Không thể tiếp tục duy trì một nền nông nghiệp “giải cứu” |
Nhưng cũng có những ý kiến quyết liệt chỉ ra rằng, đã đến lúc nông dân không thể SX theo kiểu cầu may, mơ hồ được nữa.
Khi DN từ chối “giải cứu”
Sau gần một tuần được cả xã hội quan tâm, nhất là các DN bán lẻ, các tổ chức đoàn thể rầm rộ ra quân “giải cứu”, giá củ cải ở phía Bắc từ chỗ 500 đ/kg, thậm chí phải nhổ bỏ đã lập tức được đẩy lên ở mức bình quân 3.000 đ/kg. Sau khi báo chí phản ánh, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) những ngày qua nhộn nhịp những đoàn công tác về làm việc, bàn cách “giải cứu” củ cải. Những chuyến xe của các tổ chức đoàn thể xã hội, những DN kinh doanh nông sản ùn ùn đổ về.
Ở trụ sở UBND xã Tráng Việt, một đoàn công tác của trung ương phối hợp với Sở Công thương TP Hà Nội về họp bàn, mổ xẻ nguyên nhân vì sao đợt rồi, củ cải lại rẻ như thế.
Ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) đồng tình với nhiều ý kiến của ngành nông nghiệp khi chỉ ra mấy nguyên nhân: Một là tình trạng rau củ “dội chợ” mỗi khi ra tết là quy luật thường thấy như mọi năm, bởi ra tết, lao động chưa trở lại làm việc khiến “cầu” giảm. Trong khi đó, một lượng rau chưa kịp thu hoạch trong thời gian Tết Nguyên đán, ra tết bị quá lứa, phải nhổ bỏ. Hai là năm nay, thời tiết từ trước tết đến nay khô, ấm kéo dài, khiến rau các loại đồng loạt phát triển nhanh, khiến “cung” rau các loại tăng quá mạnh. Ba là mấy năm nay, do trồng rau có lãi khó nên người dân mở rộng, tăng diện tích rau. Cụ thể ở HTX Đông Cao, nếu như vài năm trước chỉ có dưới 200ha rau thì năm nay, người dân đã thuê thêm đất ở các vùng lân cận để trồng, khiến diện tích tăng lên trên 300ha...
Ông Đào Ngọc Nam, GĐ Cty Thực phẩm An Việt khẳng định: Hiện nay, Cty đang có nhu cầu cung cấp rau củ rất lớn cho hệ thống siêu thị, bếp ăn tại Hà Nội, với các kho lạnh, kho mát có khả năng bảo quản số lượng lớn khi giá rau thị trường xuống thấp. Song muốn hợp tác, HTX phải ngồi lại với Cty để ký hợp đồng liên kết, lên kế hoạch SX, xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm điện tử. “Điều cốt lõi mà nông dân và HTX cần nhất không phải là hỗ trợ giải cứu nông sản, mà HTX cần phải được hỗ trợ về đường giao thông nội đồng, nhà sơ chế, để đảm bảo xe ô tô của Cty có thể tới tận ruộng để chở sản phẩm với số lượng đủ lớn”, ông Nam nêu ý kiến. |
Cùng có mặt tại buổi làm việc, một số DN kinh doanh nông sản đã thẳng thừng từ chối thu mua củ cải để “giải cứu” cho nông dân. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Liên hiệp HTX Tiêu thụ nông sản An toàn Việt Nam cho biết: Những ngày qua, bản thân ông đã đi khảo sát nhiều chợ đầu mối tại phía Nam, và ngay cả hệ thống siêu thị trên cả nước vẫn đang bán củ cải với giá bình quân 10.000 đ/kg.
Vì thế để “giải cứu” vài chục tấn củ cải cho nông dân là không khó, nhưng Cty không thể, và cũng không nên làm thế. Ông cho biết hiện nay, liên hiệp HTX của ông đã liên kết với hơn 30 HTX trên cả nước để SX và tiêu thụ các loại rau cho hệ thống bán lẻ và các bếp ăn. Tất cả việc SX và tiêu thụ đều đã phải lên lịch trình rất rõ ràng. Loại rau gì, cần SX bao nhiêu, thời điểm thu hoạch lúc nào... đều đã có kế hoạch sẵn.
“Chúng tôi sẵn sàng mua hết rau cho nông dân xã Tráng Việt, đảm bảo 1ha rau mỗi năm cho thu nhập trung bình 600 - 700 triệu đồng. Nhưng muốn bán cho chúng tôi thì HTX phải đứng ra ký hợp đồng liên kết ổn định, hai bên phải ngồi lại với DN để bàn bạc, lên kế hoạch, lịch trình, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chứ không phải trồng theo kiểu cầu may, mơ hồ, thích trồng bao nhiêu, trồng lúc nào, trồng thế nào thì trồng”, ông Tuấn thẳng thắn.
Nghịch lý chỗ thiếu - nơi thừa
Ở vựa rau huyện Gia Lộc (Hải Dương), có một nghịch lý trong thời gian qua, đó là trong khi các loại rau của nông dân nhiều nơi rẻ ê hề, thì Cty TNHH MTV Hưng Việt (Cty Hưng Việt, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc) lại đang không gom đủ lượng rau như cải bắp, củ cải, cà rốt... để XK.
Mới đi vào hoạt động từ năm 2016, nhưng đến nay, Cty Hưng Việt đã XK rau sang 8 thị trường gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Singapore, Đài Loan, Dubai và Malaysia. Các loại rau XK của Cty rất đa dạng, trong đó chủ lực vẫn là cải bắp, súp lơ, cà rốt, củ cải... Sản lượng XK cũng đang liên tục tăng mạnh từ 17 nghìn tấn năm 2016 lên 23 nghìn tấn năm 2017 và dự kiến đạt 30 - 35 nghìn tấn trong niên vụ 2017 - 2018 này.
Trong khi nhiều nơi phải “giải cứu” rau thì ở Hải Dương, Cty Hưng Việt lại không có đủ nguồn hàng để XK |
Với hơn 12 kho lạnh bảo quản khổng lồ để dự trữ rau XK dần trong năm, hiện Cty cũng đã ký hợp đồng liên kết với hơn 10 HTX sản xuất rau tập trung của huyện Gia Lộc với diện tích trên 500ha để phục vụ XK. Thời gian qua, trong khi cải bắp nông dân chỉ bán giá bình quân 2.000 đ/kg, thì Cty này vẫn mua cho các HTX đã ký hợp đồng liên kết với giá 3.500 đ/kg, đảm bảo cho nông dân có lãi từ 5 - 7 triệu đồng/sào. Khiêm tốn khi nói về Cty, nhưng ông Tăng Xuân Trường, GĐ Cty Hưng Việt cũng cho rằng thời gian qua, nếu không có một lượng cải bắp khổng lồ được Cty này bao tiêu XK, thì tình hình còn tồi tệ hơn nữa.
Ông Trường đánh giá: Miền Bắc có một vụ đông trời phú, hiện nay đã có thể kéo dài thời vụ các loại rau ưa lạnh như cải bắp, súp lơ, cà rốt... khoảng 6 tháng (từ tháng 7 năm trước tới tháng 4 năm sau). Ngoài ra, vụ hè - hè thu cũng có thể SX rất đa dạng các loại rau.
Ông Trường cho biết, hiện nhu cầu XK rau tươi của Cty Hưng Việt là vô cùng lớn, trong đó một số loại rau vụ đông như súp lơ, cải bắp ở phía Bắc được các thị trường rất ưa chuộng vì chất lượng rất tốt, gần như chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đơn hàng. Tuy nhiên, việc triển khai SX lại vấp rất nhiều khó khăn. Một là đồng ruộng quá manh mún, quá nhiều hộ tham gia SX nên chất lượng sản phẩm rất hổ lốn. Để đảm bảo chất lượng hàng XK, Cty phải cung cấp một loại giống, một quy trình SX đồng nhất cho nông dân. Mặc dù vậy, vẫn có tình trạng nông dân không tuân theo quy trình của Cty, SX khác giống. Vì vậy, tỉ lệ hàng đủ tiêu chuẩn loại I để XK rất thiếu đồng đều, cao lắm chỉ đạt 50%, thậm chí chỉ đạt 30 - 35%. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ sử dụng thuốc BVTV của nông dân còn rất hạn chế.
Cũng theo vị giám đốc này, do các đơn hàng XK phải ký hợp đồng trước vụ gieo trồng với giá cố định, nên tình trạng nông dân “bẻ kèo” cũng là vấn đề đau đầu. “Khi giá cao, việc nông dân bán rau ra ngoài là chuyện như cơm bữa. Để phòng ngừa, chúng tôi phải ký hợp đồng với diện tích dư ra so với kế hoạch. Ví dụ lứa này đáng ra chỉ cần 200 ha cải bắp, thì phải ký thêm lên thành 250ha, để phòng khi giá thị trường trong nước cao, nông dân bán hết hàng ra ngoài”, ông Trường kể khổ.
“Các thị trường khó tính mà chúng tôi XK hiện nay đều có quy định rất chặt, chỉ cho phép sử dụng hoạt chất BVTV cụ thể, với dư lượng cho phép cụ thể. Thế nhưng không phải nông dân nào cũng tuân thủ quy trình sử dụng. Năm ngoái, suýt chút nữa thì Hàn Quốc họ cấm NK cà rốt, còn Nhật Bản thì suýt nữa họ ngừng nhập cải bắp vì bị dính vi phạm kiểm dịch thực vật”, ông Tăng Xuân Trường - GĐ Cty Hưng Việt. |