hàng dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5. Ngoài ra, các đơn hàng đã ký kết cho năm nay lên tới 38.500 tấn.
Nếu hải quan Mỹ áp dụng thuế mới từ ngày 9/4 đối với hàng hóa cập cảng sau mốc này, tất cả lô hàng đang trên đường vận chuyển sẽ chịu mức thuế 46%, thay vì 0% hoặc 5,5-7% như trước đây.
Cụ thể, một lô tôm trị giá 500.000 USD, trước đây chịu thuế 5% (25.000 USD), nếu bị áp mức 46%, con số này sẽ lên đến 230.000 USD, tức tăng thêm 205.000 USD - một chi phí khổng lồ và không thể lường trước.
Điều này sẽ khiến ngành thủy sản Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh, trong khi các nước xuất khẩu thủy sản khác đang hưởng mức thuế thấp hơn nhiều: Ấn Độ 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%...