| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người

Thứ Ba 31/08/2021 , 07:57 (GMT+7)

Sáng 31/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Diễn đàn còn có sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố...

NỘI DUNG CHÍNH

Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định

Tiền đề để ngành nông nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số

Khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm

Tập hợp Big Data về thị trường nông sản trên Báo Nông nghiệp Việt Nam

5 vấn đề cần tháo gỡ để kết nối thành công

Cần thông tin thông suốt giữa cung – cầu

Mục đích của Diễn đàn là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.

Tất cảTổng thuật

11h30

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người

bo truong 1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh.

Thay mặt Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời cảm ơn đến các thành viên Tổ công tác 970. Bộ trưởng cho biết, khi Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Tổ công tác 970 vào nhận nhiệm vụ trong miền Nam, Bộ NN-PTNT sớm xác định ưu tiên số một là đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản của các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, qua quá trình công tác thực tế, Bộ NN-PTNT sẽ tranh thủ quan sát từ sản xuất, cung ứng đến vận hành thị trường. Từ đó, ngành nông nghiệp sẽ nảy sinh những ý tưởng về điều hành, quản lý nông nghiệp.

Cho đi rồi sẽ nhận lại. Tạo hạnh phúc cho người nông dân, chúng ta sẽ nhận được nụ cười mỗi tối trước khi đi ngủ. Bên cạnh Tổ công tác 970, tôi cũng gửi lời tri ân đến các đơn vị liên quan đã tham gia vận hành cùng Tổ công tác, để tạo ra một diễn đàn đặc biệt, giàu cảm xúc như sáng nay.

"Thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế của thời đại công nghệ 4.0. Tôi tin rằng, diễn đàn này khác biệt với các trang TMĐT hiện tại. Nó nằm ở chiều sâu, không chỉ dừng ở thời điểm dịch bệnh hiện tại, mà còn tồn tại, song hành với quá trình vận hành của nền nông nghiệp Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Với sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, chúng ta hy vọng sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng dựa trên đơn giá trị thành đa giá trị, đồng thời lấy thị trường làm chuẩn mực cho điều hành sản xuất, quản lý.

Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản không đơn thuần là giúp doanh nghiệp tìm được nguồn hàng, mà còn giúp các cơ quan nhà nước thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo điều hành từ địa phương cho đến cả nước. Trên cơ sở ấy, ngành nông nghiệp sẽ có những việc làm sát ruộng vườn của bà con, sát với đời sống xã hội nông thôn. Đó chính là ý nghĩa của việc kích hoạt toàn bộ xã hội.

Một trong những thành công của Tổ công tác 970 thời gian qua, là sáng kiến thành lập túi nông sản 10kg. Nếu lấy sản lượng để so sánh, chừng ấy chưa thấm gì so với tổng cung – cầu của nông sản miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, ý tưởng ấy sẽ tạo ra làn sóng, khơi dậy một phương thức kinh doanh mới. Nó gợi mở những cách thức vận hành đời sống theo cách khác, không chỉ bởi dịch bệnh, mà cao hơn là thích nghi với cuộc cách mạng 4.0, cách mạng chuyển đổi số đang len vào từng ngõ ngách cuộc sống.

Vai trò kết nối thông tin, dữ liệu giữa người sản xuất và tiêu thụ trên thị trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đó lại là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp, khi hầu hết chúng ta đều mù mờ về thông tin, dữ liệu, hai bên mua bán không gặp nhau từ kết nối, chất lượng, đến giá cả. Đây là lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, để cùng nhau vượt qua.

Qua diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản hôm nay, chúng ta cần bắt tay sớm vào công việc. Thứ nhất, chúng ta cần một suy nghĩ, một hành động khác để tạo ra một kết quả khác. Trong hôm nay, kết quả ấy hội tụ vào việc tạo ra diễn đàn này. Đó là một giá trị lớn, khác hẳn với các sàn TMĐT hiện có.

Nhiệm vụ sắp tới, là không chỉ dừng các kết quả ở miền Nam, không thể hài lòng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, mà cần nhân rộng mô hình ra cả nước. Nếu như trước đây, nhắc đến nông sản là người ta nghĩ đến giải cứu, giờ chúng ta phải thay đổi. Nông sản là phải nâng niu. Tất cả, từ người sản xuất, tiêu dùng, đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng thay đổi, để thay đổi, phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản

Thứ hai, là thông qua diễn đàn, chúng ta sẽ hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp. Mọi thành viên phải quần tụ, để bổ sung sức mạnh lẫn nhau, cùng chung tay về nông sản, nông dân Việt. Tôi tin, không gì chúng ta không làm được, nếu có một sản phẩm đảm bảo từ chất lượng, giới thiệu đến quảng bá hình ảnh.

Thứ ba, là kích hoạt tư duy của tam giác phát triển: Nhà nước – thị trường – xã hội. Trong đó, cơ quan quản lý, các ngành hàng, và người nông dân sẽ là chỗ dựa, giúp kết nối phát triển nền nông nghiệp.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý, rằng tinh thần hợp tác công tư, không chỉ dừng ở khía cạnh nguồn vốn, mà còn bao hàm cả những  ý tưởng, sáng kiến. Làm sao để chúng ta kết hợp, hội tụ được nhiều ý kiến, để nguồn lực ấy không chỉ dừng ở ngân sách Chính phủ cấp cho Bộ NN-PTNT, mà còn nằm ở xã hội, ở người nông dân.

Toàn văn phát biểu kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại diễn đàn.

Thứ tư, là tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Chỉ khi nào chuyển biến triệt để vấn đề này, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị giá tăng. Một suy nghĩ nữa cần thay đổi, là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh đứt gãy hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao. Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh.

Tôi coi diễn đàn như một nơi thu thập ý kiến của doanh nghiệp. Qua đó, Bộ NN-PTNT có thể nghiên cứu sâu thêm về các chuỗi giá trị, như hệ thống kho vận, logistics, đồng thời nghiên cứu sâu thêm về phát triển thị trường nội địa. Trước đây, chúng ta chỉ nghĩ đến xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng giờ hợp tác công tư còn phải tận dụng cả năng lực sẳn xuất của nông dân để phát triển thị trường.

Thứ năm, là tích hợp thêm giá trị vào nông sản Việt, vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Chúng ta cần chuyển từ nông sản hữu hình đến các giá trị vô hình như văn hóa, lịch sử, hay những câu chuyện kể về nông sản. Lấy đó làm những động lực mới, tư tưởng mới cho người nông dân.

Thứ sáu, là tạo thị trường thông suốt từ Bắc - Nam, tạo thuận lợi luân chuyển vùng miền, trải rộng vùng không gian phát triển sang thị trường 100 triệu dân. Làm thế nào để kích hoạt dòng chảy nông sản, tạo ra cú hích cho những sản phẩm chất lượng như OCOP.

"Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người. Chúng ta cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt. Đó là giá trị chiều sâu của diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản này, cũng là phương hướng chúng ta phải đi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.

11h20

Tiền đề để ngành nông nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số

thu truong tien

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định Bộ NN-PTNT rất nhạy bén để có những hành động kịp thời, quyết liệt.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định trước những bối cảnh, tình thế mà dịch Covid-19 làm xáo trộn quy trình sản xuất tiêu thụ, năng lực phản ứng của Bộ NN-PTNT rất nhạy bén để có những hành động kịp thời, quyết liệt.

“Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã thành lập 2 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, cung ứng nông sản phía Nam và phía Bắc. Tổ công tác 970 phía Nam của Bộ đã chỉ đạo, hành động quyết liệt, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, đảm bảo nhu cầu của người dân các tỉnh thành phía Nam trong điều kiện dịch bệnh phức tạp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng cho rằng đó là tiền đề để ngành nông nghiệp nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh mới. Qua đó công tác sản xuất hàng hóa quy mô cao được đẩy nhanh, nâng cao giá trị nông sản, khơi thông chuỗi cung ứng kép: chuỗi trong nước và chuỗi quốc tế.

11h10

Khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm

thu truong Doanh

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kêu gọi xây dựng diễn đàn kết nối thành kênh hiệu quả.

Mở đầu phần phát biểu của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết ông đánh giá rất cao ý tưởng của Tổ công tác 970, nay ý tưởng này đã trở thành đề cương hoạt động. Dù Tổ công tác phải hoạt động trong vùng rất khó khăn, nhưng nay đã đưa ý tưởng vào thực hiện rất hiệu quả. Thứ trưởng Doanh đề nghị tiếp tục duy trì ý tưởng này, vừa kết nối, vừa xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

“Xu thế này là tất yếu”, ông Doanh khẳng định. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng “vạn sự khởi đầu nan”, song cần vừa làm vừa hoàn thiện. Vì việc kết nối nông sản vừa phục vụ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất, khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm, lấy người dân làm trung tâm như chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

“Không chỉ là giá trị đơn thuần của sản phẩm, nó còn mang giá trị nhân văn, lịch sử. Chúng ta cần cố gắng xây dựng diễn đàn này thành kênh hiệu quả”, Thứ trưởng Doanh cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn.

11h00

5 vấn đề cần tháo gỡ để kết nối thành công

nguyen hoang anh

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam Nguyễn Hoàng Anh đưa ra 5 đề xuất để kết nối thành công.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định: Trong tương lai, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng sẽ gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào, từ đó dẫn đến ngưng sản xuất hoặc sản xuất thiếu chất lượng.

“Qua theo dõi quá trình điều hành năng động, qua quyết tâm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tôi thấu hiểu và tâm đắc những quan điểm của Bộ trưởng để thúc đẩy giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nền nông nghiệp Việt Nam. Trong đó làm sao về lâu dài, chúng ta có những giải pháp thiết thực, nhất là thay đổi từ nhận thức, tư duy để phục vụ cho kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, đảm bảo giá trị hàng hoá, quy mô hàng hoá, đảm bảo chuỗi cung ứng, phân chia lợi ích từ người nông dân đến chuỗi thương mại”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Để sự kết nối thành công, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đưa ra 5 đề xuất.

Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo để xác định một đầu mối xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể.

Thứ hai, chọn các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành để hưởng ứng khi có Bộ khung quy tắc này.

Thứ ba, chọn các sản phẩm đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại.

Thứ tư, nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sản xuất sản phẩm của các ngành hàng hoặc xã hội hoá theo hình thức PPP; giao tổ chức, hiệp hội ngành hàng quản trị những nội dung cụ thể (như quản trị hạn ngạch, quản trị tiêu chuẩn, quản trị chất lượng, quản trị sản lượng đối với từng sản phẩm, ngành hàng).

Thứ năm, cần tạo và hỗ trợ công tác truyền thông mạnh mẽ để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng ra thị trường mở. Cơ quan đầu mối quản lý ngành hàng luôn theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá, xây dựng kế hoạch thực thi chính sách pháp luật; tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển từng sản phẩm, ngành hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, những nội dung trên hết sức cần thiết và được xem như mơ ước trong toàn ngành sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng, hướng đến sự cạnh tranh, hội nhập và sự phát triển bền vững.

“Tôi mong rằng sau hội nghị này, chúng ta sẽ có sự kết nối, sẽ nhìn thấy được sản phẩm kết nối thiết thực và bền vững trong tương lai”, ông chia sẻ.

10h50

Kon Tum có thể cung cấp khoảng 100 tấn nông sản/tháng

Là một trong số ít những tỉnh chưa phát hiện ca dương tính Covid-19 nào trong cộng đồng, Kon Tum vừa duy trì được các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản, vừa chuyên chở được hàng cứu trợ về TP. HCM, Bình Dương và một số tỉnh thành phía Nam.

Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kon Tum cho biết, ngay từ khi Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT được thành lập, UBND tỉnh đã chỉ đạo và thành lập một Tổ công tác của tỉnh. Tổ này có sự tham gia của Sở NN-PTNT, Sở Công thương, một số đơn vị liên quan, và lãnh đạo các huyện, thị xã trên địa bàn.

Nhiệm vụ của Tổ công tác Kon Tum, là kết nối cung ứng, sản xuất nông nghiệp nội tại, đồng thời kết nối thường xuyên với Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT. Qua đó, Tổ sẽ kết nối thông tin cung – cầu với thị trường nông sản, nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm trong điều kiện giãn cách xã hội.

Ngoài kết nối nông sản, Tổ công tác Kon Tum cũng phân công cho mỗi thành viên nắm vững thông tin mùa vụ, qua đó đảm bảo được nguồn vật tư nông nghiệp đầu vào, đề phòng những tình huống khó khăn mà tỉnh có thể đương đầu.

Về gói combo nông sản 10kg, theo sáng kiến của Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, Kon Tum đã chuẩn bị các sản phẩm như gạo, thịt, rau quả… đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh khẳng định, sẵn sàng tham gia cung ứng cho thị trường phía Nam.

“Hiện Kon Tum có thể cung cấp khoảng 2-3 chuyến/ngày, mỗi chuyến chở 10 tấn nông sản. Như vậy, một tháng Kon Tum có thể cung cấp khoảng 10.000 gói combo, sản lượng 100 tấn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng liên kết với các HTX cung ứng rau, thịt”, ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, Kon Tum có lợi thế về sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt là các loại: sắn, cà phê, cao su, cây dược liệu, và cây ăn quả.

Nhằm phát triển hơn nữa ngành nông nghiệp, ông Liêm đề xuất hai việc. Một, là về các sản phẩm OCOP. Hiện tỉnh có 88 sản phẩm OCOP 3 và 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao về cà phê. Do dịch bệnh, các sản phẩm OCOP tiêu thụ hạn chế, hoạt động của HTX bị ảnh hưởng, gián đoạn. Do đó, ông Liêm mong Bộ NN-PTNT tạo điều kiện để các sản phẩm của Kon Tum, nhất là cây dược liệu được đến mọi miền Tổ quốc.

Hai, là do khoảng cách địa lý giữa Kon Tum và TP. HCM, ông Liêm mong muốn, tỉnh có thể được cung cấp bao bì để đóng gói các combo nông sản.

“Chúng tôi đánh giá cao sự ra đời kịp thời của diễn đàn kết nối sản xuất tiêu thụ. Hy vọng diễn đàn không những đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho các tỉnh phía Nam trong bối cảnh giãn cách xã hội do Covid-19, mà còn được duy trì để nâng cao, giúp doanh nghiệp, người nông dân, cơ quan quản lý để kết nối các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên”, ông Liêm nhấn mạnh.

10h30

Kiên Giang kiến nghị đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ qua các trang thông tin

Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, tỉnh này bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 19/7. Ngay lập tức, tỉnh đã thành lập tổ chỉ đạo sản xuất kết nối tiêu thụ nông sản. Cho đến nay đã tiêu thụ khoảng 415.000 tấn nông sản, qua đó kết nối tiêu thụ khoảng 65% sản lượng cho thị trường trong tỉnh, phối hợp với CDC các tỉnh và Tổ công tác 970 kết nối tiêu thụ 35% cho thị trường các tỉnh khác.

“Thông qua việc đồng hành với các HTX, các doanh nghiệp để gom nông sản phân phối tiêu thụ trong tỉnh và phối hợp với Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNNT để phân phối tới các tỉnh khác, tỉnh Kiên Giang đánh giá hoạt động kết nối tiêu thụ rất hiệu quả”, ông Toàn nhận định.

Thông qua diễn đàn, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đề nghị thời gian tới các địa phương phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh kết nối chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản qua các trang thông tin.

10h00

Có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng tôm

“Biện pháp của tỉnh là siết chặt vòng biên giới, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất bên trong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn ra mỗi lúc một khác, có lúc diễn biến rất nhanh.

Mối nguy có thể đến từ nhiều phía. Nguồn lây đến từ chuỗi cung ứng cũng rất đáng lo ngại. Về lực lượng tài xế, có tỷ lệ khá nhiều tài xế, người vận chuyển hàng hóa được xét nghiệm âm tính trong 3 ngày, song lại vẫn bị bệnh và gây ổ dịch trong cộng đồng”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mở lời.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, có lúc, tỉnh phải thay đổi biện pháp quản lý. Sự thay đổi này tác động từng lúc đến hoạt động sản xuất, thậm chí có lúc rất khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

“Đến nay, chúng tôi đã tổ chức cho gần 40 doanh nghiệp chế biến nông sản với gần 10.000 công nhân. Tổng số công nhân của Cà Mau là 40.000 người, hoạt động trong các khu công nghiệp. Từ đó, có thể thấy khâu sản xuất đang bị giảm mức độ. Lúa hè thu đã thu hoạch được 1/3 diện tích. Việc thu hoạch, vận chuyển, do đã có sự chuẩn bị sớm với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, do đó không gặp khó khăn đáng kể”, ông Sử chia sẻ thông tin.

tom ca mau

Dịch bệnh ảnh hưởng khiến tôm Cà Mau giảm giá sâu (Ảnh minh họa).

Tỉnh Cà Mau nhận định hoạt động kết nối cung cầu, với sự hỗ trợ của các tỉnh, đặc biệt là Tổ công tác 970, tỉnh đã tiêu thụ được lượng nông sản nhất định. Cụ thể là hơn 4.000 tấn nông sản các loại. Có thể nói, diễn đàn tạo điều kiện tháo gỡ khá nhiều cho sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, số nông sản đã tiêu thụ được còn khiêm tốn so với lượng do nông dân sản xuất ra.

“Do đó, chúng ta cần nỗ lực hơn trong thời gian tới. Chung quy các khó khăn đều tác động đến đầu ra của sản phẩm. Nhìn vào giá đầu ra, chúng ta suy ra được sự tác động này là thế nào. Ví dụ như tôm Cà Mau giảm từ 8.000-23.000 đ/kg. Các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu. Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở”, ông Sử bày tỏ lo ngại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết khai thác hải sản đang chịu ảnh hưởng từ đất liền. Mực tươi, mực khô các loại giảm 30% giá. Cá ngoài chợ giảm từ 20-29%. Nhìn vào đây, có thể thấy dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân.

Ông Sử chia sẻ, tỉnh Cà Mau ưu tiên cho phòng chống dịch, trên cơ sở đó, căn cứ tình hình để tạo điều kiện cho sản xuất. “Thật ra, khi áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch, nhiều người kêu. Có những trường hợp rất đáng thương. Tuy nhiên, việc mở ra cũng phải căn cứ tình hình, vì nếu mở ra mà gây dịch bệnh tràn lan thì mọi hoạt động đều không có ý nghĩa gì”, ông Sử nói.

Đánh giá chung tình hình, đặc biệt là khâu kết nối nông sản, ông Sử cho rằng giai đoạn đầu có thể còn bỡ ngỡ, rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước.

“Sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT rất hiệu quả. Chúng tôi kiến nghị thường xuyên có những diễn đàn như hôm nay. Trong phạm vi trách nhiệm, khả năng của địa phương, chúng tôi vẫn đang gắng hết mình. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người dân thông qua doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ, thì họ sẽ duy trì kết nối được với nông dân, tránh gãy đổ chuỗi sản xuất”, ông Sử phát biểu.

Ông Sử nêu ví dụ về Tập đoàn Lộc Trời đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất, hỗ trợ lợi nhuận sau mỗi vụ. Như vậy, người dân yên tâm không bị mất lợi nhuận, coi như đã được doanh nghiệp bảo hiểm.

“Người dân không phải lo chi phí sản xuất, thì chính quyền, ngân hàng không phải lo cho người dân vay, chỉ cần cho doanh nghiệp vay. Tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm đến mô hình này. Thay vì lo cho từng hộ nông dân vay vốn, thì chỉ cần cho doanh nghiệp vay vốn”, ông Sử đề xuất giải pháp.

Lắng nghe phát biểu của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết việc kết nối do người nông dân quyết định, mô hình Lộc Trời “sẽ được tham khảo”. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho rằng chính quyền cùng doanh nghiệp cùng kiến tạo, để dung hòa. Doanh nghiệp nào có điều kiện cho hoạt động trước, chưa điều kiện thì tìm cách bổ sung, ví dụ như thuê bộ phận y tế tư nhân cùng vận hành.

“CDC địa phương nên cùng ngồi với doanh nghiệp để đưa ra phương án, vừa đảm bảo y tế, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Không chính quyền nào muốn đóng cửa nhà máy trên địa bàn của mình, vì tính mạng nhân dân nên phải cắn răng đóng cửa một số đơn vị chưa đảm bảo được khâu phòng chống dịch”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

9h50

Cần thông tin thông suốt giữa cung – cầu

Theo ông Hoàng Văn Duy, Tổng giám đốc Mekong Sea Food Group, công ty có 4 đơn vị thành viên ở Việt Nam và Singapore, chuyên phân phối nông lâm thủy hải sản đi 80 thị trường đến các nước trên thế giới. Riêng về thủy hải sản, công ty đang có nhu cầu khoảng 1.500 tấn sản phẩm tươi, 3.000 tấn chế biến mỗi tháng. Những sản phẩm công ty có nhu cầu thu mua lớn, là đùi ếch, cá rô phi, tôm, và cá tra.

“Sau khi tham gia diễn đàn và được Tổ công tác 970 hỗ trợ, công ty đã kết nối với nhiều HTX, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố đang có nguồn cung dồi dào về những sản phẩm chúng tôi cần”, ông Duy cho biết.

Cũng theo ông Duy, thông qua liên kết với Tổ công tác 970, công ty đã chốt được khoảng 300 tấn thực phẩm. Bên cạnh đó, Mekong Sea Food Group nói rõ một số hạn chế của các cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào như: mới chỉ đáp ứng được nguyên liệu thô, chưa có sơ chế.

Ngoài ra, mối liên kết giữa các công ty với nhau trong việc hợp tác, xuất đơn hàng lớn còn gặp khó khăn. Giải pháp hiện tại của Mekong Sea Food Group là, đề nghị được Tổ công tác 970, và các Sở NN-PTNT, HTX kết nối thêm với các cơ sở có năng lực, nguyên liệu đầu vào ổn định, nhằm đáp ứng sâu hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường.

Một vấn đề nữa, công ty đề nghị đẩy mạnh diễn đàn kết nối và tiêu thụ nông sản. Ông Duy cho rằng, cần thông tin thông suốt giữa cung – cầu, nhằm giúp những đơn vị có nhu cầu lớn sớm chốt đơn, đồng thời minh bạch đơn giá, tăng tính cạnh tranh, và giảm những liên kết nhỏ lẻ với từng HTX, đơn vị sản xuất.

Hiện tại, Mekong Sea Food Group đã thành lập một ban gồm 14 nhân sự, tham gia liên kết với Tổ công tác 970, và tiến tới gia nhập các chuỗi giá trị.

Cuối cùng, Mekong Sea Food Group muốn đẩy mạnh khả năng tiêu thụ ở thị trường nội địa, bên cạnh xuất khẩu.

9h40

"Xuất phát từ thành công của Tổ công tác 970, Bộ NN-PTNT đã ra mắt diễn đàn này để hướng đến việc kết nối cung ứng sản xuất nông sản, trọng tâm hướng đến nhu cầu của thị trường. Chúng tôi sẽ cùng với Bộ NN-PTNT tham gia vào việc giải quyết đầu ra với hướng gia tăng giá trị nông sản", PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ĐH KH-XH&NV, Giám đốc Trung tâm PTNT Seamaul Undong, phát biểu tại diễn đàn.

Với thế mạnh vừa nghiên cứu khoa học, vừa triển khai thực tiễn, sắp tới, trường ĐH KH-XH&NV sẽ đồng hành và cùng tham gia chủ trì tổ chức hiệu quả các diễn đàn của Bộ theo từng chủ đề cụ thể.

Bên cạnh đó là tham gia xây dựng trang thông tin thị trường nông sản, gắn với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Cùng với đó là kết nối các mô hình du lịch nông thôn với các đơn vị lữ hành; nâng cao nhận thức cộng đồng hướng đến một nền nông nghiệp Việt Nam có trách nhiệm.

9h35

Central Group hỗ trợ tiêu thụ 10.000 gói combo nông sản

Paul Le

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Group, khẳng định sẽ tổ chức giao hàng phục vụ người dân trong thời gian nhanh và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Group, chia sẻ: Từ gợi ý của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt 970 của Bộ, ngay từ những ngày đầu, chúng tôi thấy rõ tầm quan trọng của Tập đoàn trong đóng góp, hỗ trợ nông dân Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đồng thời chung tay tạo ra sản phẩm nông nghiệp tốt, cung cấp cho các chuỗi siêu thị.

Chúng tôi hỗ trợ theo hai cách. Cách thứ nhất, chúng tôi phối hợp với Tổ công tác 970 hỗ trợ tiêu thụ 10.000 gói combo nông sản đến những người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Central Group có 13 điểm siêu thị tại 3 tỉnh/thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, bởi vậy, ông Paul Lê cho biết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương, người dân để gom các đơn hàng và tổ chức giao hàng hoá phục vụ người dân trong thời gian nhanh và đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt”.

9h30

Phát triển sản phẩm nông sản phù hợp nhu cầu online

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co-op), cho biết đây là diễn đàn vô cùng có ý nghĩa. Ông Đức nói Saigon Co-op cảm thấy vinh dự, tự hào được Bộ NN-PTNT mời tham dự, tìm cách kết nối với nông dân.

“Chúng tôi thực ra cũng là một đơn vị hợp tác xã, rất mong muốn được hỗ trợ trong chính sách chung. Bởi tình hình chung là một số đơn vị đã phải ngưng hoạt động, không vượt qua được khó khăn trong đại dịch”, ông Đức nói.

Theo thống kê của Saigon Co-op, đơn vị này được hưởng lợi nhiều từ các chính sách, chương trình của Bộ NN-PTNT, và của Tổ công tác 970. Saigon Co-op đã tiếp xúc được với 47 điểm cầu, 1.344 điểm kết nối, thu mua hàng nghìn tấn nông sản. Các hoạt động như chương trình liên quan đến sản phẩm OCOP, tỷ trọng đang nâng dần từ 2,7% lên 5,6%, với đầu mối là các hợp tác xã thực hiện OCOP từ địa phương.

mua nong san

Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại một siêu thị Co.opmart (quận 3, TP Hồ Chí Minh).

“Một số hoạt động khác như giải cứu nông sản, gói combo hàng hóa, cũng là hướng để chúng tôi cung cấp thêm hàng hóa đến bà con ở TP.HCM và vùng dịch. Chúng tôi trân trọng cảm ơn lãnh đạo Bộ NN-PTNT”, ông Đức nói.

Sắp tới, có 5 nội dung ông Đức cho biết “cần trao đổi thêm để các địa phương và bà con nắm được”.

Việc thứ nhất, sàn Co-op sẽ tăng cường kết nối với nguồn nông sản của từng địa phương, hiện chúng tôi đã có mặt tại 47/63 tỉnh thành. Ngoài việc tập trung cho TP.HCM và Bình Dương, Saigon Co-op sẽ kết nối thêm với các tỉnh còn lại. “Chúng tôi sẽ thu mua, kết nối với các vùng, địa phương chưa có sự hiện diện của sàn Co-op. Hy vọng các địa phương, bà con hỗ trợ giới thiệu”, ông Đức khẳng định.

Việc thứ hai, sàn Saigon Co-op đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này.

“Nghĩa là chúng ta phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói. Chúng tôi mong muốn các đầu mối của Tổ công tác 970 truyền tải thông tin này. Bây giờ không phải là lúc chúng ta hoảng sợ trước dịch bệnh, mà là phát triển đi lên”, lãnh đạo Saigon Co-op cho biết.

Việc thứ ba, Saigon Co-op sẽ đầu tư các vùng thu mua, giao thương hàng hóa giữa địa phương với các tỉnh thành khác. Đây chính là vùng nguyên liệu cho sàn Co-op, và cũng không chỉ cho riêng sàn này, mà là kết nối với những vùng tiêu thụ khác.

Việc thứ tư, theo phân tích của ông Đức, những trung tâm cung ứng, sẽ hình thành sàn nông sản, phát triển theo hướng online hóa. Đó là sự ủng hộ, kết nối của tất cả đầu mối. Các nước có nền kinh tế phát triển cũng đang phát triển theo xu hướng này.

Cuối cùng, sàn Co-op đang tính tới đẩy mạnh xuất khẩu. Đơn vị này đề nghị thêm sự hỗ trợ từ Trung ương, ví dụ như Bộ Quốc phòng giúp kết nối. Ngoài ra, ông Đức cho biết thêm nguyên liệu phụ trợ cho sản phẩm nông sản hoàn chỉnh đang thiếu đi. Cụ thể như thiếu bao bì, thiếu công cụ đóng gói.

"Gạo mà không có bao bì thì không thể phân phối", ông Đức nêu khó khăn.

Tổ công tác 970 cho biết các đơn vị cần vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long về TP.HCM với quy mô lớn, có thể liên hệ với Bộ Tư lệnh Vùng II Hải quân. Số điện thoại của đơn vị này đang đặt ở Vũng Tàu là: 0989220171.

9h20

Gói combo nông sản cung cấp 55% lượng nông sản đến TP.HCM, Bình Dương

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II cho biết, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT được thành lập từ giữa tháng 7. Sau hơn một tháng hoạt động, Tổ đã đạt được một số kết quả.

Tính đến ngày 31/8, Tổ đã hình thành 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến, với khoảng 10 nhóm ngành. Đầu cung ứng cho Tổ công tác 970 rất đa dạng.

Theo thống kê, 32,4% số lượng đầu mối cung ứng là HTX, trang trại, tổ hợp tác; 37% là hộ nông dân; 19% là doanh nghiệp 19%; 9% là cơ sở chế biến 9%, và khoảng 3% là cơ quan quản lý nhà nước.

Trang web đặt hàng của Tổ công tác 970: https://htx.cooplink.com.vn/ có khoảng 2.800 lượt đăng ký, trong đó 70% đăng ký bán, còn lại là mua và 7% là cơ quan Nhà nước.

goi combo

Đóng gói túi combo nông sản phục vụ nhu cầu nhân dân.

Ngoài kết nối cung cầu, Tổ công tác 970 còn hỗ trợ thông tin về địa chỉ các cơ sở sản xuất ở địa phương, tư vấn hỗ trợ để việc sản xuất được thông suốt, đồng thời giúp tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu được thông suốt.

Một kết quả nữa của Tổ công tác 970 là gói combo 10kg nông sản. Trong 2 tuần đầu triển khai, hàng trăm nghìn gói được đặt. Lượng nông sản bà con đặt trung bình một ngày là 300-400 tấn. Cá biệt, riêng ngày 24/8, tổng số tiền hàng lên tới 3,6 tỷ đồng đặt hàng, chiếm 10% tổng giá trị hoạt động trong 3 tuần vừa qua. Trong sáng 31/8, 43.000 gói combo đã được đặt và giao tới TP. HCM, Bình Dương từ các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Dù mới triển khai, người dân rất quan tâm tới gói combo nông sản. Khi cao điểm, có tới 55.000 lượt đặt hàng chỉ trong vòng 10 phút. Theo thống kê, gói combo nông sản của Tổ công tác 970 có thể cung cấp 55% lượng nông sản đến TP.HCM, Bình Dương, với sản lượng khoảng 2.100 tấn.

Chỉ trong vòng 3 ngày, nông sản từ 26 tỉnh, thành phố đã liên kết với Tổ công tác 970 sẽ chuyển hàng về, và 24 giờ kế tiếp sẽ giao tận tay bà còn. Mục tiêu của Tổ công tác 970 là đưa sản lượng cung cấp nông sản trong ngày lên mức tối đa 4.500 tấn. Để đạt được, Tổ công tác rất mong sự hỗ trợ của quân đội,địa phương, và các tổ chức như mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ.

Về diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, dù mới thành lập, nhưng kịp ký 4 hợp đồng với các đơn vị: (1) Tập đoàn Central Retail; (2) Chợ đầu mối Thủ Đức; (3) Sài Gòn Co.op; (4) Công ty Viet Travel. Trước đó, Tập đoàn Central Retail đã liên kết với Tổ công tác 970 và cam kết tiêu thụ 10.000 combo nông sản 10kg.

Ngoài 4 hợp đồng này, một số đơn vị như Lazada, Chợ tốt, đã liên hệ. Họ cam kết đóng góp nền tảng số, công nghệ cho các HTX, doanh nghiệp, giúp người bán đăng ký các kho hàng để đưa nông sản từ HTX về TP. HCM. Tuy nhiên, việc kết nối cung cầu hiện nay gặp một số khó khăn về thông tin, thu gom, tổ chức đầu mối, giao hàng theo nhu cầu của người mua.

Trên cơ sở hoạt động thực tiễn, Tổ công tác 970 đề nghị 3 vấn đề: Một, là với các nhà bán lẻ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu: đề nghị các cơ sở này mạnh dạn liên kết với Tổ 970. Tổ cam kết, sẵn sàng cung cấp mọi thông tin người mua, người bán, cả về đơn vị vận chuyển, logistics, lẫn hỗ trợ thủ tục ký hợp đồng trực tiếp.

Hai, là đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thí điểm chương trình sản xuất nông nghiệp tốt cho người mua, dựa trên ghi chép nhật ký điện tử sản xuất. Từ đó, giao cho các siêu thị lớn, giúp bên mua có thể nắm rõ quy trình sản xuất, và lấy cơ sở để xây dựng mã số vùng trồng.

Ba, là đề nghị các Sở NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành phố sớm hình thành các tổ liên kết với Tổ công tác 970, giúp hỗ trợ người dân thực hiện nhanh chóng các đơn hàng.

9h00

Kiến nghị bổ sung các HTX vào danh sách được hỗ trợ

dinh-minh-hiep-8773-1598245719

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM:

Thời gian vừa qua, TP.HCM đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của 9,4 triệu dân TP.HCM, bình quân mỗi ngày người dân thành phố cần khoảng 10.964 tấn lương thực thực phẩm, trong đó cần 1.981 tấn gạo, 660 tấn lương thực khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm. Trung bình nhu cầu tiêu dùng trong 1 tuần của TP.HCM là 76.747 tấn.

Thời gian qua, Sở Công thương và Sở NN-PTNT TP. HCM đã kết nối nhiều điểm cung cấp lương thực thực phẩm. Trong đó Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã kết nối hơn 1.300 đầu mối các tỉnh thành phía Nam và khu vực Tây Nguyên để cung ứng mặt hàng nông sản cho người dân.

Hiện nay, TP.HCM đã thu hoạch gần 5.000 ha lúa, tương đương sản lượng hơn 24.000 tấn. Diện tích rau là hơn 11.000 ha đáp ứng 28% nhu cầu của Thành phố. Về chăn nuôi, TP.HCM có hơn 163.000 con lợn, tăng 34% so với cùng kì. Nuôi trồng thủy sản của Thành phố ước đạt gần 6.000 ha diện tích tương ứng hơn 8.000 tấn sản lượng, đáp ứng được 14% nhu cầu của người dân Thành phố. Hiện nay vẫn còn 32/114 HTX còn sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy sản…

Nguồn cung của Thành phố được phân phối qua 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi và 27 chợ truyền thống. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã tổ chức các điểm bán lưu động, sản xuất lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ ngày 23/8, TP.HCM đã triển khai siết chặt giãn cách xã hội trong 15 ngày. Do đó nhiều hệ thống gặp khó khăn, thiếu nguồn nhân lực để duy trì hoạt động cung ứng nông sản. Theo đó, các địa phương đã triển khai chương trình "đi chợ hộ" cho người dân, đến nay đã đáp ứng 60% người dân thành phố. Lực lượng công an quân đội, chính quyền địa phương cũng tăng cường hỗ trợ cho công tác "đi chợ hộ".

Thời gian qua, TP.HCM đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT. Cụ thể và việc theo dõi sát sao công tác sản xuất nông nghiệp, đặt biệt là sản xuất rau củ quả cũng như theo dõi hoạt động các cơ sở giết mổ. Bên cạnh đó, Tổ công tác đã hỗ trợ cung cấp đầu mối thông tin. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng để Sở NN-PTNT cung cấp cho Sở Công thương hỗ trợ người dân đặt hàng qua các hệ thống siêu thị.

Tổ công tác 970 cũng đã phối hợp với Sở NN-PTNT Thành phố hỗ trợ hơn 15.000 phần quà cho TP. Thủ Đức, 1.000 phần quà cho Quận 3, 1.000 phần quà cho Quận 1. Đây là những hoạt động thiết thực để hỗ trợ trực tiếp cho thành phố.

Hiện nay, gói combo nông sản 10kg đã nhận được nhiều đơn hàng nhưng do thiếu nhân viên giao hàng nên phải tạm dừng hoạt động, nhu cầu của người dân chưa được đáp ứng. TP.HCM đã chỉ đạo Sở NN-PTNT sớm làm việc với các quận huyện để tiếp tục duy trì việc cung ứng các gói combo nông sản 10kg.

Qua diễn đàn này, Sở NN-PTNT TP.HCM đề nghị 4 điều: Thứ nhất, là kính đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ bổ sung các HTX vào đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ hai, thời điểm hiện nay việc thông tin kịp thời về cung cầu trong điều kiện giãn cách, dịch kéo dài rất quan trọng. Thế nên cần tăng cường nâng cấp hệ thống đăng kí mua sắm online.

Thứ ba, cần đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng.

Thứ tư, cần tăng cường nguồn nhân lực để cung ứng cho người dân.

8h40

Tập hợp Big Data về thị trường nông sản trên Báo Nông nghiệp Việt Nam

anh thach

Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - khẳng định mục tiêu của diễn đàn là đẩy mạnh tăng cường thông tin, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản.

"Từ thực tế hoạt động sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản, chúng tôi thấy tồn tại nhiều hạn chế", ông Nguyễn Ngọc Thạch – Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là thiếu thông tin, thiếu không gian để tương tác, kết nối giữa người sản xuất, người mua và bán. Người cung thì không biết bán ở đâu, người cầu thì không biết mua ở nơi nào. Từ thực tiễn đó, Tổ Điều hành của Bộ NN-PTNT và Ban Chỉ đạo Phát triển Thị trường nông sản của Bộ NN-PTNT quyết định tổ chức diễn đàn này.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, mục tiêu của diễn đàn là đẩy mạnh tăng cường thông tin, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, dưới sự điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản của Bộ.

Nội dung hoạt động Tổ điều hành là tổ chức các diễn đàn thông tin từng chủ đề, ngành hàng nông sản theo mùa vụ; các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn từng địa phương, vùng miền; tổ chức các toạ đàm (talkshow) với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, các Cục, Vụ, Trung tâm, lãnh đạo điạ phương, các chuyên gia, bàn về tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, đề xuất xây dựng chính sách.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu tại diễn đàn.

“Chúng tôi đã định hình và xây dựng chuyên trang thông tin chuyên biệt về kết nối nông sản, xây dựng bản tin truyền hình về thị trường nông sản hàng tuần, xuất bản thông tin về dịch vụ du lịch... Tuỳ từng chức năng của đơn vị, chúng tôi sẽ phân công nhau để cập nhật và xây dựng dữ liệu thông tin, tập hợp thành Big Data về thị trường nông sản trên Báo Nông nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ.

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với Đài truyền hình VOV để được hướng dẫn xây dựng bản tin phát thanh và dự kiến sẽ phát hành hàng tuần. Đồng thời, Tổ điều hành cũng xây dựng website về thương mại nông sản như “Chợ online” qua đó kết nối nông dân với thị trường, giữa bên bán và bên mua; xây dựng Triển lãm nông sản ảo để người dân có thể tham dự triển lãm trên không gian 3D, 4D để tìm hiểu thông tin chất lượng, mẫu mã sản phẩm nông sản.

Tổ điều hành cũng sẽ ứng dụng công nghệ số để quản trị thông tin nông sản, bản đồ nông sản, cập nhật dữ liệu về sản lượng, giá cả nông sản, nhất là quản lý dữ liệu vùng trồng.

“Đây là tham vọng mà Cục Trồng trọt đã tính toán và có khát vọng làm sao để có dữ liệu nông sản các vùng miền, vùng đất, vùng trồng để đưa ra nhận định, đánh giá, tổng hợp”, ông Thạch nói...

Nội dung tiếp theo của Tổ Điều hành là chia sẻ dữ liệu trực tuyến, trong đó có dữ liệu người mua, dữ liệu người bán, khối lượng, sản lượng để làm sao có càng đông người bán, càng đông người mua đến với nhau.

Về kế hoạch, theo ông Nguyễn Ngọc Thạch: Giai đoạn hiện nay do bối cảnh căng thẳng trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Tổ điều hành đặt mục tiêu ngắn hạn từ nay đến 2021 đưa vào vận hành nhanh Tổ hợp thông tin điện tử gồm: Chuyên trang về Thị trường nông sản, Bản tin Truyền hình Thị trường nông sản để kết nối bên cung, bên cầu và cơ quan quản lý nhà nước.

"Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, chúng tôi thành lập tổ tư vấn gồm các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng... để có điều kiện tham vấn, nhận được thông tin chỉ đạo điều hành, từ đó tạo ra diễn đàn thông tin hiệu quả hơn, đảm bảo kết nối cung cầu hiệp quả hơn", ông Thạch cho biết.

Và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là tổ chức các diễn đàn thông tin kết nối và tiêu thụ nông sản theo tình hình thời sự, diễn tiến cấp bách.

Trong những tháng sắp tới, Tổ điều hành sẽ tổ chức các diễn đàn thông tin kết nối cho các địa phương và tỉnh thành, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Mục tiêu trọng tâm là kết nối nguồn cung vật tư nông sản đầu vào để đôn đốc tiến độ sản xuất, chuẩn bị nguồn cung cuối năm, đặc biệt là những tháng đầu năm 2022.

8h20

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định

bo truong hoan 2

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại đầu cầu Bộ NN-PTNT.

Tôi theo dõi trên mạng, thấy sự háo hức đón chờ ngày khai mạc diễn đàn từ Bắc chí Nam. Điều này cho thấy chúng ta đang hướng về cách làm việc mới. Đây là công sức, ý tưởng của Tổ công tác 970 do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu.

Tôi nhớ lần đầu tiên đi Hà Nội, thấy rất xa. Bây giờ ngồi tại Thủ đô, trái tim của cả nước, nói trực tiếp với 63 đầu cầu. Nói vậy để thấy công nghệ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, cùng nhau tìm hướng đi. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người e cách núi sông. Hôm nay chúng ta chính thức mở con đường mới, với đầu nguồn là Tổ công tác 970.

Tôi nhớ một câu nổi tiếng, khi nói đến sự thành công của mỗi người: Khi người khác đếm điều không thể, tôi ngồi đếm điều có thể. Tùy vào sự lạc quan, bi quan. Cảm xúc của chúng ta sẽ chi phối hành động của mình. Chúng ta nguyền rủa bóng tối, thì bóng tối cũng không tan đi. Chúng ta phải thắp lửa hành động.

Toàn văn bài phát biểu khai mạc diễn đàn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Tôi nói điều này không phải là những lời hoa mỹ. Công nghệ 4.0 kết nối người với vật được, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái chuối, kết nối ngành nông nghiệp. Chúng ta đặt ra những câu hỏi, thì sẽ tìm ra câu trả lời, tìm ra giải pháp. Đó mới là điều hữu hiệu, chứ không phải ngồi ca cẩm.

Chúng tôi nhận được nhiều lời chúc mừng, cảm ơn của bà con nông dân, của các hợp tác xã. Đây không phải điều mới mẻ, nhưng là lần đầu tiên một tổ công tác của Bộ chuyên ngành làm điều này. Trong bối cảnh bình thường, không có dịch bệnh, thì nguyên lý kinh tế học là kết nối nguồn cung. Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định.

Thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các Sở NN-PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường.

Ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài.

Thị trường chỉ đáp ứng được, khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp.

Ý tưởng từ Tổ công tác 970, chúng ta có 4 điểm cầu: Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm xúc tiến Nông nghiệp. Còn ở TP.HCM là hai điểm cầu ở Trung tâm Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II và ĐH KHXH&NV. Diễn đàn này hướng tới sự khớp nối về thông tin, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: Tất cả hoạt động của Bộ NN-PTNT đều xoay quanh hơn 90 triệu nông dân.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).