Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vào thăm, động viên và dặn dò với TP.HCM. Ngay sau đó, Tổng Bí thư đã giao cho Chính phủ và các cơ quan nghiên cứu các kiến nghị của Thành phố để xử lý.
"Trước chuyến thăm TP.HCM, tôi có cuộc hội ý với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Đồng Văn Thưởng, thống nhất tinh thần là phải cho thành phố một cơ chế thuận lợi hơn để nâng tầm hơn. Trong đó, TP.HCM được làm thí điểm, được đi trước một số lĩnh vực, có chính sách cụ thể, thông qua việc thay đổi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Chủ tịch nước, tinh thần là TP.HCM đi trước, thí điểm những cơ chế bằng các chủ trương của Bộ Chính trị.
"Ai cũng nói chiếc áo về cơ chế cho một siêu đô thị như TP.HCM đã quá chật hẹp. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và các cơ quan chức năng nhà nước đã thấy vấn đề này. Chính vì thế, Tổng Bí thư đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu một số kiến nghị của TP.HCM tại cuộc họp lần trước", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước hết TP.HCM cần đề xuất một số cơ chế sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo Quyết định số 20. Việc này có ý nghĩa rất lớn trước khi có cơ chế, chính sách lớn hơn cho TP.HCM.
Chủ tịch nước cũng nhìn nhận TP.HCM sẽ tỏa sáng dựa trên sức mạnh khoa học công nghệ và trí thức trẻ. Từ đó, thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, đặc biệt là các mô hình tăng trưởng mới được xác lập bằng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của thành phố. Vấn đề này rất then chốt và quan trọng.
Những chính sách về đất đai, ngân sách, chính sách mà do thể chế trước đây chưa phù hợp với tình hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay, cũng là vấn đề trong thay đổi căn bản TP.HCM.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thành quả bước đầu của TP.HCM sau đại dịch đã được khẳng định và là bài học kinh nghiệm để tiếp tục tiến bước, nhất là tinh thần quyết tâm đoàn kết của Đảng bộ, nhân dân TP.HCM trước, trong và sau đại dịch. Tuy nhiên, không nên quá say sưa với những với thành công ban đầu mà phải nhìn thấy những khó khăn rất lớn hiện nay của thành phố.
Trong đó, sau dịch, doanh nghiệp và người dân khó khăn hơn, nhất là trong tình hình lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống; hay khó khăn về tín dụng đen, công nghệ cao, khó khăn về quy hoạch những dự án cũ để lại làm cho chúng ta chậm trễ hơn.
Cũng theo Chủ tịch nước, buổi họp hôm nay, Chủ tịch nước đã mời các thành viên Trung ương, Chính phủ là những người có trách nhiệm với TP.HCM để cùng lắng nghe các đề xuất của Thành phố cũng như có những đóng góp ý kiến cho Thành phố.
Chủ tịch nước cũng cho biết, qua buổi tiếp xúc với cử tri vào ngày hôm qua, tiếng nói của người dân phản ánh rất nhiều vấn đề để chúng ta thảo luận cùng thảo luận trực tiếp về những khó khăn của TP.HCM để cùng tháo gỡ, nhất là mạnh dạn góp ý một số giải pháp để tháo gỡ cho Thành phố về thể chế, cơ chế, chính sách thí điểm cần phải đặt ra cho TP.HCM sớm hơn, tốt hơn.
Báo cáo đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, kết quả điều hành, phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 đi đúng hướng, theo kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm ước đạt 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30%. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350.000 tỉ, đạt 90% dự toán năm và tăng 27% so với cùng kỳ.
Về kết quả thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, ông Mãi cho biết vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội cho phép Thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023. Tuy nhiên, theo ông Mãi, TP.HCM sẽ cố gắng trình sớm những cơ chế mới, có thể giữa năm 2023 để có thể thực hiện sớm.
Sau khi nghe Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo về tình hình kinh tế Thành phố đã phục hồi hoàn toàn, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực đạt và vượt trước khi có dịch Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải sửa Nghị quyết 54 sớm chứ không chờ đến 31/12/2023 để có cơ chế mới cho TP.HCM đi trước đón đầu.