Trong khuôn khổ hợp tác giữa Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ NN-PTNT, với cương vị là Phó Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam trong hơn 6 năm, thông qua chỉ đạo, điều hành bà Lesley Miller đã có những đóng góp to lớn cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, đặc biệt trong công tác phát triển, xây dựng nông thôn mới bền vững và phòng, chống thiên tai.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, trong quá trình công tác bà luôn là cầu nối quan trọng để triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quan trọng giữa Bộ NN-PTNT với UNICEF.
Đối với công tác phòng chống thiên tai, không thể không kể đến những đóng góp của bà trong việc thúc đẩy hỗ trợ xây dựng chương trình 5 năm Giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Chính Phủ Nhật Bản tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật để rà soát, điều chỉnh và xây dựng các văn bản dưới luật, chiến lược, kế hoạch và chính sách về phòng chống thiên tai phù hợp với các thỏa thuận, cam kết quốc tế, trong đó ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em; thúc đẩy và nhân rộng các sáng kiến xây dựng cộng đồng an toàn sạch và xanh, các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp để kịp thời ứng phó với các đợt thiên tai lớn tại Việt Nam như đợt bão, lũ miền Trung năm 2020, tại Nghệ An năm 2022, Huế năm 2023 thông qua việc cung cấp thiết bị lọc nước cho các địa phương, hay hoạt động hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân ĐBSCL bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 hay hỗ trợ máy lọc nước cho 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liệu chuẩn bị ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn năm 2023.
Bên cạnh đó, bà Miller cũng rất chú trọng để chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao kiến thức và kỹ năng về phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho trẻ em, gia đình và cộng đồng thông qua các chiến lược truyền thông sáng tạo thu hút hàng triệu trẻ em và cộng đồng tham gia. Các hoạt động được xây dựng phù hợp với lứa tuổi, hình thức đa dạng được các em yêu thích, đây cũng là thế mạnh của UNICEF.
Không chỉ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đối với lĩnh vực phát triển, xây dựng nông thôn mới bền vững, thông qua sự chỉ đạo của bà, UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thông qua vận động chính sách, huy động nguồn lực cho cải thiện nước sạch và vệ sinh ở cấp trung ương và cấp tỉnh nhằm đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn cho mọi người dân, đặc biệt ưu tiên hộ nghèo, phụ nữ và trẻ em tại vùng sâu, vùng khó khăn.
Các hoạt động nhằm nâng cao khả năng chống chịu của người dân liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như dự phòng các tình huống thiên tai khẩn cấp; ứng dụng các công nghệ hiện đại, thông minh với giá thành hợp lý, tạo cơ hội cho trẻ em và người dân tiếp cận nước sạch và vệ sinh, nhất là ở các trường học. Truyền thông, vận động công chúng, qua đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và trẻ em để họ có thói quen lành mạnh và nhu cầu sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, đặc biệt liên quan cho phụ nữ và trẻ em gái.
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức của thiên tai và biến đổi khí hậu, thông qua UNICEF và những nỗ lực cá nhân, đẫ có những đóng góp đáng kể đối với nhiều lĩnh vực, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam, góp phần ứng phó hiệu quả với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, bà Lesley Miller ghi nhận mối quan hệ hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và UNICEF cũng như cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện phúc lợi trẻ em ở Việt Nam. Trong hơn sáu năm, hai bên đã hợp tác trong nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm các dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai, nước và vệ sinh. Bà Miller chia sẻ rằng, kinh nghiệm từ các sự kiện thời tiết lớn như lũ lụt ở miền Trung năm 2020 và các tình huống khẩn cấp khác là minh chứng cho tầm quan trọng của việc học hỏi và cải thiện từ mỗi trải nghiệm để tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó.
Đại diện UNICEF cũng đánh giá cao sự phối hợp của Cơ quan quản lý thiên tai cấp tỉnh, đồng thời đề cập đến các dự án đổi mới gần đây như Nước sạch và vệ sinh môi trường (WASH). Bà Miller kỳ vọng hai bên sẽ tiếp tục làm việc và phối hợp để thúc đẩy hiệu quả các dự án, mang lại phúc lợi cho người dân.
Đề nghị UNICEF hỗ trợ xây dựng quy trình quản lý, vận hành kho hàng cứu trợ
Vừa qua, từ ngày 27 - 30/5, nhận lời mời của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại Thụy Điển và Đan Mạch. Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn công tác gặp gỡ và có cuộc họp với Viện Môi trường Stockholm (SEI), Thụy Điển.
Tiếp và làm việc với đoàn có bà Marie Jurisoo - Giám đốc và các cán bộ nghiên cứu của Viện. Hai bên đã trao đổi chia sẻ những vấn đề về khí hậu, nguồn nước, không khí và sử dụng đất, quản trị, kinh tế, giới và sức khỏe; đồng thời nêu những vấn đề quan tâm của hai bên hiện nay và định hướng cho tương lai. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đã đề nghị phía Thụy Điển tiếp tục hợp tác trên trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đặc biệt là trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đối với đời sống của bà con Việt Nam, Bộ NN-PTNT mong muốn Viện Môi trường Stockholm chia sẻ các nghiên cứu liên quan đến hành động sớm, quản lý lũ xuyên biên giới. Tiếp đó, đoàn làm việc với Cơ quan quản lý khủng hoảng của Đan Mạch (DEMA) thuộc Bộ Quốc phòng để thảo luận về tiềm năng hợp tác, chia sẻ cơ cấu tổ chức, hoạt động, điều hành của 2 bên.
Tại cuộc họp, Bộ NN-PTNT và DEMA thống nhất sẽ chia sẻ mô hình quản lý tình huống khẩn cấp của Đan Mạch, đồng thời đẩy mạnh hợp tác song phương trong cứu trợ khẩn cấp. Điểm cuối cùng của chuyến công tác là Trung tâm Cung ứng và Hậu cần Toàn cầu của UNICEF (Kho hàng cứu trợ khẩn cấp của UNICEF tại Copenhagen).
Tại đây, đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã quan sát và tìm hiểu về hệ thống quản lý kho hàng, bao gồm quản lý hàng trong kho, mua sắm và phân phối vật tư và thiết bị khẩn cấp. Đại diện Bộ NN-PTNT lắng nghe chia sẻ các nỗ lực ứng phó khẩn cấp toàn cầu của UNICEF, bao gồm cách UNICEF quản lý, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trên toàn thế giới, đặc biệt là trong vấn đề cứu trợ khẩn cấp. Đồng thời, thông qua cuộc họp với đại diện Văn phòng Đổi mới Toàn cầu của UNICEF, các đại biểu thảo luận về các chương trình hợp tác tiềm năng về biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã đề nghị UNICEF chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình thành công về xây dựng kho hàng cứu trợ của UNICEF tại các quốc gia khác trên thế giới để Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng. Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng quy trình quản lý, vận hành kho hàng cứu trợ, để đảm bảo hàng cứu trợ được quản lý hiệu quả và đến được với người dân bị ảnh hưởng trong vòng 24 giờ.