Ngày 30/10, tại Gia Lai, Bộ NN-PTNT phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến tại Hà Nội.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên
Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh là hơn 845.000ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan, rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Hồ tiêu, cà phê, cao su, mía, sắn, cây dược liệu, cây ăn trái, cỏ chăn nuôi…
Mặt khác, Gia Lai cũng có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến. Hiện nay, tỉnh quy hoạch 31 cụm công nghiệp, trong đó có 13 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập. Cùng với nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định sẽ tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với địa phương. Ngoài ra, Gia Lai có lợi thế về giao thông đi lại thuận tiện, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam.
“Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở cánh cửa để chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh: Nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp”, ông Tiệp chia sẻ
Trong những năm qua, Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus (Hà Lan) đã liên kết triển khai nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên với quy mô lớn và đạt được thành tựu đáng kể. Tại Lâm Đồng, 2 doanh nghiệp này có 3 dự án chăn nuôi gà với quy mô 30ha, tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng, hiện đang phát triển ổn định. Tại Đắk Lắk, dự án có diện tích 200ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Riêng tại Gia Lai, dự án của 2 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã đạt 60% tiến độ thi công và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 cuối năm nay.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết, để các dự án này phát triển thuận lợi, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như các chính sách thu hút đầu tư phù hợp. Qua thực tiễn triển khai, doanh nghiệp nhận thấy vẫn còn nhiều thách thức và trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao.
“Trước tiên, tôi nghĩ các địa phương cần có quy hoạch rõ ràng và nhất quán cho các vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi. Quy hoạch cần bám sát các tiềm năng và có sự đồng bộ giữa các địa phương, giúp các nhà đầu tư nhìn thấy được hướng phát triển dài hạn, đồng thời đảm bảo việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý”.
Cũng theo ông Hùng, một trong những kế hoạch quan trọng của của doanh nghiệp đầu tư vào dự án nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn, đi đôi với việc xây dựng các mô hình HTX tại Tây Nguyên. Việc này không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung cấp ngô bền vững cho ngành chăn nuôi, mà còn là một chiến lược dài hạn để tăng cường an ninh lương thực, đồng thời giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Xe Tơ Dệt Lụa Hà Bảo (tỉnh Lâm Đồng), cho biết các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm quanh năm, đem lại kinh tế cao.
“Hiện chúng tôi đã lập dự án sản xuất trứng giống tằm và nuôi tằm con ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Gia Lai để tạo vùng lõi liên kết phát triển bền vững nghề dâu tơ tằm, quy mô 300ha, với mức đầu tư 600 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn các Sở, ngành tỉnh Gia Lai tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt dự án đầu tư”, bà Hoa thông tin thêm.
Mở rộng không gian thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Chia sẻ về xu hướng đầu tư ở Việt Nam của các doanh nghiệp tại nước ngoài, ông Lê Hoàng Thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, các tỉnh Tây Nguyên đang có nguồn tài nguyên rất lớn, đặc biệt là thị trường carbon, giảm phát thải. Đây là nguồn tài nguyên đem lại giá trị kinh tế rất cao.
“Sau hội nghị này, chúng tôi sẽ phổ biến lại với các doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài về những tiềm năng, tài nguyên của các tỉnh Tây Nguyên. Chúng tôi cũng đề nghị 5 tỉnh Tây Nguyên chuẩn bị thêm việc đào tạo nguồn nhân lực để làm việc kê khai, kiểm kê, xác minh và chứng nhận trong lĩnh vực chứng chỉ carbon. Qua đó, để đưa những tài nguyên của các tỉnh tham gia vào thị trường này”, ông Thế chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn, đồng thời cho rằng với tư duy đổi mới, với sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu, Tây Nguyên có thể chuyển mình từ một nơi vốn tập trung trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cao su và cà phê để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Bộ trưởng khuyến nghị chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có tư duy rộng mở hơn, không giới hạn đối với nông nghiệp Tây Nguyên.
Bộ trưởng gợi ý xây dựng các "vùng đệm" cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản ở những khu doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư cùng các HTX, nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của thị trường nguyên liệu đầu vào như ngô và đậu tương, vốn chủ yếu phải nhập khẩu.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc về chính sách, đồng thời cam kết Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ trong phạm vi thẩm quyền.
Bộ trưởng nhìn nhận, việc doanh nghiệp đến với địa phương không chỉ giúp mang lại kinh tế, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội mà còn đóng góp trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý các doanh nghiệp cần quan tâm đến quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) của EU, mặc dù quy định này sẽ lùi một năm, nhưng trong tương lai sẽ có tác động lớn đến ngành cà phê và gỗ xuất khẩu của Tây Nguyên.
Bộ trưởng kêu gọi doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế phát triển bền vững, sẵn sàng vượt qua các rào cản thương mại và yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe. Bộ NN-PTNT với cơ quan SPS sẵn sàng cung cấp thông tin về kỹ thuật của các thị trường cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), Tây Nguyên hiện có trên 5 triệu ha đất nông nghiệp. Với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Tây Nguyên đang trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước với các loại cây trồng chủ lực như: Cà phê trên 660 nghìn ha; cao su trên 220 nghìn ha; hồ tiêu 77 nghìn ha sầu riêng 75 nghìn ha; chanh leo gần 7 nghìn ha. Cùng với đó, khu vực Tây Nguyên có trên 4 triệu con gia súc, 30 triệu con gia cầm; khai thác trên 700 ngàn m3 gỗ rừng trồng/năm…