Đề nghị điều chỉnh cơ chế để gỡ khó cho báo chí
Ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng ký văn bản số 5899 gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập khối cơ quan báo chí.
Theo Bộ TT-TT, trên thực tiễn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ và phản ánh, kiến nghị của nhiều cơ quan báo chí cho thấy đang tồn tại những những khó khăn, vướng mắc trong các quy định liên quan tới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021), cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) (NĐ số 32/2019), quy định chi tiết thi hành Luật giá (quy định về giá dịch vụ sự nghiệp công) và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí.
Bộ TT-TT đề nghị sửa đổi bổ sung quy định về thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do chưa có các quy định thống nhất hoặc chưa cụ thể về lộ trình thực hiện.
Cụ thể: Điểm a khoản 2 Điều 5 quy định, đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật vệ giá. Tuy nhiên, điểm b khoản 2, Điều 9 của Nghị định đã quy định đơn vị sự nghiệp Nhóm 2 (tự chủ kinh phí chi thường xuyên) cung cấp dịch vụ công thông qua đấu giá chưa tính đủ chi phí khấu hao. Quy định này khó áp dụng trong thực tế khi lập dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Khoản 3 Điều 9 quy định đơn vị sự nghiệp Nhóm 3 (tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên) được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí…” nhưng chưa quy định khoản chi phí nào chưa được tính vào giá để có căn cứ thực hiện, nhất là chưa khả thi khi thực hiện theo phương thức đấu thầu.
Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có quy định thống nhất về lộ trình tính đủ giá sản phẩm, dịch vụ công; đề nghị cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ lĩnh vực báo chí truyền thông, không phân biệt đơn vị có mức độ tự chủ khác nhau để hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản chủ động về nguồn tái đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoài ra, đề nghị làm rõ đơn vị Nhóm 4 (có nguồn thu sự nghiệp dưới 10%) có được đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công hay không để thống nhất thực hiện.
Thứ hai, đề nghị bổ sung, phân loại rõ nguồn tài chính đơn vị được tự chủ. Nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ tài chính đang quy định tại các Điều 11, 15 của Nghị định 60 chưa phân loại phù hợp theo tính chất về nguồn tài chính của đơn vị, chưa quy định nguồn tài chính được tự chủ trong việc khai thác và sử dụng, nguồn tài chính không tự chủ của đơn vị.
Để thống nhất trong quản lý, hạch toán, xác định kết quả tài chính đúng với thực tế hoạt động, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, quy định, phân loại nguồn tài chính của đơn vị theo tính chất nguồn tài chính (nguồn NSNN, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, liên doanh, liên kết; thu từ cho thuê tài sản; thu từ tài trợ, viện trợ…) đồng thời làm rõ nguồn tài chính được tự chủ (bao gồm nguồn NSNN quản lý theo phương thức đặt hàng, đấu thầu); nguồn tài chính không được tự chủ; nhiệm vụ chi thực hiện từ nguồn kinh phí tự chủ, nhuêmj vụ chi từ nguồn không tự chủ… từ đó có hướng dẫn cụ thể việc xác định kết quả tài chính cho phù hợp.
Thứ ba, đề nghị điều chỉnh quy định về quản lý nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương.
Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập là các cơ quan báo chí có nguồn kinh phí cải cách tiền lương nhưng chưa có nhu cầu hoặc sử dụng không hết, trong khi nguồn thu hoạt động sự nghiệp, quảng cáo, trao đổi bản quyền… giảm sút. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện quy định về trích lập và sử dụng nguồn cải cách tiền lương, giảm mức trích lập nguồn cải cách tiền lương (nhất là đối với đơn vị Nhóm 1, Nhóm 2); cho các cơ quan báo chí được chủ động sử dụng nguồn kinh phí này khi chưa sử dụng, không sử dụng hết để đảm bảo ổn định thu nhập cho người lao động và hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở đơn vị tự đảm bảo nguồn chi.
Đề nghị bổ sung vào NĐ 60 hoặc văn bản hướng dẫ về nguyên tắc phân bổ, hạch toán chi phí cho các đơn vị sự nghiệp, cơ quan báo chí có nhiều hoạt động sử dụng NSNN, nhiều hoạt động kinh doan, dịch vụ để thống nhất áp dụng; bổ sung hướng dẫn chi tiết việc xây dựng Đề án và tổ chức thực hiện trong hoạt động liên doanh, liên kết để các đơn vị thực hiện.
Điều chỉnh cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu…
Theo Bộ TT-TT, trên thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập có mức độ tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên (Nhóm 1), đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (Nhóm 2) nếu tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ theo quy định tại NĐ 60/2021; NĐ 32/2019 là không phù hợp với thực tế của các đơn vị. Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi cho phép việc xác định chi phí tiền lương trong giá đặt hàng đối với các đơn vị Nhóm 1, Nhóm 2.
Đối với các đơn vị đã được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đơn giá tiền lương theo thực tế ba năm liền kề của đơn vị khi lập phương án giá dịch vụ. Đối với đơn vị chưa được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ được tính theo chi phí tiền lương bình quân theo thực tế 3 năm liền kề.
Bộ TT-TT cho rằng, việc sửa đổi trên cũng đảm bảo sự thống nhất về tính chi phí tiền lương trong đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công giữa đơn vị đã có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn vị chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật; phù hợp với việc thực hiện cơ chế tiền lương như doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập Nhóm 1, Nhóm 2 (theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương).
Đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN do cơ quan chủ quản đặt hàng; xem xét hướng dẫn, về điều kiện đặt hàng; sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục đặt hàng dịch vụ công.
Về phương thức quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành, đề nghị Bộ tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định nhiệm vụ các Bộ được ban hành văn bản hướng dẫn phương pháp xây dựng, ban hành tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, phương pháp xây dựng, trình tự ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí hoặc có thể ban hành định mức cụ thể theo yêu cầu quản lý thực tế ngành, lĩnh vực.
Trường hợp Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ba hành văn bản hướng dẫn thì công tác xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí cụ thể sẽ do các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức xây dựng theo hướng dẫn để áp dụng trong phạm vi quản lý đối với đơn vị trực thuộc. Lý do: dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là báo chí, truyền thông có tính đặc thù (hao phí về lao động, vật tư, sử dụng tài sản phụ thuộc nhiều vào điều kiện trang bị cơ sở vật chất, trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, điều kiện vùng miền… dẫn đến năng suất lao động thực tế rất khác nhau).
Ngoài các nội dung trên, Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về giá, chính sách thuế, kiến nghị về bố trí kinh phí hoạt động mua sắm trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp của đơn vị báo chí.