| Hotline: 0983.970.780

Cần có giải pháp căn cơ phát triển kinh tế dưới tán rừng

Thứ Năm 23/03/2023 , 19:12 (GMT+7)

Bắc Kạn là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, đất lâm nghiệp chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên, người dân sống giữa rừng nhưng còn nhiều khó khăn.

Ngày 23/3, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/2/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đời sống nhân dân gần rừng còn khó khăn

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp gần 418.000ha (trong đó rừng đặc dụng 27.593ha, rừng phòng hộ hơn 83.000ha và 306.481ha rừng sản xuất) chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 là 73,35%.

7

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Ảnh: Ngọc Tú.

Những năng qua, bên cạnh việc quan tâm bảo vệ rừng, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế từ rừng. Tỉnh Bắc Kạn cũng xác định, kinh tế rừng là hướng đi mũi nhọn để nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn chung đời sống người dân sống ở gần rừng vẫn còn rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Kạn còn hơn 24,7%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm đến 80%. Dù đa số người dân ở Bắc Kạn sống gần rừng nhưng nguồn thu nhập từ rừng còn rất thấp.

Tỉnh Bắc Kạn có hơn 306.000ha rừng sản xuất, nhưng trong số này, diện tích rừng tự nhiên (rừng tự nhiên quy hoạch là rừng sản xuất) không được phép cải tạo, trồng cây mới chiếm khá lớn. Tuy nhiên, mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất hiện nay rất thấp (400.000 đồng/ha/năm đối với xã khu vực II, III và 300.000 đồng/ha với xã khu vực I). Trong khi đó mức khoán bảo vệ rừng đặc dụng mới được 100.000 đồng/ha/năm.

nguyen quoc tri

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, thời gian tới sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng. Ảnh Ngọc Tú. 

Dù mức khoán thấp, nhưng do thiếu kinh phí nên đến nay tỉnh Bắc Kạn vẫn còn “nợ” khoảng 50 tỷ đồng tiền giao khoán bảo vệ rừng. Với diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 85% diện tích tự nhiên, rõ ràng đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn không nhiều. Trong khi đó, mức hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng rất thấp khiến cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Cần tháo gỡ bất cập

Theo quy định rừng tự nhiên không được phép cải tạo, trồng mới, tuy nhiên thực tế tại Bắc Kạn cho thấy, một phần diện tích được quy hoạch là rừng tự nhiên nhưng là đất đã giao cho người dân quản lý, trước đây họ vẫn trồng rừng. Ngoài ra nhiều diện tích rừng được quy hoạch là rừng tự nhiên nhưng thực chất chỉ là rừng nghèo kiệt, nhưng người dân vẫn không được phát để trồng mới.

Ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, thông tin, rừng trồng và rừng tự nhiên nghèo kiệt ở sát nhau nên dân phát để trồng rừng dẫn đến số vụ vi phạm tăng cao, tạo áp lực rất lớn lên bộ máy quản lý ở địa phương. Tại huyện Chợ Đồn, đất lâm nghiệp chiếm đến gần 90%, hơn 80% người dân sống dựa vào rừng nhưng việc không được cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt trở thành rào cản kìm hãm kinh tế rừng phát triển.

"Trong khi người dân rất cần đất sản xuất thì có nhiều diện tích đã giao cho người dân quản lý là rừng tự nhiên nghèo kiệt gần như không có cây cối gì nhưng người dân không được tác động nên sau hàng chục năm vẫn không thành rừng. Với đặc thù là tỉnh có độ che phủ rừng cao như Bắc Kạn rất cần chính sách phù hợp hơn để người dân phát triển kinh tế”, ông Chung đề xuất.

1

Thu nhập từ rừng của người dân chưa cao nên đời sống còn khó khăn. Ảnh Ngọc Tú. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng, xác định thế nào là rừng trữ lượng thấp hoặc rừng tự nhiên nghèo kiệt hoàn toàn do địa phương, việc quy hoạch cả diện tích nghèo kiệt đã giao cho người dân quản lý vào diện tích rừng tự nhiên đang gây ra nhiều vướng mắc. Thời gian tới, sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, từ đó cuộc sống người dân sống gần rừng sẽ được cải thiện.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TƯ ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đề nghị các đơn vị tham mưu cần rà soát, đề xuất giải quyết những vướng mắc. Tỉnh Bắc Kạn cần vừa đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng nhưng cũng phải phát triển kinh tế rừng từ đó nâng cao đời sống người dân. Có giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế dưới tán rừng, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị kinh tế.

Xem thêm
Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...