Văn đàn thi thoảng cũng có cơ duyên xuất hiện vài người đẹp. Thế nhưng, nhan sắc chốn chữ nghĩa như hoa lạc rừng gươm, khi tác phẩm nổi lên thì dung mạo mờ đi.
Ngược lại, mỹ nhân từ giới showbiz khi nhón gót sang địa hạt sáng tạo thì mày ngài nét ngọc vẫn rạng rỡ mặc cho ý tứ thâm sâu xô dạt tận phương nào. Biên giới mong manh giữa phấn son và viết lách chỉ cần nghiêng lệch đi một chút, lập tức gây nên cơn sóng ba đào phía độc giả vốn luôn tò mò với những yếu tố kích động!
Tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi nhất phải nhắc đến trường hợp “Yêu và sống” của Lê Vân. Tuy nhiên, nữ diễn viên lừng lẫy một thời chỉ kể lại cho người khác chấp bút. Tự thao thức trước bản thảo có lẽ cần tôn vinh ca sĩ Hà Trần với tập thơ “Thập kỷ yêu” và ca sĩ Lê Kiều Như với tiểu thuyết “Sợi xích”. Nối bước những liền chị hồ hởi gác micro và váy áo để theo việc văn chương, ca sĩ Tinna Tình cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Mặt nạ”.
Tinna Tình là nghệ sĩ Việt kiều, có mẹ người Séc còn cha gốc gác con Rồng cháu Tiên. Năm 16 tuổi, Tinna Tình tìm về mảnh đất cội nguồn để nuôi giấc mộng nghệ sĩ lớn lao. Năm 2004, Tinna Tình từng được giải thưởng Nữ diễn viên triển vọng tại Liên hoan phim quốc gia nhờ vai diễn trong bộ phim “Trò đùa của Thiên Lôi”. Món quà nghề nghiệp năm 20 tuổi ấy không giúp sự nghiệp của Tinna Tình trở nên dễ dàng hơn. Tinna Tình lận đận làm ca sĩ độc quyền rồi xuôi ngược làm ca sĩ tự do. Cá tính thẳng thắn của một cô gái sinh ra và thụ hưởng nền giáo dục kiểu phương Tây khiến Tinna Tình không ít lần bị tổn thương khi bôn ba làng nghệ thuật có lề thói ứng xử theo cảm tính và vận động theo xu hướng lợi ích nhóm. Cũng may, với tài năng thiên bẩm, Tinna Tình vẫn định danh như một gương mặt nữ hiếm hoi theo đuổi dòng nhạc rock bằng những ca khúc do chính mình sáng tác.
Sự trải nghiệm của Tinna Tình hơn 10 năm trong giới showbiz đã giúp cô ngồn ngộn chất liệu để viết “Mặt nạ”. Tuy cấu trúc tác phẩm lỏng lẻo và dẫn dắt câu chuyện khá chệch choạc nhưng nhiều chi tiết dở khóc dở cười mà nhân vật chính Ginna Quỳnh phải đối mặt khiến người đọc vẫn hình dung rõ ràng những góc khuất thị phi phía sau tấm màn nhung lộng lẫy với bao nhiêu mưu tính thấp hèn và bao nhiêu hứa hẹn bay bổng. Nếu ai đã từng biết đến Tinna Tình ngoài đời thường sẽ lung lạc nghĩ rằng “Mặt nạ” là một cuốn tự truyện. Không sao cả, sự thật được phơi bày thường có sức chinh phục hơn bất kỳ tưởng tượng siêu đẳng nào.
“Mặt nạ” không nhiều giá trị văn chương, nhưng không hề kém về giá trị cảnh tỉnh. Những nhân vật bủa vây Ginna Quỳnh chỉ với mục đích lợi dụng thân xác cô như Sáu Mít, Cát Nghệ hay Hào Phóng đều nhan nhản trong giới showbiz đương thời. Đặc biệt, hình ảnh Đạo được tác giả “Mặt nạ” dày công miêu tả cũng không khó nhận diện khi đối chiếu với thực tế. Nếu viết cuốn sách này với mong muốn tháo những chiếc mặt nạ giả dối xuống, thì Tinna Tình đã ít nhiều thành công.
“Mặt nạ” chỉ khoảng 200 trang, có nước mắt, có xót xa, có phẫn nộ, có đau khổ. Tuy nhiên “Mặt nạ” sẽ không có chút gì đáng lưu tâm, nếu tác giả không phải Tinna Tình. Vì mỹ nhân showbiz như Tinna Tình cao hứng cầm bút nên 5000 bản in “Mặt nạ” mới bán hết nhanh chóng. Hơn nữa, chỉ cần chú ý kỹ lưỡng sẽ thấy Tinna Tình được ưu ái chào đón đến văn chương như thế nào: Cuốn sách được Tinna Tình ghi “viết xong ngày 13/9/2012” thì lời giới thiệu cho cuốn sách cũng được một nhà thơ nồng nhiệt ghi “ngày 13/9/2012”. Theo cách hiểu thông thường, nghĩa là Tinna Tình vừa đứng dậy rời khỏi bàn viết, thì nhà thơ kia đã nhảy vào đọc hối hả và... tung hô ngay tắp lự. Đúng là mỹ nhân cầm bút có khác người thường!