Dạo quanh làng bún An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, chúng tôi nhận thấy không khí lao động hối hả của những người làm nghề ở đây. Không khí tất bật, nhộn nhịp hiện rõ trên mọi tuyến đường với những vỉ phơi bún bày kín 2 bên lề đường.
Phơi bún |
Năm nay, những lò làm bún bánh ở đây “treo lò” chịu cảnh thất nghiệp dài dài, vì mưa lũ xảy ra liên miên. Theo đó, lượng bún dự trữ tại những đại lý cũng đã cạn hàng. Trong khi đó, dịp tết là thời điểm nhu cầu về mặt hàng này càng tăng cao với những bữa tiệc tất niên, cúng chạp mả.
Cũng may, những ngày này đã dứt mưa, nắng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho những lò bún đỏ lửa. Tranh thủ “chạy đua” với thời gian và thời tiết, những lò làm bún ở An Thái thuê nhân công, làm việc cật lực để có hàng phục vụ dịp Tết sắp đến.
Ông Nguyễn Văn Lượng ở thôn An Thái cho biết: “Chưa năm nào như năm nay, mưa ròng rã suốt mấy tháng liền nên những lò làm bún ở đây đều “treo lò”, không thể sản xuất. Làm bún mà không có nắng thì “bó tay”, sản phẩm không thể khô. Ngày nào trời không mưa không nắng thì cũng có thể làm, nhưng chỉ sản xuất được 1 lượt vỉ rồi phơi gió cả ngày mới khô. Bún sản xuất trong điều kiện này cũng chẳng ngon lành gì vì sượng trân”.
Theo ông Lượng, bình thường mỗi ngày gia đình ông chỉ chế biến khoảng 150kg gạo là đủ bún cung ứng cho bạn hàng, thế nhưng vào những tháng tết thì số lượng tăng lên gấp đôi, có khi gấp 3.
“Cả năm, người làm bún chỉ trông vào 3 tháng cuối năm, nhưng năm nay mưa liên tục nên số lượng hàng bán ra thị trường giảm đáng kể. Những ngày này trời có nắng, người người làm nghề tranh thủ sản xuất để vừa có hàng bán, vừa kiếm tiền tiêu tết”, ông Lượng bộc bạch.
Theo những người làm nghề, nghề bún không quá khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở, mỗi hộ dân đều có bí quyết riêng. Song, muốn bún ngon thì quan trọng vẫn là chất lượng gạo dẻo, thơm. Bột gạo phải ngâm, xay nghiền thật kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian. Bún, bánh ở An Thái nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kom Tum, thậm chí được xuất bán qua Lào, Campuchia.
Chủ cơ sở sản xuất bún gạo Trường Thọ, chị Tướng Thị Huyền Anh cho biết: “Dịp Tết, cơ sở chế biến trên 1 tấn gạo/ngày, cho ra 800kg bún khô. Sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cơ sở có 16 lao động, mỗilao động thu nhập 150 - 200 ngàn đồng/người/ngày”.
Theo UBND xã Nhơn Phúc, làng nghề bún - bánh An Thái có trên 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, trong đó tiêu thụ mạnh nhất là thị trường Tây Nguyên. Đặc biệt, sản phẩm bún Song Thằn hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị trong nước.
Hiện giá bún Song Thằn tăng lên 200 ngàn đồng/kg nhưng các cơ sở không dám nhận đơn đặt hàng vì thời tiết nắng ít nên sợ không đảm bảo nguồn hàng cung ứng. |