Trong phiên Bế mạc Kỳ họp 20 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát biểu tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm trong thời gian qua, trong đó có ý kiến đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các trang trại chăn nuôi nghiêm túc thực hiện yêu cầu về môi trường, không làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Trước Hội đồng nhân dân tỉnh và toàn thể cử tri, ông Đỗ Minh Tuấn tiếp thu và thống nhất với ý kiến đề nghị nêu trên. Để làm rõ hơn vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu ví dụ về trại lợn của Công ty Agri-Vina ở huyện Lang Chánh gây mùi hôi thối trong khu dân cư trong thời gian vừa qua, đồng thời đề cập rõ trách nhiệm của các bên có liên quan.
Theo ông Tuấn, đây là dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đưa vào hoạt động cách đây không lâu. Tuy nhiên quá trình hoạt động, trang trại gây ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều người dân. Người dân đã gửi kiến nghị tới cấp có thẩm quyền và tỉnh đã cử các đoàn công tác kiểm tra thực tế để nắm tình hình và chỉ đạo xử lý.
“Trách nhiệm trước hết thuộc về nhà đầu tư. Trước khi đầu tư doanh nghiệp cam kết đủ thứ, nhưng khi thực hiện thì không đáp ứng được yêu cầu về môi trường. Bên cạnh đó sự việc còn có trách nhiệm của các cơ quan tham mưu. Đó là việc công nhận trang trại đủ đủ điều kiện về khoảng cách, môi trường nhưng chỉ công nhận... trên giấy. Việc này có trách nhiệm của UBND tỉnh, của người đứng đầu”, ông Tuấn thẳng thắn.
Từ viện dẫn trên, ông Đỗ Minh Tuấn chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để vụ việc: “Không để kéo dài sự việc này nữa, không nuôi thêm hay kéo dài thêm mấy chục ngày nữa. Dừng đến khi nào không còn ô nhiễm nữa mới cho triển khai lại. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về môi trường trong chăn nuôi thì chấm dứt vĩnh viễn dự án. Cần thiết thì đền bù, bằng không nếu phải ra tòa cũng phải ra”.
Ông Tuấn lấy ví dụ về các nhà máy giấy đặt ngay cạnh bờ sông để dẫn chứng: “Không biết công nghệ sản xuất thế nào, nhưng tại sao doanh nghiệp cứ muốn xây dựng các nhà máy giấy cách đầu nguồn các con sông có vài chục mét? Làm như thế có ý gì? Tôi nói luôn là chỉ có ý là xả (thải) ra sông thôi. Khi làm, các anh cứ cam kết xử lý nước trong khu vực nội bộ, khi nào nước uống được mới thải ra ngoài. Thế tại sao các anh không làm dự án (xin chấp thuận chủ trương) trong khu công nghiệp hoặc vị trí khác mà cứ phải ở cạnh sông? Hôm nay tôi nói công khai như vậy, doanh nghiệp nào có ý định như trên (đặt nhà máy chế biến cạnh sông) thì thông cảm cho, đừng làm khó chính quyền nữa. Có trách tỉnh cũng phải chấp nhận. Cái nào thuộc về tồn tại cũ thì phải chấp nhận khắc phục nhưng cái mới (dự án) thì không thể (được)”, ông Tuấn thẳng thắn.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tỉnh sẽ không chấp thuận các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân và yêu cầu các Sở, ngành không đề xuất các dự án có tính “nhạy cảm” về môi trường.