| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 'Sản xuất, tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc'

Thứ Tư 16/03/2022 , 12:41 (GMT+7)

Để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang, bán tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn, sáng 15/3. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn, sáng 15/3. Ảnh: Hoàng Phong

Sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn tại phiên họp Thường vụ Quốc hội về các vấn đề cung ứng xăng dầu; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản...

Lập vùng xanh an toàn cho hàng hoá

Tại phiên chất vấn “tư lệnh” ngành Công thương, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho biết, hiện nay tình hình Covid-19 vẫn còn phức tạp và khó dự báo, cùng với sự xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động đến tình hình tăng giá xăng dầu kéo theo các yếu tố đầu vào đều tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các vấn đề sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, nông sản cho người nông dân.

Ông Tuấn đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết Bộ đã có giải pháp nào về trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo việc xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản của bà con nông dân hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cũng đặt vấn đề: Tại sao thời gian qua Bộ Công thương đã liên tục phối hợp với các ngành, địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khuyến cáo cũng như cảnh báo đối với các doanh nghiệp, tổ chức và thương nhân nhưng tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu vẫn diễn ra?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời: Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hoá, nông sản. Thứ nhất là do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc. Thứ hai là hàng hoá, nông sản của Việt Nam xưa nay bán qua biên giới thì chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, sản phẩm sản xuất không theo quy hoạch và cũng không đạt tiêu chuẩn.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Nông sản của Việt Nam xưa nay bán qua biên giới chủ yếu  theo đường tiểu ngạch. Ảnh: Hoàng Phong.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Nông sản của Việt Nam xưa nay bán qua biên giới chủ yếu  theo đường tiểu ngạch. Ảnh: Hoàng Phong.

Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo để thống nhất về mặt quan điểm với đối tác Trung Quốc để xây dựng một quy trình thông quan, trước hết là thành lập một vùng xanh an toàn cho hàng hoá.

Thứ hai là thống nhất quy trình để giao nhận hàng hoá ở biên giới cho thuận lợi, đồng thời chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu phải hỗ trợ các chủ hàng, các phương tiện vận tải và có thông tin thường xuyên với vùng trồng, vùng nuôi với các địa phương có sản phẩm để hợp tác tốt khi cửa khẩu phía nước bạn không mở do tình hình Covid-19, từ đó không gây sứ ép cho các địa phương có cửa khẩu này.

Đồng thời Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động tiêu thụ nội địa bằng cả hình thức truyền thống và thương mại điện tử, chỉ đạo thương vụ của chúng ta ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương để từng bước chúng ta mở rộng thị trường.

Sản xuất, tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn

Tiếp tục chất vấn về chủ đề này, Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) nhấn mạnh: “Thực trạng xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu Trung Quốc, tiêu thụ trong nước trong đợt dịch cho thấy sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hoá và tiêu thụ hàng hoá nội địa”.

Đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tuấn.

Đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tuấn.

Bà Hương đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Bởi xét trong toàn bộ quy trình sản xuất cho thấy thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định và cần hoàn thiện hơn phương án sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận rằng: “Chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản của chúng ta rõ ràng còn luẩn quẩn và có nhiều bế tắc”.

“Nền kinh tế thị trường thì người sản xuất ngay từ lúc sản xuất phải trả lời được 3 câu hỏi là sản xuất cái gì, bán ở đâu và bán cho ai? Nhưng cứ theo cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy thì thật sự là chúng ta bị động”, ông Diên nói.

Cũng theo ông Diên, gần đây Bộ Công thương đã cùng Bộ NN-PTNT tổ chức trao đổi, hướng dẫn, thông tin và tập huấn cho các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm để các thương vụ của chúng ta ở nước ngoài do Bộ Công thương quản lý trực tiếp hướng dẫn về quy cách hàng hoá, hướng dẫn tiêu chuẩn và tập quán tiêu dùng của địa phương.

“Đây cũng là cách để chúng ta chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, bán tiểu ngạch sang chính ngạch. Nhưng đấy là câu chuyện dài hơi”, ông Diên nhấn mạnh.

Nông sản ùn ứ trước cửa khẩu biên giới phía Bắc vào thời điểm trước Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Đinh Tùng.

Nông sản ùn ứ trước cửa khẩu biên giới phía Bắc vào thời điểm trước Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Đinh Tùng.

Còn câu chuyện trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng không còn cách nào khác là chúng ta phải nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới. Bộ cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có rất nhiều cuộc họp bàn và cũng có rất nhiều cuộc trao đổi với phía đối tác của Trung Quốc. Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cũng liên tục làm việc để tháo gỡ, từ đó vấn đề trên đã từng bước “hạ nhiệt”.

Tuy nhiên, mấy ngày qua, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Bắc, nhất là phía Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”. Hiện Trung Quốc cũng phải phong toả mấy thành phố, trong đó thành phố Thâm Quyến với mười mấy triệu dân cũng bị phong toả, nên đây cũng là cái khó.

Ông Diên cho biết, trong tương lai, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT sẽ phải có trách nhiệm xây dựng các Đề án cho vấn đề này.

Đặc biệt, thời gian vừa qua Bộ Công thương được giao xây dựng Đề án xuất khẩu hàng hoá qua biên giới theo đường chính ngạch. “Tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện hàng hoá thế nào thì chúng tôi cũng đã trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hy vọng thời gian tới Chính phủ sẽ thông qua”.

Đại biểu lo lắng về giá vật tư sản xuất nông nghiệp tăng

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đăk Lăk), trong thời gian qua, nhất là sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, giá cả một số mặt hàng phục vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng khá mạnh như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác. Có những mặt hàng tăng trên 100% so với trước đây trong khi giá cả đầu ra các sản phẩm nông nghiệp thì giảm. Điều này đã ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất của người nông dân, làm cho đời sống của người dân ở vùng sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn hơn.

Bà Nguyệt chất vấn: “Trách nhiệm của Bộ Công thương trước vấn đề này như thế nào? Bộ có những giải pháp gì đề xuất cho Chính phủ trong việc bình ổn giá cả đối với mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện nay?”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện nay, giá vật tư phân bón và hàng hoá chiến lược tăng rất cao cũng giống như xăng dầu. Nếu chúng ta giữ được bình ổn giá xăng dầu thì cũng hy vọng giữ được bình ổn chi phí đầu vào của các ngành sản xuất khác.

Còn đối với các mặt hàng phân bón và các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong điều kiện có diễn biến phức tạp, chắc chắn Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành có liên quan sẽ phải nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền có cơ chế chính sách như hỗ trợ về giá, hỗ trợ về thuế đối với các doanh nghiệp tham gia sản xuất, lưu thông mặt hàng này hoặc có hỗ trợ các đối tượng khác dễ bị tổn thương có thể vượt qua được cơn bĩ cực này.

“Điều này không ai muốn, không ai mong cả. Thế giới cũng đang mong làm sao để thoát qua cảnh khó khăn này. Nhưng trong lúc khó thì với tất cả những gì chúng ta có phải cố gắng nỗ lực hết mình để thực hiện. Chúng tôi hứa sẽ cùng với Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và đề xuất để tháo gỡ khó khăn mà các đại biểu Quốc hội vừa nêu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.