| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Xây dựng chuỗi liên kết không thể nói suông'

Thứ Hai 17/10/2022 , 21:03 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã dành cả ngày 17/10 (từ 3h sáng) đi khảo sát thực tế 6 cơ sở từ sản xuất đến chợ, siêu thị, vùng trồng tại TP.HCM.

Tham gia cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn có lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi,… và lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM và Sở NN-PTNT TP.HCM.

Hoạt động nhằm đánh giá hiện trạng, thống nhất một số giải pháp trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.

Hiện đại hóa chợ đầu mối

Điểm đầu tiên khảo sát là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. Tại đây, đoàn đã khảo sát thực tế tại các nhà lồng kinh doanh nông sản, hải sản, thịt súc sản và kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hồi ký ghi chép của tiểu thương...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế hoạt động tại chợ Bình Điền lúc 3h sáng cùng ngày. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế hoạt động tại chợ Bình Điền lúc 3h sáng cùng ngày. Ảnh: Trần Trung.

Đại diện lãnh đạo Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, với 7 nhà lồng chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm cùng trên 1.700 tiểu thương và hệ thống kho bãi và dịch vụ hỗ trợ, cơ sở hạ tầng chợ ngày càng hoàn thiện trên diện tích khoảng 36 ha. Đây được xem là chợ đầu mối lớn nhất cả nước.

Hiện sản lượng hàng hóa nhập chợ bình quân 2.500 tấn/ngày, giá trị luân chuyển hàng hóa bình quân đạt 120 tỷ đồng/ngày. Trong đó, ngành hàng thủy hải sản: 1.300 tấn/ngày; hàng nông sản 1.000 tấn/ngày; hàng súc sản 200 tấn/ngày. Theo đó, chợ Bình Điền giữ vai trò chính trong việc cung cấp nguồn thủy hải sản cho TP.HCM và các vùng phụ cận với thị phần ước trên 70% và cung cấp khoảng 30-35% sản lượng thịt súc sản cho thị trường thành phố.

Hoạt động buôn bán nhộn nhịp tại chợ Bình Điền. Ảnh: Trần Trung.

Hoạt động buôn bán nhộn nhịp tại chợ Bình Điền. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phan Thành Tân - Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền  cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, hiện Công ty đang đối mặt tình trạng buôn bán tràn lan bên ngoài chợ, sự việc trên phát sinh từ sau đợt dịch Covid-19 và đang trở thành điểm nóng gây bất ổn về trật tự xã hội.

Trong khi các tiểu thương trong chợ phải đóng thuế phí, và thực hiện nghiêm kiểm soát chất lượng hàng hóa, trật tự trị an thì những hộ tự phát ngoài chợ buôn bán tràn lan vừa gây mất vẻ mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và đáng quan ngại nhất là sự cạnh tranh không lành mạnh với các tiểu thương trong chợ. Ban quản lý không có chế tài xử lý và không thể kiểm soát chất lượng  hàng hóa.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát khu thực phẩm tươi sống. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát khu thực phẩm tươi sống. Ảnh: Trần Trung.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết thêm, không chỉ ở chợ Bình Điền mà cả 2 chợ đầu mối còn lại của TP.HCM cũng gặp tình trạng tương tự.  “Tuy nhiên, khắc phục được vấn đề này còn thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cơ quan liên quan chứ không chỉ một mình Ban ATTP hay lãnh đạo chợ Bình Điền mà giải quyết được”, bà Lan nói.

Thực trạng họp chợ tự phát ngay trước chợ đầu mối gây bất ổn trị an. Ảnh: Trần Trung.

Thực trạng họp chợ tự phát ngay trước chợ đầu mối gây bất ổn trị an. Ảnh: Trần Trung.

Tại buổi khảo sát, các cơ quan chuyên môn cũng góp ý chợ đầu mối Bình Điền cần đầu tư nâng cấp thêm cơ sở hạ tầng để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như tính toán đến phương án "số hóa" sổ sách về nguồn gốc hàng hóa thay cho ghi chép thủ công như hiện nay, hướng đến môi trường kinh doanh văn minh hiện đại. Đối với vấn đề còn tồn tại, chính quyền địa phương cũng cần có biện pháp khắc phục, nhất là hình thức mua bán trôi nổi, không thể kiểm soát an toàn thực phẩm.

Việc tồn tại chợ tự phát khiến các tiểu thương chân chính kinh doanh trong chợ đầu mối thiệt thòi, tâm lý hùa theo đám đông khiến tình hình ngày càng phức tạp. Ảnh: Trần Trung.

Việc tồn tại chợ tự phát khiến các tiểu thương chân chính kinh doanh trong chợ đầu mối thiệt thòi, tâm lý hùa theo đám đông khiến tình hình ngày càng phức tạp. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm bên trong chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền là khá tốt. Tuy nhiên, vấn đề nguồn thực phẩm bên ngoài chợ, địa phương cần phải có giải pháp xử lý quyết liệt.  “Chợ đầu mối là loại hình kinh doanh truyền thống, ngoài là kinh tế, chợ còn mang ý nghĩa về mặt văn hóa - xã hội. Khi chợ đìu hiu tức là kinh tế xuống, chợ sôi động cho thấy kinh tế đi lên. Hoạt động tại chợ cũng thể hiện khả năng quản trị của địa phương vì tại đây tập trung rất nhiều nhóm chủ thể".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chợ đầu mối Bình Điền phải  xây dựng và thực hiện được sứ mạng kết nối vùng nguyên liệu với các địa phương và khu vực”.

Siêu thị trách nhiệm

Tiếp đó, đoàn công tác đã đi khảo sát tại siêu thị MM Mega Market thuộc tập đoàn BJC/TCC Thái Lan và siêu thị  Co.opXtra Linh Trung thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: Trần Trung.

Trình bày với Bộ trưởng và đoàn khảo sát tại siêu thị  Co.opXtra Linh Trung, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op  cho biết, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op luôn nỗ lực hết sức để kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, đặc biệt là chất lượng các mặt hàng nông sản. Saigon Co.op chủ trương sẽ chế tài mạnh và có khả năng buộc chấm dứt kinh doanh nếu nhà cung cấp cố ý làm sai, không đảm bảo chất lượng hàng hóa như cam kết.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại siêu thị MM Mega Market Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại siêu thị MM Mega Market Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.

Tại siêu thị MM Mega Market, đại điện lãnh đạo siêu thị cho biết, sau khi chính thức chuyển đổi sang thương hiệu MM Mega Market Việt Nam (MM) từ tháng 1/2017, dưới sự điều hành của Tập đoàn mẹ TCC Thái Lan, nhà bán sỉ/lẻ hàng đầu Thái Lan tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống an toàn nhằm mang tới giải pháp thực phẩm chất lượng, tươi ngon với giá tốt nhất tới người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang các thị trường quốc tế mà Tập đoàn TCC có mạng lưới kinh doanh.

Sau gần 5 năm, MM đã tăng con số từ 2 trạm trung chuyển ban đầu lên tới 5 trạm trung chuyển thực phẩm, gồm 2 trạm trung chuyển thịt heo tại Hà Nội và Đồng Nai; trạm trung chuyển trái cây Tiền Giang. Với chiến lược ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng các trạm trung chuyển thực phẩm, MM Mega Market tăng cường hợp tác chặt chẽ với nông dân. Cho đến nay, công ty đang hợp tác với hàng nghìn nông dân để đảm bảo sản lượng ổn định cho chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống an toàn tại 5 trạm trung chuyển trải dài trên cả nước.

Qua khảo sát cho thấy, rau sạch luôn hút khách trong các siêu thị. Ảnh: Trần Trung.

Qua khảo sát cho thấy, rau sạch luôn hút khách trong các siêu thị. Ảnh: Trần Trung.

Sau quá trình khảo sát tại các siêu thị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, mô hình thu mua lâu dài, cam kết bao tiêu sản lượng và giá sản phẩm cho nhà cung cấp của các siêu thị giúp người nông dân trưởng thành hơn trong việc bắt tay, hợp tác với các chuỗi phân phối để cung cấp hàng ổn định, đảm bảo chất lượng. Bộ trưởng cũng cho rằng, người nông dân cần hướng tới làm ăn lâu dài với hệ thống các siêu thị chứ không phải cứ thấy thương lái lượn vòng quanh, trả giá nhỉnh hơn chút là lại đồng ý bán hàng cho họ thay vì cung hàng ổn định cho phía DN đối tác.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Xây dựng chuỗi liên kết không thể nói suông. Hiện tại chúng ta đang xây dựng chuỗi liên kết “sạch từ trang trại đến bàn ăn”. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đòi hỏi phải có cả cộng đồng vào cuộc, trong đó không thể phủ nhận vai trò của các siêu thị.  Có thể thấy các sản phẩm VietGAP hay hữu cơ trong các siêu thị có tầm ảnh hưởng rất lớn. Nhưng hàng gian, hàng giả tác dụng ngược không nhỏ nên bên cạnh trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cần sự vào cuộc trách nhiệm của bản thân siêu thị, hiệp hội ngành hàng  và cả người nông dân là chủ thể sản xuất để trong xây dựng hệ sinh thái chuỗi liên kết.

Các siêu thị không chỉ bán sản phẩm cho nông dân còn làm tốt công tác truyền thông cho nông sản Việt. Ảnh: Trần Trung.

Các siêu thị không chỉ bán sản phẩm cho nông dân còn làm tốt công tác truyền thông cho nông sản Việt. Ảnh: Trần Trung.

“Trước đây chúng ta mới tập trung chuẩn hoá cho xuất khẩu, nhưng trách nhiệm với 100 triệu dân trong nước, đến lúc phải bàn xây dựng lại chuẩn hoá thị trường trong nước thông qua hiệp hội ngành hàng, siêu thị, hệ thống phân phối. Bởi cầu như thế nào thì cung như thế đó. Đặc điểm của ngành nông nghiệp là xây dựng chiến lược, thể chế từ trên xuống dưới, nhưng thực hiện thì từ dưới lên trên. Lợi ích ngắn hạn, một nhóm nhỏ đã làm méo mó mục tiêu này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vissan đảm bảo nguồn cung thịt heo

Gần 11h trưa đoàn công tác tiếp tục tiến hành khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Hiện Công ty có 3 dây chuyền giết mổ heo, công suất 120 con/dây chuyền/giờ, các dây chuyền chế biến thực phẩm có tổng công suất trên 30.000 tấn/năm. Công ty sở hữu 1 trại nuôi ở Bình Thuận tổng đàn 30.000 con/ năm, cung ứng mỗi năm ra  thị trường 30.000 tấn thực phẩm chế biến và 20.000 tấn thực phẩm tươi sống (heo, bò) thông qua hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác làm việc tại Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác làm việc tại Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Ảnh: Trần Trung.

Trong 9 tháng đầu năm giá heo hơi tăng gây áp lực đối với chương trình bình ổn giá mà Vissan đang thực hiện tại TP.HCM. Sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, giá thành sản phẩm lại tăng cao nên cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty. Tuy nhiên, tổng doanh thu của Vissan vẫn đạt trên 2.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 123 tỷ đồng.

Đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dư luận đang quan tâm, Công ty luôn xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, nhất là đối với thực phẩm tươi sống. Về liên kết chuỗi, hiện Công ty đang có trại chăn nuôi ở Bình Thuận, ngoài ra còn ký kết với các công ty chăn nuôi lớn đảm bảo nguồn cung ứng tốt cho thị trường.

Sản phẩm Vissan trên các kệ hàng của các siêu thị đối tác liên kết. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm Vissan trên các kệ hàng của các siêu thị đối tác liên kết. Ảnh: Trần Trung.

Hiện Tết Quý Mão năm 2023 đang đến gần, Công ty Vissan đã chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ từ tháng 6 năm 2022. Năm nay Công ty chuẩn bị nguồn ngân sách với tổng giá trị hàng hóa hơn 710 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần năm 2022, trong đó nguồn thực phẩm tươi sống 2.200 tấn tăng 30% so với cùng kỳ, thực phẩm chế biến 4.200 tấn tăng 10% so với cùng kỳ. Hiện nguồn dự trữ có 2 nguồn chính từ trại của Công ty và nguồn từ các công ty tham gia ký kết lâu dài.

Nông nghiệp sạch nhìn từ công nghệ cao

Sau chuyến khảo sát chợ đầu mối và các hệ thống siêu thị, chiều 17/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác tiếp tục tìm hiểu vùng sản xuất NNCNC tại TP.HCM. Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã khảo sát thực tế cơ sở trồng dưa lưới Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát và hệ thống trồng rau của WinEco Củ Chi, TP.HCM .

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát. Ảnh: Trần Trung.

Tại Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát, anh Trang Quốc Dũng - Giám đốc Công ty cho biết, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao được đầu tư từ năm 2015, sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Trong đó, công nghệ cao được ứng dụng ở nhiều khâu, từ lựa chọn hạt giống, phương pháp gieo trồng tiên tiến - giá thể, bán thủy canh, kiểm soát dinh dưỡng, phòng ngừa cách ly mầm bệnh… Tất cả các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, ánh sáng… đều được theo dõi trên phần mềm điều khiển thông minh bằng smartphone và dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát ứng dụng CNC vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát ứng dụng CNC vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

“Từ đó, “Nông Phát” là một cái tên được nhắc nhiều về thành công trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM. Với chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000 m2 trồng dưa lưới khoảng 530 triệu đồng, trung bình 1 vụ (2,5 tháng) đạt 3,7 tấn dưa lưới. Tuỳ thuộc vào giống, thời gian thu hoạch sẽ mất khoảng 60 - 70 ngày. Mức giá dao động từ 38.000 - 60.000 đồng/kg. Các sản phẩm dưa lưới Nông Phát được cung cấp cho rất nhiều siêu thị lớn nhỏ như Family mart, Lotte, Aeon, Saigon Coop,… một số nhà hàng, khách sạn tại TP.HCM và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Dubai.

Với tổng diện tích 3,7 ha, hiện Công ty xuất hơn 6.000 tấn dưa/năm đem lại doanh thu lớn. Có thể khẳng định, nhờ sản xuất sạch đem lại lợi nhuận ổn định và cao cho Công ty.

Công nhân Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát chăm sóc vườn cây, chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Trần Trung.

Công nhân Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát chăm sóc vườn cây, chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Trần Trung.

Tại nông trường WinEco Củ Chi – TP.HCM, đại điện nông trường cho biết, WinEco Củ Chi là một trong 14 nông trường chuyên sản xuất các loại rau ăn củ, trái cây và rau ăn lá chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị kinh tế cao do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp WinEco (thành viên của Tập đoàn Masan) triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nông trường có diện tích 470 ha, gồm các khu vực: nhà kính công nghệ cao nhập khẩu Israel, nhà màng Việt Nam, nhà lưới và khu sản xuất đồng ruộng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại WinEco Củ Chi. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại WinEco Củ Chi. Ảnh: Trần Trung.

WinEco Củ Chi hiện đang triển khai sản xuất trên 10 chủng loại cây trồng với sản lượng trung bình đạt 250 - 300 tấn/tháng, tương đương gần 10% tổng sản lượng của WinEco. Cơ cấu cây trồng hiện có: rau ăn lá (cải ngọt), rau gia vị (tía tô, kinh giới, húng quế), rau ăn quả (bầu sao, dưa leo, khổ qua), chanh không hạt và dưa lưới. Đây đều là những mặt hàng nông sản phổ biến trong đời sống thường ngày của người dân.

“WinEco tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của VietGAP và kiểm soát chặt theo quy trình 3 kiểm soát và 4 không. Cụ thể: 3 kiểm soát: Kiểm soát đầu vào sản xuất (phân tích đất, nước trước khi canh tác, giống, phân bón, thuốc BVTV,…); Kiểm soát quy trình sản xuất (gieo trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, phân bón, thu hoạch);  Kiểm soát đầu ra sản phẩm (sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển đạt VSATTP). 4 không: Không sử dụng giống biến đổi gen, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép, không sử dụng hóa chất bảo quản.

WinEco chuẩn bị vườn ươm cho vụ mới. Ảnh: Trần Trung.

WinEco chuẩn bị vườn ươm cho vụ mới. Ảnh: Trần Trung.

Sau Tam Đảo, là vườn rau tại Củ Chi (TP.HCM), Long Thành (Đồng Nai), Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam... và mới đây là Hội An (Quảng Nam). Đến nay, WinEco đã sở hữu 14 nông trường với gần 3.000 ha trên cả nước áp dụng đa dạng các công nghệ canh tác hiện đại, thông minh như nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và tưới thông minh (Israel)…”, anh Lê Quang Khải, Trưởng bộ phận kỹ thuật cho biết.

Anh Khải cũng cho biết thêm, công việc chính của các “nông nhân” tại các nông trường WinEco đó là ghi nhật ký sản xuất để cập nhật vào phần mềm truy xuất. Mỗi sáng sớm, các cán bộ kỹ thuật đảm trách một phần diện tích, sử dụng máy tính bảng, ghi chép toàn bộ các thông số kỹ thuật, đưa ra nhận xét, đánh giá sự tăng trưởng của cây trong suốt quá trình trồng để có hướng xử lý.

“Ngoài rau trong nhà màng, nhà kính, WinEco cũng triển khai các mô hình canh tác ngoài đồng ruộng nhằm phát huy tối đa lợi thế của hình thức này trong việc canh tác các loại nông sản truyền thống. Với hàng nghìn ha trải dài từ Bắc vào Nam, tất cả đều được các chuyên gia của WinEco ươm mầm, chăm chút, nuôi dưỡng để trở thành sản phẩm an toàn, sạch nhất cho mỗi bữa cơm gia đình Việt”, anh Lê Quang Khải nhấn mạnh.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đánh giá, nhờ đầu tư bài bản, quy mô và hiện đại, với một quy trình khép kín “tự sản xuất, tự kiểm nghiệm, tự phân phối”, rau sạch thương hiệu WinEco và  Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát đang là một trong những “điểm sáng” lấy được lòng tin của người tiêu dùng Việt hiện nay.

Tại các đơn vị khảo sát, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy câu chuyện chuyên nghiệp của các đơn vị để nói về thực trang nền nông nghiệp nước ta hiện nay. Theo đó, nền nông nghiệp chúng ta là nền nông nghiệp truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ. Nền nông nghiệp đang đánh đổi bởi môi trường thiên nhiên, sức khỏe của nông dân, người tiêu dùng, đánh đổi hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học để tạo ra được sản lượng.

Công nhân WinEco sơ chế đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh: Trần Trung.

Công nhân WinEco sơ chế đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh: Trần Trung.

“Không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp, mà không có nông dân chuyên nghiệp thì không có ngành nông nghiệp chuyên nghiệp, không có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Có thể bà con nông dân chúng ta chưa nhìn ra được câu chuyện đó.

Để có đội ngũ làm nông chuyên nghiệp, đề nghị các công ty, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng phải nâng tính chuyên nghiệp bằng cách chia sẻ tri thức cho người nông dân, dần dần đưa công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức vào cho người nông dân….”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Liên quan đến hoạt động đánh giá hiện trạng, thống nhất một số giải pháp trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, sáng ngày 18/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục chủ trì Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”.

Báo NNVN sẽ tiếp tục cập nhật...

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Cứu kịp thời một ngư dân trôi dạt trên biển

Quảng Ngãi Trong lúc đang đánh bắt cá thì gặp sóng lớn khiến thuyền thúng bị lật, sau một thời gian trôi dạt trên biển, ngư dân gặp nạn đã được ứng cứu kịp thời.