| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT họp lãnh đạo 2 tỉnh gỡ khó cho dự án hồ chứa Bản Mồng

Thứ Sáu 12/07/2024 , 19:06 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT cam kết cấp đủ kinh phí theo tiến độ và nhu cầu của các địa phương để dự án Hồ chứa nước Bản Mồng thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.

Dự án gặp khó vì thủ tục pháp lý

Ngày 12/7, tại Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành dự án.

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 26/10/2023; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 532/QĐ-BNN-XD ngày 07/02/2024.

Trong đó, bổ sung các nội dung công việc và kinh phí thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa (sau đây gọi là hợp phần) với tổng kinh phí dự kiến là hơn 516 tỷ đồng. Sở NN-PTNT Thanh Hóa được giao làm chủ đầu tư hợp phần.

Các nội dung chính của hợp phần này, gồm: Bồi thường, hỗ trợ; đầu tư xây dựng khu tái định cư và trồng rừng thay thế cho diện tích rừng phải chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án trên địa bàn huyện Như Xuân, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng vùng lòng hồ đến cao trình +71,86m trước ngày 30/10/2024, bàn giao toàn bộ mặt bằng vùng lòng hồ trước ngày 31/7/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án chậm nhất vào ngày 31/12/2025.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa báo cáo tình hình thực hiện dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa báo cáo tình hình thực hiện dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ; công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản thực hiện đúng yêu cầu của tiến độ. Tính đến ngày 10/7/2024, Sở NN-PTNT đã giải ngân toàn bộ kinh phí trồng rừng thay thế với giá trị là hơn 184 tỷ đồng, đạt 80,27% kế hoạch vốn được giao năm 2024 (230 tỷ đồng). Kết quả giải ngân đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch dự kiến.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn một số vướng mắc liên quan đến bố trí quỹ đất, thủ tục pháp lý về thẩm định, phê duyệt dự án hợp phần. Theo đó, tổng nhu cầu đất thủy lợi để thực hợp phần dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 681ha.

Đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa mới bố trí được hơn 382ha đất thủy lợi (tương ứng cao trình +71,86m đến cao trình +76,4m vùng lòng hồ). Bên cạnh đó, công tác thẩm định, phê duyệt dự án đã chậm hơn 1 tháng so với kế hoạch và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công việc tiếp theo.

Ngoài ra, hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hợp phần được đánh giá là chưa đủ cơ sở pháp lý; chưa có quy định và hướng dẫn đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chưa xác định được thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án. Mặt khác, theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, thẩm quyền phê duyệt dự án là của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, chứ không thuộc quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa…

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1. Ảnh: Quốc Toản.

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1. Ảnh: Quốc Toản.

Tại Nghệ An, công tác giải phóng mặt bằng lòng hồ, địa bàn huyện Quỳ Hợp đã hoàn thành đến cao trình +71,86m; huyện Nghĩa Đàn hoàn thành cao trình +71,86m; huyện Quỳ Châu, hoàn thành cao trình +71,86. Hạng mục cầu trên Quốc lộ 48 qua kênh thông hồ hoàn thành 98%.

Các đập phụ 1, 2 và 3, đập phụ số 2 đã hoàn thành, riêng đập phụ số 1 và số 3 còn phần khối lượng hợp long. Tổng mức đầu tư hợp phần đền bù, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng và hợp phần các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu là hơn 2,9 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2023 đã được bố trí và giải ngân là hơn 1,8 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác điều chỉnh dự án đang còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác tư vấn gặp nhiều khó khăn trong việc khảo sát, điều tra hiện trạng, tính toán thủy lực, thủy văn để lựa chọn phương án công trình phù hợp, đặc biệt là phương án xử lý mái kênh tiêu Châu Bình. Hiện nay, Sở NN-PTNT, Ban Quản lý dự án cùng nhà thầu tư vấn đang đề xuất các phương án kỹ thuật xử lý.

Ngoài ra, công tác điều chỉnh dự án phải thực hiện nhiều thủ tục nên cần nhiều thời gian để rà soát tổng hợp, ngoài ra, việc điều chỉnh hợp phần qua nhiều bước, nhiều cấp ban, ngành theo đúng quy trình, quy định.

Bộ NN-PTNT cam kết cấp đủ vốn theo tiến độ

Tại hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương để bảo đảm giao đủ đất thủy lợi để triển khai dự án. Đồng thời tỉnh sẽ nỗ lực cùng Bộ NN-PTNT và tỉnh Nghệ An hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, để dự án đảm bảo tiến độ, ông Giang đề nghị Bộ NN-PTNT bố trí sớm và đủ nguồn kinh phí để Thanh Hóa có cơ sở thực hiện.

“Hiện nay Thanh Hóa đã chi 184 tỷ đồng trong kế hoạch vốn được giao năm 2024 (230 tỷ đồng). Tuy nhiên số tiền đền bù cho dân khoảng 190 tỷ, nhưng hiện nay chỉ còn hơn 40 tỷ. Do đó, đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm cấp kinh phí để tỉnh Thanh Hóa thực hiện đền bù và tái định cư cho người dân để dự án được triển khai đúng tiến độ”, ông Giang kiến nghị.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ NN-PTNT bố trí vốn để thực hiện đền bù, tái định cư dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ NN-PTNT bố trí vốn để thực hiện đền bù, tái định cư dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh sẽ rà soát toàn bộ các hạng mục của dự án, đặc biệt là phương án xử lý sạt lở kênh tiêu Châu Bình để hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh. Chỉ đạo lập lại tiến độ thi công chi tiết của dự án, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch. Rà soát lại bộ máy của Ban Quản lý dự án; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện từng phần việc.

Để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra, ông Nguyễn Văn Đệ cũng đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết nhanh các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận hội nghị. Ảnh: Quốc Toản. 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận hội nghị. Ảnh: Quốc Toản. 

Sau khi nghe báo cáo của 2 tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình trọng điểm quốc gia. Để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch trước ngày 31/12/2025, các địa phương phải chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều chỉnh, bảo đảm bố trí đủ chỉ tiêu đất thủy lợi theo tổng nhu cầu thực hiện dự án ngay trong tháng 7/2024.

Đối với dự án hợp phần "Bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân" thuộc Dự án Hồ chứa nước bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa chi tiết hóa khu tái định cư; giao Cục Quản lý xây dựng công trình thẩm định, báo cáo Bộ phê duyệt dự án. Trên cơ sở nguồn vốn của Trung ương giao, có thể điều chỉnh cơ cấu kinh phí đã được bố trí nhưng không thay đổi tổng mức.

Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo và ban hành kế hoạch tiến độ triển khai thực hiện dự án để bảo đảm tích nước và cam kết hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào cuối năm 2025. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, bố trí nguồn lực, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án.

Bộ NN-PTNT cam kết cấp đủ kinh phí theo tiến độ và nhu cầu của các địa phương để dự án thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 4 phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu chuẩn bị hiện trường, phương án chặn dòng, phương án và kế hoạch thi công vượt lũ bảo đảm tiến độ chặn dòng theo kế hoạch.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.