Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề trên, tại Hội thảo Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022 diễn ra vừa qua, với tư cách là một diễn giả.
Covid-19 phơi bày rõ hơn vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp
Bộ trưởng Lê Minh Hoan vừa trở về Hà Nội sau chuyến công tác tại ĐBSCL. Trao đổi với lãnh đạo địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hai chuỗi thuỷ sản chủ lực là tôm và cá tra, ông thấm thía sâu sắc hơn những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp và người dân vùng đất “Chín rồng” đang gặp phải.
“Quãng thời gian vừa rồi chúng ta bị hụt hơi, chúng ta mất đà tăng trưởng và thậm chí bị tụt lại”, tuy nhiên, "Tư lệnh” ngành nông nghiệp cho rằng: “Đại dịch Covid-19 chỉ là tác nhân làm nghiệt ngã thêm, trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế - xã hội mà ĐBSCL đã đối mặt trong nhiều năm qua”.
Bởi, trước khi đại dịch ập đến thì câu chuyện được mùa mất giá đã diễn ra dai dẳng nhiều năm rồi. Chắc chắn, khi chúng ta có đầy đủ vacxin, dịch Covid sẽ được kiểm soát. Chúng ta rồi sẽ lấy lại được những gì đã mất, khôi phục đà tăng trưởng... Nhưng, nếu nhìn xa hơn, ở góc độ mới hơn, chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp ĐBSCL và nông nghiệp cả nước. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.
Vừa qua, lần đầu tiên trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ một cụm từ mà tôi rất tâm đắc, đó là “kiến tạo không gian phát triển kinh tế”. Trước giờ chúng ta hay nói tới “liên kết vùng”, nhưng tôi nghĩ rằng nếu chỉ nói như vậy là chưa đủ.
Không đơn thuần là chuyện chúng liên kết 13 mảnh ghép (13 tỉnh ĐBSCL - PV) rời nhau, kéo sát các địa phương lại gần nhau. Và, thực tế, là chúng ta vẫn lúng túng trong thể chế điều hành liên kết vùng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích thêm: Nếu chúng ta chỉ thống kê trong từng tỉnh một, tỉnh tôi có mấy trăm ngàn hecta lúa, mấy chục nghìn hecta thuỷ sản, bao nhiêu hecta trồng cây ăn trái thì bản chất nó không phải là kinh tế. Bởi khi nào con cá đang nằm dưới ao, trái còn treo trên cành cây thì nó mới chỉ là sản lượng.
Chỉ khi nào con cá, hạt lúa, trái cây đến được với thị trường, đó mới là giá trị gia tăng. Muốn đến được thị trường thì phải thông qua hệ thống thương lái, doanh nghiệp, qua các xưởng, nhà máy sơ chế, tinh chế, chế biến. Như vậy nó mới là một không gian kinh tế, chứ không phải là mảnh ghép thuần tuý.
Từ tư duy liên kết vùng sang tư duy kiến tạo không gian phát triển
Ông lấy ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất cá giống ở Long An nhưng thị trường của họ là 7 tỉnh ĐBSCL. Chuỗi ngành hàng (hay không gian phát triển ngành hàng) cá tra cũng giống như tất cả các ngành hàng nông sản khác, nó như một ma trận phủ khắp ĐBSCL, nó chạy chi chít từ đồng ruộng tới ao nuôi, đến nhà máy, rồi từ nhà máy đến TP Hồ Chí Minh, từ Sài Gòn đi cả nước hoặc được chất vào container để xuất khẩu. Do đó, đứt một khâu nào thì toàn bộ hệ thống sẽ phải nằm im.
“Trước khi chúng ta nói chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thì nó đã đứt gãy ngay trong chuỗi nội địa rồi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chúng ta nên tư duy lại không gian phát triển kinh tế vùng. Bởi cho dù không có Covid-19, không có “luồng xanh”, “luồng đỏ” hay “pháo đài” thì từ xưa đến giờ chung ta vẫn tư duy theo xã, tư duy theo huyện, tư duy theo tỉnh. Trong khi đó, chuỗi giá trị của các ngành hàng mới là mục tiêu chúng tha theo đuổi.
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, muốn kiến tạo được không gian phát triển kinh tế, thay vì tư duy “nhà nước kiểm soát, doanh nghiệp tuân thủ”, thì hai bên cùng ngồi lại với nhau để tạo ra không gian hoạt động cho các nhà máy, để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nếu chỉ một bên kiểm soát, một bên tuân thủ thì kết quả sẽ khác đi.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp phải bền chặt hơn chứ không phải theo mùa vụ. Nếu vấn đề này không được khắc phục thì nó sẽ kéo theo câu chuyện mù mờ, câu chuyện lòng tin, câu chuyện thị trường thiếu bền vững.
“Sau chuyến đi miền Tây vừa rồi, tôi có niềm tin rằng tiềm năng, dư địa phát triển của các chuỗi giá trị nông sản còn rất lớn. Vấn đề là cách hành xử của lãnh đạo địa phương”. Chúng ta đã vượt qua, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm từ lúc xảy ra đại dịch đến thời điểm này. Do đó, chúng ta cần bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn, khôn khéo hơn và linh hoạt hơn.
Lúc này, lãnh đạo các địa phương cùng doanh nghiệp cần ngồi đối thoại để kiến tạo không gian phát triển. Hãy bắt đầu từ không gian nhỏ là khôi phục hoạt động từng nhà máy, rồi đến không gian lớn hơn là khôi phục chuỗi ngành hàng và một không gian lớn hơn nữa là phát triển toàn vùng. Đây là việc rất lớn.
Chữ “xanh” sẽ điều chỉnh định hướng phát triển nông nghiệp
Nhớ lại chuyến công tác Châu Âu cùng đoàn với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận thấy, ở góc độ thị trường, tuy chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bộ NN-PTNT đang xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Và, “tăng trưởng xanh”, “kinh tế xanh”, “tiêu dùng xanh”... là những cụm từ thường xuyên được nhắc tới trong các buổi hội đàm của Chủ tịch Quốc hội với Nghị viện Châu Âu hay các Chính phủ trong đoàn công tác vừa rồi.
“Khi chúng ta vận hành theo nền kinh tế thị trường toàn cầu, thì chữ “xanh” đó phải chăng là sự điều chỉnh lại cho toàn bộ định hướng phát triển nông nghiệp của chúng ta, chứ không phải tăng trưởng dựa trên sản lượng (?) Như vậy thì chúng ta còn dư địa rất nhiều”, ông Hoan nói.
Bên cạnh đó, bây giờ các quốc gia đã tăng trưởng dựa trên sự tích hợp đa giá trị và tích hợp liên ngành rồi.
“Những mô hình lúa - cá, lúa - tôm mà tôi được thấy ở Hậu Giang, phải chăng là chỉ dẫn, chỉ dấu cho chúng ta thấy rằng thực tế bà con nông dân và ở các địa phương đã bắt đầu có những mô hình thay đổi, điều chỉnh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận thấy.
Riêng đối với ĐBSCL, “Tư lệnh” ngành nông nghiệp cho biết, Bộ đang đặt trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn. Bởi kinh tế nông thôn tạo nhiều công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở các vùng quê. Đó có thể là những chuỗi ngành hàng nho nhỏ ở nông thôn từ chế biến, sơ chế, hoặc tạo ra sản phẩm từ chương trình OCOP cấp xã, huyện, liên huyện... Những hệ thống như vậy sẽ kích hoạt được mô hình kinh tế nông thôn.
Để đeo đuổi mục tiêu này, ngoài việc lồng ghép các nội dung vào chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ NN-PTNT đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức, nhà tài trợ để làm sao xây dựng được một hệ thống logistics ở cấp độ nhỏ cho nông nghiệp và nông thôn.
Đó là những kho bảo quản, kho lạnh, xưởng sơ chế nhỏ... để bà con có thể giữ được nông sản tươi thời gian lâu hơn, hoặc tạo ra các sản phẩm tiêu dùng nội địa...
Như vậy, chúng ta không chỉ chia sẻ, hỗ trợ người nông dân khi xảy ra các “biến” lớn của thời đại (biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng), mà bản biến cố là cơ hội để bà con tạo giá trị gia tăng từ các hoạt động phi nông nghiệp.