| Hotline: 0983.970.780

Ca sĩ Hà Trần tự hát bằng thơ sau ánh đèn sân khấu

Thứ Bảy 18/07/2020 , 09:27 (GMT+7)

Khác với các diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh… ca sĩ Hà Trần có một khoảng trời riêng trong thi ca, nơi không cần giai điệu kèn trống lẫn mùi thơm nước hoa

Ca sĩ Hà Trần qua nét vẽ của Dũng Yoko.

Ca sĩ Hà Trần qua nét vẽ của Dũng Yoko.

Trong các nữ ca sĩ nổi danh của Việt Nam, Hà Trần được xưng tụng diva rất sớm. Khi công chúng hứng thú với hai chữ diva và tự đặt ra bảng xếp hạng, thì Hà Trần lập tức được nhắc đến, chỉ xếp sau Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh.

Sự thành công trên con đường ca hát của Hà Trần, không khó hiểu. Vì chị sinh ra và lớn lên giữa một chiếc nôi nghệ thuật, có cha là Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu và có chú là nhạc sĩ Trần Tiến. Từ nhỏ, Hà Trần đã nhảy chân sáo ở khu tập thể Nhạc viện Hà Nội, và tiếp xúc với bao nhiêu danh ca.

Chuyện ca sĩ Hà Trần lừng lẫy với nghệ thuật biểu diễn, dường như ai cũng biết. Thế nhưng, chuyện ca sĩ Hà Trần làm thơ thì không mấy người tỏ tường. Thời học sinh, ca sĩ Hà Trần viết tản văn cho các tờ báo tuổi thiếu niên, với bút danh Sông Thu (có lẽ được “phiên dịch” từ tên thật Trần Thu Hà). Tuy nhiên, chính ca sĩ Hà Trần thổ lộ thì cô làm thơ từ lúc 8 tuổi và được mẹ thường xuyên khuyến khích.

Sau khi lập gia đình và sang Mỹ định cư, ca sĩ Hà Trần mới công bố thơ của mình bằng một tập khá mỏng có tên gọi “Thập kỷ yêu”. Thơ Hà Trần nhiều ưu tư và nhiều dằn vặt, như khoảng lặng im của một người quen lặn ngụp giữa những âm thanh huyên náo và những phấn son ganh đua. Nhờ thơ, khán giả biết thêm một ca sĩ Hà Trần đa đoan “sợ anh buồn hồn vương chân tóc”. Và nhờ thơ, ca sĩ Hà Trần biết thêm một góc khuất đời mình “ta ở giữa ta, nhòa nhạt trong thời gian không màu”.

Bây giờ, ca sĩ Hà Trần 43 tuổi, ít khi xuất hiện trước đám đông. Hỏi chị vẫn bí mật làm thơ chứ? Chị chỉ cười, cái cười nhẹ nhàng của một người phụ nữ đã thong dong “tri túc” và “cầu an”.

Xin mời bạn đọc thưởng thức những câu thơ viết sau ánh đèn sân khấu, để chia sẻ tâm trạng "đành ngồi lại bên sông, tự hát thầm" của ca sĩ Hà Trần.

                      LÊ THIẾU NHƠN (chọn và giới thiệu)

NÓI VỚI ANH

Giữa em và anh là một người đàn bà

Mắt huyền nhung vấp víu bờ vai rộng

Em mỏng mảnh như sương khói

Vượt ngàn cây số để yêu anh

Nỗi khát khao có nhiều nhặn gì

Được gần anh lắng nghe một hơi thở

Được nhìn anh qua màn đêm yên ắng

Phía trong em lấp lánh một linh hồn

Em - cô gái xanh xao bên khung cửa xanh

Đếm những giọt mưa xanh màu vô vọng

Họa mi vẫn hót bản tình ca câm lặng

Chỉ anh là chẳng biết gì…

Hãy xua đi nỗi buồn em im vắng

Anh đi qua như khách lạ vô tình

Chẳng biết dưới chân mình một loài cỏ dại

Ngập ngừng níu bước người đi

Giữa em và anh có một người đàn bà

Mắt huyền nhung vấp víu bờ vai rộng

Em mong manh hơn sương khói

Loãng tan vào thinh không.

Ca sĩ Hà Trần cho biết mình làm thơ từ năm 8 tuổi, do người mẹ hướng dẫn và động viên.

Ca sĩ Hà Trần cho biết mình làm thơ từ năm 8 tuổi, do người mẹ hướng dẫn và động viên.

TRIẾT LÝ VỤN

Có một ngày ta chợt hỏi

“Đời là gì?”

Không buồn- vui, không chờ - đợi

Ta ở giữa ta, nhòa nhạt trong thời gian không màu

Có một giờ ta chợt hỏi

“Tình là gì?”

Muôn tình đi qua, muôn người níu lại

Níu đầy tay, lầm lạc cõi phân chia

Ta trốn mình nơi này, lại gặp mình chỗ kia

Dọc ngang cũng là chốn ấy

Ta về lại giữa ta, kiệt quệ trong thời gian bạc màu.

Ca sĩ Hà Trần đã in một tập thơ mỏng, có tên gọi 'Thập kỷ yêu'.

Ca sĩ Hà Trần đã in một tập thơ mỏng, có tên gọi "Thập kỷ yêu".

TỰ HÁT

Bên sông ngắm ngày trôi

Nhớ anh quá nhớ!

Muốn nói lời trăn trối

Gửi tình bay

Thao thiết nước qua dòng

Em quá thì thao thức

Anh ngần ngại, bóng chảy vào đêm

Bóng anh tan bóng em

Tàn cơn hoang dã

Nắm tay cười ngô nghê

Đêm vốn đã dài

Ngày chẳng ngắn

Thời gian mòn mỏi tìm chi?

Em mải miết chờ chi?

Lẻ loi một bóng

Anh mê mải tìm chi?

Thân xuôi dòng

Nảy mầm trong đất đỏ

Sợ anh buồn hồn vương chân tóc

Ngại ngùng chẳng đi

Phố thêm người điên

Khóc cười định mệnh

Đau man dại, tim trần sao hóa giải

Đành ngồi lại bên sông, tự hát thầm…

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

Tiền đạo Đình Bắc báo tin không vui

Tiền đạo Nguyễn Đình Bắc có nguy cơ phải nghỉ hết vòng bảng giải U23 châu Á 2024 vì chấn thương cổ chân.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm